CẦN THƠ -Năm năm qua, Đức Thắng đã "phát lương" nuôi 14 cụ già neo đơn, xây nhà đón 8 cụ khác về chăm sóc và mới đây còn vay tiền mua xe cứu thương chạy miễn phí.
Ngày cuối tháng 5, giống như những cuối tháng khác của hơn 5 năm qua, Ngôn Đức Thắng lại chạy xe máy gần 50 km để "đi phát lương" cho vợ chồng ông Dương Thành Năm, 78 tuổi - cặp vợ chồng không con cái, không nơi nương tựa ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
"Lương" của cặp vợ chồng già chỉ là số tiền 500 nghìn mỗi tháng, đủ để họ đi chợ mua thức ăn hàng ngày. Bốn năm trước, Thắng đã vận động các mạnh thường quân ủng hộ hơn 50 triệu đồng, dựng cho ông bà Năm căn nhà tình thương, khỏi lo mưa nắng thất thường, đồng thời mua bảo hiểm y tế cho cả hai người.
"Vợ chồng tui không có con cái, về già chẳng biết nhờ cậy ai. Bà nhà mấy năm nay bị té hoài, giờ đi lại khó khăn. Tui ở nhà chăm bả nên cũng không đi làm được gì nữa, may có thằng Thắng", ông Năm chia sẻ.
Ông bà Năm không phải là trường hợp duy nhất, chàng trai 33 tuổi này còn "phát lương" đều đặn cho 14 cụ già neo đơn khác. "Tôi không tặng gạo, tặng mì vì đi một mình không thể chở xuể. Tôi gửi tiền để họ cần gì thì mua cho tiện. Số tiền cũng ít nên không sợ họ tiêu xài hoang phí. Có nhiều bạn làm công nhân đến gửi tôi 100 nghìn đồng giúp người khó khăn hơn nên tôi phải giúp đúng người", anh Thắng nói.
Ngôn Đức Thắng quê Gò Quao, Kiên Giang tự khoác lên mình "nghiệp thiện nguyện" từ hơn 6 năm trước. Thời đang làm việc cho một công ty dược, anh nhiều lần cùng các bác sĩ đến những vùng sâu, vùng xa tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí. "Nghe có bác sĩ thành phố về thăm khám, nhiều cụ không ngại tốn cả trăm nghìn tiền đi xe ôm ra trạm y tế xã. Nhưng đến nơi thường chỉ nhận lại vài loại thuốc miễn phí chỉ vài chục nghìn. Có cụ ra đến nơi bác sĩ đã lên xe về tự bao giờ. Tôi có tình thương đặc biệt hơn với những cụ già, trăn trở không biết làm sao để giúp họ", Thắng kể.
Tết năm đó, một mình Thắng tự bỏ tiền mua ít quà Tết đến biếu những cụ già neo đơn mà anh biết. Trên đường đi, anh tình cờ gặp một bà cụ dáng khắc khổ, đang ngồi tắm ở mé sông. Dừng lại hỏi chuyện, anh biết cụ đang sống một mình trong căn chòi nhỏ cạnh sông. Mở ngồi cơm trên bếp, Thắng thấy cơm đã thiu, bị đàn kiến bu đầy nhưng bà cụ mắt mờ chẳng thấy, bà nói: "Đây là bữa trưa của tui".
Không đành lòng để bà cụ ở lại, anh thuê căn trọ nhỏ ở sát bệnh viện Ung Bướu rồi mời cụ về ở. Hằng ngày, Thắng gửi tiền để những người hàng xóm đi chợ, nấu cơm cho bà cụ.
Mong muốn giúp thêm nhiều cụ già hơn, năm sau, Thắng vận động thêm kinh phí từ cộng đồng, dựng một căn nhà ở phường Tân Phú, quận Cái Răng. Từ đó đến nay, căn nhà là mái ấm cuối đời của 8 bà cụ neo đơn khắp các tỉnh miền Tây. Kinh phí nuôi các cụ hơn 10 triệu mỗi tháng, đều do một mình Thắng lo liệu.
Biết Thắng qua mạng xã hội hơn hai năm nay, khi thấy anh đăng thông báo kêu gọi cộng đồng giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn, chị chị Lê Thị Kim Oanh ở Quảng Ninh thường chuyển một số tiền nhỏ để anh giúp họ. Nhưng ba tháng nay, chị quyết định gửi Thắng mỗi tháng 5 triệu để phụ anh lo cho 8 cụ già.
