ĐĂK LĂK - Hai lần khởi nghiệp thất bại, sang lần thứ 3, Hoàng Văn Tiến giấu bố phá vườn tiêu rộng 4.000 m2 để nuôi chó cảnh và cũng suýt thất bại.
Từ hai năm nay, hành động quen thuộc và yêu thích vào mỗi buổi sáng của Hoàng Văn Tiến, 31 tuổi, là mở cửa trại chó bên hông nhà và đứng ngắm gần 200 con chạy ngược xuôi, nô đùa trong khu đất trống được quây lưới xung quanh. Trang trại chó ở thôn Katy 2, xã Chư Kbô, huyện Krông Búk của Tiến hiện có giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng, hai tháng đầu năm nay có doanh thu hơn một tỷ đồng, thu hút sự chú ý của người yêu động vật mà còn là điểm tham quan của du khách đến với Tây Nguyên.
Hoàng Văn Tiến đến với chó cảnh một cách tình cờ. Cuối năm 2016, khi đang đi bán hàng rong, Tiến được người bạn mách, có người thân chuẩn bị sang nước ngoài, muốn bán lại chú chó Husky giá rẻ. "Thời tiết Đắk Lắk rất phù hợp với giống chó này. Nuôi cũng dễ lắm", người này động viên. Anh mang về nuôi thử, cho ăn như chó nhà, sau hai tháng, chó mẹ đẻ ba con, bán được 27 triệu. Nhưng một tuần sau, mấy chó con giao cho chủ mới đều lăn ra chết, Tiến phải chạy đôn đáo khắp nơi mua đền.
"Miếng ăn đến miệng còn rơi mất" nên Tiến rất "cay cú", quyết tâm làm lại. Suốt vài tháng sau đó, anh lên mạng nghiên cứu cách nuôi chó. Thấy kiến thức tàm tạm, vợ chồng anh vay tiền mua thêm hai con Husky giống, giá 70 triệu đồng. Chế độ nuôi được thay đổi, thay vì chỉ ăn cơm chan canh xương giờ những chú chó được uống sữa, bổ sung can xi, lớn chút nữa cho ăn thịt gà, bò, rau củ, trứng vịt lộn... Sau ba tháng, 16 chó con chào đời, dự kiến mang về cho chủ 120 triệu đồng. Có điều, giống như ba con chó con lứa trước, 16 con này cũng chung số phận khi mới vài tuần tuổi.
"Tay chôn chó mà cứ ngỡ chôn tiền. Tôi đau lắm, thẫn thờ cả tháng như người mất hồn", Tiến nhớ lại. Anh đóng cửa, mặc kệ ba con chó mẹ không ai chăm sóc.
"Ngã ở đâu đứng lên ở đấy. Cứ cố gắng rồi cũng có ngày được ngẩng đầu lên", chị Lê Kiều Loan, 26 tuổi, vợ Tiến nói với bố mẹ, cố tình hướng vào phía giường nơi chồng đang nằm. Đợi con ngủ, người phụ nữ này lặng lẽ chăm đàn chó mẹ, không than nửa lời.
Sau lần thất bại này, Tiến nhảy xe xuống Sài Gòn đến một trại chó chuyên nghiệp xin học việc để tham khảo kinh nghiệm.
Đây không phải lần đầu người đàn ông này khởi nghiệp thất bại. Trước khi nuôi chó, anh đã hai lần trắng tay, sống "giật gấu vá vai" bằng nghề bán rong mũ bảo hiểm rồi xà phòng giặt ở khắp các chợ trong tỉnh.
Năm 2009, bỏ học dở chừng năm nhất, cậu sinh viên 19 tuổi khi đó giấu gia đình kinh doanh quần áo online, thời gian đầu cũng khá "phất". Một lần ham rẻ nhập hàng lỗi mốt, chất lượng kém, Tiến thua lỗ, mất sạch cả gần trăm triệu tiền vốn. Chán nản, anh bỏ về quê làm quản lý nhà hàng tiệc cưới lưu động cùng mẹ. Năm 2015, giá hồ tiêu ở Tây Nguyên bỗng sốt sình sịch, chàng trai đua theo cả làng, đổ 400 triệu tiền tiết kiệm trồng tiêu trên mảnh đất 4.000m2 của gia đình. Một năm sau, già nửa diện tích tiêu chết bệnh, giá cũng rớt đáy, anh đành tìm hướng khác nuôi vợ và con trai mới đẻ.
