Tạm biệt những ngày ồn ào nơi phố thị, chúng tôi trở về thăm xứ miệt vườn tại Bến Tre. Cồn Ốc (còn gọi là cồn Hưng Phong) là điểm dừng chân trong chuyến hành trình mang lại cho lữ khách sự hân hoan vô tận.
Cồn Ốc (còn gọi là cồn Hưng Phong) nằm cách thành phố Bến Tre khoảng 15 cây số về hướng đông. Nơi đây thuộc xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Diện tích tự nhiên trên cồn chỉ vỏn vẹn 647ha cùng hơn 6.000 nhân khẩu. Nhưng ốc đảo này lại được con sông Hàm Luông ôm trọn che chở phù sa bồi đắp quanh năm.
Chính vì điều đó mà khi du khách vừa bước chân lên cồn đã thấy khắp nơi toàn là mảng xanh của những dải rừng dừa, những hàng cây ăn trái chạy dài hơn 8km chiều ngang.
Chiếc phà rẽ sóng lênh đênh theo dòng nước trong một buổi sáng ngày hạ. Dịp con nước lớn, chiếc phà xuôi dòng trên nhánh sông Hàm Luông để đưa chúng tôi qua bến bờ bên kia.
Xa xa mấy tảng lục bình đang bồng bềnh trôi. Nhiều tảng quay cuồng theo dòng nước xoáy rồi mắc vào mấy bãi bần. Cồn Hưng Phong nổi lên giữa khung trời xanh ngắt. Thảm thực vật dần thay đổi theo từng cái chớp mắt. Chúng tôi biết sắp có một chuyến hành trình đầy thú vị tại nơi đây.
Cồn Hưng Phong năm 1901 chỉ có 935 nhân khẩu. Về sau khi cồn này được phù sa bồi đắp mở rộng, người dân bên phía Mỏ Cày, Bình Khánh, Ngãi Đăng kéo qua khẩn hoang rồi cư ngụ cho đến hiện nay.
Nơi đây vốn từng hoang vu bốn bề là cây bần, bãi sình lầy, dừa nước mọc cao ngút, còn có khỉ chuyền cành nghe người dân kể lại mà thấy sợ.
Mấy người lớn tuổi trên cồn hồi tưởng lại thời đó đường sá khó khăn chủ yếu di chuyển bằng xuồng. Người dân muốn đi từ nhà này sang nhà kia thì chỉ cần leo lên chiếc xuồng ba lá mà chèo tới chèo lui.
Mấy tháng gió chướng gần chạp, muốn băng qua con sông Hàm Luông về bên Tân Hương, Mỏ Cày thì sóng cao xanh mặt. Ai đón đò dọc về Bình Khánh có đi ngang cồn Hưng Phong mà gặp lúc gió thổi giật từng cơn, sóng trong lòng sông mà cao hơn đầu người.
Chiếc thuyền lọt thỏm giữa bốn bề là một màu đỏ đục của phù sa. Người dân khi nhắc lại mà còn rụng rời tay chân.
Nhưng giờ mọi chuyện đã qua và người dân đang ngày giàu có sung túc hơn nhờ trồng cây ăn trái như chanh, cam, dừa, quýt. Trong đó quýt đường Hưng Phong có vị ngọt thanh mà ít nơi nào so sánh bằng.
Có thể vùng đất này còn quá mới mẻ. Cùng với vị trí đắc địa do nằm trên nhánh sông Hàm Luông quanh năm được bồi đắp phù sa dồi dào nên cây trái có hương vị đặc trưng.
Ngoài trồng cây ăn trái là chủ yếu người ta lại hay nhắc đến chú Tám Thưởng khi có bất cứ du khách nào đặt chân lên cồn.
Chú là người đã dày công sưu tầm hơn hai mươi loại giống dừa. Dù chú đã có tuổi nhưng luôn trong tâm thế tìm tòi, học hỏi, và sưu tầm những giống dừa mới. Vườn dừa của chú rộng gần ba mẫu đất trồng hơn 20 giống dừa. Từ dừa ta xanh đến dừa ta đỏ, dừa ta vàng, dừa dung, dừa dâu xanh; dừa lai đến dừa dùng làm nước giải khát như xiêm xanh, xiêm đỏ, Tam Quan, dừa sọc, núm xanh, núm đỏ, dừa dứa…
Để rồi một ngày bao nhiêu công sức của chú bỏ ra cũng được đền công xứng đáng bằng những bằng khen và chú mang danh ‘’vua dừa’’ cũng từ đó. Nhưng tiếc thay khi chúng tôi ghé thăm thì được biết chú vừa mất vào cuối năm 2019. Chú mất rồi nhưng để lại những bóng dừa rợp bóng trên xứ sở cồn Hưng Phong thân yêu.
Bên cạnh đó làng nghề đan cọng dừa, gáo dừa làm đồ thủ công mỹ nghệ cũng là những địa điểm thăm quan của du khách khi đến với người dân trên cồn. Bằng những cọng dừa xanh màu lá, cùng bàn tay khéo léo của người địa phương, họ đã dùng từng cọng lá dừa được vót cẩn thận và đan thành giỏ hoa, cây chổi quét nhà trông thật đẹp mắt.
Riêng với gáo dừa, người ta có thể làm con khỉ, chiếc bóp đầm, con bướm, tranh ảnh ghép lại đầy màu sắc lạ kỳ. Những ngày cận Tết nguyên đán, người dân nơi đây làm liên tục mà không có đủ hàng cung cấp cho các mối lái. Những sản phẩm đẹp, cầu kỳ, có hồn nên làm ai cũng ưa chuộng thích thú.
Còn du khách nào thích đạp xe chỉ cần nửa buổi là đi giáp quanh cồn. Đạp xe dưới tán dừa và thăm thú cảnh vật ở xứ miệt vườn. Du khách ngắm nhìn cuộc sống đời thường của người dân trên cồn. Biết đâu có lúc đi ngang thánh thất Hưng Phong, du khách bắt gặp cảnh cúng tứ thời lại cảm thấy an nhiên giữa bộn bề cuộc sống. Đó cũng là một nét văn hóa trong đời sống tâm linh của người dân trên cồn.
Ngày nay, khi đến với nơi này mọi người khó nhìn được cảnh khỉ ho cò gáy. Nơi mà một thời chính nó đã lưu vào tâm khảm của bao nhiêu thế hệ cho những người đi khai hoang phá đất lập làng gian lao cực khổ.
Đường sá giờ khang trang do người dân một lòng bỏ một ngày công đi xây dựng quê hương. Những chiếc phà ngày đêm đưa người dân qua lại đôi bờ không quản nắng mưa.
Sức sống của một miền quê đang đổi mới từng ngày. Chính vì điều đó càng làm cho những người con trên mảnh đất Hưng Phong cảm thấy bớt khó nhọc, và cô đơn trong bao chặng đường bên kia phía đất liền một dải non sông.
Một ngày được về thăm cồn Hưng Phong, chúng tôi lại càng thêm yêu quê hương này. Trong bồi hồi lưu luyến lúc chia tay về lại đất liền. Tôi viết vài dòng lúc hoàng hôn trải dài trên sông Hàm Luông:
Ai về cồn Ốc, Hưng Phong
Cho tôi nhắn gửi đôi dòng nhớ thương
Ngăn sông cách trở đôi đường
Khó mấy cũng chịu bởi thương nhau rồi.
Nhận xét
Đăng nhận xét