"Theo dõi ảnh một thời gian dài, khi đủ tin tưởng tôi mới quyết định cùng anh chung tay lo cho các cụ. Tôi cũng chỉ dám hứa là sẽ giúp khi còn khả năng", chị Oanh chia sẻ.
Năm 2018, Thắng đầu tư làm ăn nhưng thất bại, anh mất một số tiền lớn. Chàng trai thậm chí còn phải vào bệnh viện vì trầm cảm, có lúc nghĩ đến việc ngừng chăm lo cho các cụ. "Nhưng đã rủ các cụ theo mình, bây giờ bỏ họ về lại căn chòi cũ chẳng khác nào ‘đem con bỏ chợ’. Họ đi một thời gian, những căn chòi có khi cũng chẳng còn", Thắng nghĩ rồi lại gắng gồng mình duy trì "mái ấm" cho những người già neo đơn.
Một lần về quê, người mẹ làm nghề bán tàu hũ dạo, dúi vào tay con trai hai chỉ vàng nói: "Con cố gắng xoay sở. Mình nhịn một chút cũng không chết". Rồi anh vực mình dậy bằng việc xin làm quản lý cho một quán cà phê, làm ở công ty xuất nhập khẩu rồi kinh doanh online.
Năm trước mẹ anh bị xe tải đâm trúng khi đang qua đường. Suốt hai tiếng không gọi được xe cứu thương, có người gọi điện cho anh bảo: "Bà chắc không sống nổi". Nhưng may mắn, Thắng nhờ được một người bạn, lái xe gia đình đưa mẹ đi cấp cứu.
"Qua chuyện mới thấy sự cấp thiết của một chiếc xe cưu thương như thế nào", Thắng kể đồng thời cho biết, đó là lý do tháng trước, anh đã mua một chiếc xe cứu thương để chở miễn phí cho người nghèo. Giữa lúc công việc bán hàng trong công ty xuất nhập khẩu gặp khó khăn vì dịch Covid-19, chàng trai phải vay thêm 300 triệu đồng mới đủ tiền mua xe.
Nhưng tự tin với nghề "tay trái" là bán hàng online có nguồn thu nhập khá, anh không ngại mắc nợ, tin mình có thể làm và trả hết trong năm nay. Điều bất ngờ là khi biết Thắng phải vay, nhiều người đã âm thầm chuyển tiền ủng hộ anh.
"Có bạn chuyển đến 50 nghìn và nhắn: 'Nếu ngày xưa có những chuyến xe cấp cứu miễn phí như thế này thì bây giờ em không phải mồ côi'. Câu nói làm tôi có động lực để mua xe. Tôi cũng sẽ cố gắng làm việc, để trả hết nợ trong năm nay", Thắng nói.
Là thành viên của nhóm tài xế thường nhận lái xe cứu thương miễn phí, anh Lê Văn Liên, 41 tuổi, cho biết: "Lúc trước tui lái cho một nhóm thiện nguyện khác, nhưng thấy bên Thắng thiếu người nên sang phụ. Một tháng nay nhóm tài xế thay nhau lái. Thắng thường xin đi cùng khi rảnh, về đến nhà thấy bệnh nhân nghèo, cậu ấy còn cho thêm ít tiền".
Ngoài "phát lương" cho người già khó khăn hay làm mái ấm cho các cụ neo đơn, Thắng còn thường tổ chức những đêm nhạc gây quỹ xây nhà tình thương, tặng quà cho học sinh nghèo... Những lần vận động kinh phí tổ chức đêm trung thu cho trẻ em người đồng bào ở vùng sâu, nhiều người bảo Thắng: "Một năm đến cho quà một ngày thì thấm vào đâu".
"Mình tin một chiếc bánh trung thu, hay một đêm được rước đèn ấy sẽ gieo vào lòng những đứa trẻ sự yêu thương và biết ơn. Cũng như tuổi thơ của mình, nhà nghèo nên cũng từng nhận những gói mì tôm, những cuốn tập và quần áo cũ cứu trợ từ cộng đồng", chàng trai độc thân nói. Theo vnexpress
Nhận xét
Đăng nhận xét