Để kiếm tiền, Tiến lang thang khắp các chợ trong tỉnh, bán đủ thứ, từ mũ bảo hiểm đến xà phòng giặt. Nhiều lần bị bảo kê chợ đuổi đánh hay mưa to chạy không kịp hàng ướt, hỏng nhưng anh không dám ở nhà ngày nào, bởi "nghỉ là chết đói". Bố mẹ thấy con trai bạc mặt ngoài đường, xót xa mắng: "Cho ăn học đàng hoàng lại bỏ, giờ cầu bơ cầu bất".
Tiến tự nhận bản thân khi đó là "tầng lớp thấp", không liên lạc với ai, bạn bè gọi điện hỏi thăm cũng chẳng dám nghe máy.
Sau vài tháng học kinh nghiệm ở Sài Gòn, anh về nhà dựng chuồng để "làm lại cuộc đời". Quy trình chăm sóc khép kín và khâu phòng bệnh được đặc biệt chú ý. Cuối 2017, đàn chó giống cho ra đời 7 chó con khỏe mạnh, bán được 49 triệu đồng.
Thấy có triển vọng, nên Tiến bắt đầu mở rộng quy mô. Bố đi vắng, anh nhổ vài trăm gốc tiêu còn lại đúng lúc giá tiêu bắt đầu nhích lên. Ông Hoàng Tiến Dũng, 58 tuổi, bố Tiến nổi cơn tam bành, dọa lấy lại đất. Bố về, con tránh mặt. Bố tìm, con trốn sau nhà. Vài ngày sau tình hình dịu hơn, Tiến nói với bố: "Nếu lần này thất bại, con sẽ trả đất".
Hai vợ chồng bán hết vàng cưới, gom góp được 80 triệu đồng, xây trại chó trên diện tích trước đây trồng tiêu. Tiền xây hết 200 triệu, Tiến nợ quá nửa, hẹn chủ thầu cuối năm trả nốt.
50 chuồng chó được dựng lên. Bên cạnh, Tiến xây căn chòi 10 m2 một mình chăm lũ chó. Giữa năm 2018 số lượng chó tăng lên, trang trại bắt đầu tuyển thêm học viên kỹ thuật, gồm cả người khuyết tật. Những học viên này chăm sóc đàn chó, còn Tiến tập trung vào bán hàng và mở rộng thị trường.
Cuối năm 2018, doanh thu của trang trại lần đầu tiên đạt một tỷ đồng, Tiến trả được hết nợ. Hai năm 2019 và 2020, doanh thu tăng gấp đôi. Hiện, trang trại có khoảng 200 con chó kiểng các loại như Alaska, Husky, Samoyed, Poodle, Akita, Shiba,... để phục vụ du khách tham quan, chụp hình, tìm hiểu kiến thức về các loại chó cảnh.
Không chỉ bán chó con, Tiến còn mở rộng thêm các dịch vụ dành cho chó cảnh như lưu chuồng, chăm sóc tại trại, tắm sấy, spa cắt tỉa, phối giống đỡ đẻ cho chó Alaska...
Anh Vũ Minh Cường, Phó Chủ tịch Hội thanh niên huyện Krông Búk, Chủ nhiệm câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp của huyện cho hay: "Trang trại của Tiến được nhiều người biết đến và xem là địa chỉ tin cậy cung cấp con giống ra thị trường cả nước". Năm 2019, Tiến được bằng khen cấp tỉnh Đắk Lắk về thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu và làm ăn kinh tế giỏi.
"Năm 2020, thanh niên này còn được trao danh hiệu Thanh niên sống đẹp cấp tỉnh khi tạo nhiều quỹ học bổng cũng như hỗ trợ kinh phí xây nhà cho người già neo đơn", ông Phạm Trọng Luyện, trưởng thôn Katy 2 nói.
Do ảnh hưởng Covid-19, nửa tháng nay Tiến ít đi các tỉnh hướng dẫn những trang trại liên kết cách nuôi và chăm sóc chó cảnh. Thay vào đó, anh bán trực tuyến qua các kênh trung gian và giải đáp hướng dẫn cho những người có nhu cầu tìm hiểu.
"Tương lai, tôi muốn xuất khẩu chó cảnh sang nước ngoài cũng như giới thiệu mô hình này tới nhiều bạn trẻ muốn khởi nghiệp. Đây là nghề mới, thu nhập tốt nếu như chăm chỉ và cầu thị", người đàn ông 31 tuổi nói. Theo vnexpress
Nhận xét
Đăng nhận xét