Không chỉ có vị trí cực đẹp, tọa lạc ngay phía Đông của khu di tích danh thắng núi Sam Châu Đốc, Tây An Cổ Tự còn mang giá trị cao về mặt nghệ thuật và kiến trúc. Ngôi chùa cổ còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa - tín ngưỡng tốt đẹp của người dân An Giang từ thuở khai hoang, lập ấp.
Châu Đốc nói riêng và An Giang nói chung là vùng đất nổi tiếng vì có nhiều ngôi chùa đẹp và linh thiêng. Ai từng đi du lịch An Giang hoặc tìm hiểu về địa danh này cũng từng nghe đến những công trình tôn giáo độc đáo như miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, chùa Hang Phước Điền Tự , chùa Huỳnh Đạo, và cái tên không thể không nhắc tới là chùa cổ Tây An. Người dân địa phương còn gọi chùa bằng danh xưng Tây An cổ tự. Nếu có dịp du lịch An Giang và ghé vùng Châu Đốc bạn nhớ viếng thăm ngôi chùa Phật giáo phái Bắc Tông, tọa lạc ngay ngã ba dưới chân núi Sam và được xem là biểu tượng lịch sử cho sự giao lưu kiến trúc giữa Việt Nam và Ấn Độ nổi tiếng này nhé.
Cách di chuyển đến Tây An Cổ Tự
Công trình tôn giáo lâu đời đồng thời là địa điểm du lịch An Giang được đông đảo du khách biết đến này nằm cách trung tâm thành phố Châu Đốc khoảng 5km. Ngôi chùa thuộc quần thể di tích - khu du lịch núi Sam. Khu vực này còn có các địa danh nổi tiếng khác như: chùa Hang, lăng Thoại Ngọc Hầu và đặc biệt là miếu Bà Chúa Xứ núi Sam.
Chính vì vậy mà đường đến chùa khá dễ dàng và thuận tiện. Sau khi đến An Giang bạn có thể tùy theo lịch trình mà khởi hành đến núi Sam Châu Đốc rồi đến vãn cảnh, cầu an ở chùa vào bất cứ thời điểm nào nhé.
Tây An tự được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích “kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia” vào ngày 10 tháng 07 năm 1980. Công trình tôn giáo này còn được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là “ngôi chùa có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ dân tộc đầu tiên tại Việt Nam” nữa đấy.
Lý giải về tên gọi 'Tây An cổ tự'
Xung quanh tên gọi của ngôi cổ tự Tây An, có khá nhiều ý kiến khác nhau. Có người giải thích rằng Tây An là ngôi chùa ở phía Tây thành An Giang xưa. Bên cạnh đó, một số ý kiến lại cho rằng ngôi chùa cổ có danh xưng gắn liền với các yếu tố dựng nên chùa từ các vật liệu ở Trấn Tây, Tây Thành. Cũng có nhận định Tây An mang ý nghĩa là cầu mong bình an cho khu vực Tây Nam của đất nước. Dù theo cách nào thì người xưa khi dựng chùa cũng đều có chung mong ước khu vực có công trình tôn giáo nói riêng và vùng đất mới khai phá nói chung từ nay sẽ bình yên, hiện diện lâu dài và ngày càng hưng thịnh.
Lịch sử chùa cổ Tây An Châu Đốc
Theo các nhà nghiên cứu thì chùa Tây An do một vị quan triều Nguyễn đời Minh Mạng có tên là Nguyễn Nhật An xây dựng nên. Thông tin cụ thể về thời gian dựng chùa là năm 1820. Theo đó, sau chuyến đi công vụ do triều đình phái đi Cao Miên, vị quan này đã khấn vái rằng khi về sẽ dựng một ngôi chùa thờ Phật ngay tại chân núi Sam nếu chuyến đi thuận lợi.
Tương truyền sau đó chuyến đi thành công ngoài mong đợi nên khi về nước, quan đã cho xây dựng chùa và ngay sau đó thỉnh vị Hòa thượng đầu tiên có pháp hiệu là Hải Tịnh đến làm trụ trì. Qua hai mươi năm sau, cụ thể là đến năm 1847 ngôi chùa được một vị Hòa thượng có pháp danh là Pháp Tang đến làm trụ trì. Nhưng điều đặc biệt là vị sư mới đến cũng đồng thời là một chí sĩ yêu nước nên bên cạnh việc tu hành và trông coi Tây An cổ tự, ngài đã làm được rất nhiều việc giúp dân giúp nước khác, trong đó, đáng nể nhất là lập nhiều trại ruộng quanh vùng Bảy Núi An Giang với thành quả là vừa khẩn hoang, khai hóa đất đai, sản xuất cũng như xây dựng căn cứ chống Pháp.
Ngoài ra, sư thầy còn có tài làm thuốc trị bệnh cho nhân dân và có công đào tạo nên nhiều đệ tử nổi tiếng như Trần Văn Thành, Tăng Chủ, Đình Tây, Đạo Xuyển,… Tất cả đều là các chí sĩ yêu nước một thời làm giặc Pháp phải khiếp sợ vùng Bảy Núi, không dám bén mảng tới gần. Lịch sử đã ghi nhận công lao của vị Hòa thượng đức cao vọng trọng này và tôn xưng ông với danh hiệu Phật Thầy Tây An cũng như thờ cúng, bày tỏ lòng biết ơn sau khi ông qua đời.
Trải qua nhiều năm tháng kể từ khi chính thức được xây dựng, đến giai đoạn được Phật thầy Pháp Tang trụ trì tới nay, ngôi chùa cổ nổi tiếng của An Giang đã trải qua 7 đời truyền thừa cũng như kinh qua nhiều lần tu sửa, tôn tạo. Vì vậy mà kiến trúc của chùa đã có nhiều thay đổi so với lần xây dựng đầu tiên. Hiện tại ngôi chùa mang cấu trúc theo bản dựng lại dưới thời Hòa Thượng Bửu Thọ vào năm 1958.
Vị sư thầy cũng là người đã cho xây dựng thêm 3 ngôi lầu cổ cùng với mặt tiền chùa và sửa lại phần chánh điện. Qua đó, bổ sung thêm dấu ấn kiến trúc phương Đông kết hợp với kiến trúc Ấn Độ làm nên điểm đặc sắc và nổi bật hơn cho ngôi cổ tự. Thời gian gần đây, tức là từ năm 1993 đến nay, chùa tiếp tục trải qua lần trùng tu và xây mới do Thượng tọa trụ trì Thích Huệ Kỉnh tổ chức. Qua lần này, nhiều công trình đã được xây thêm vào để phục vụ nhu cầu hành hương và chiêm bái của du khách trong và ngoài nước.
Kiến trúc nghệ thuật của chùa Tây An
Nhìn tổng quát, Tây An cổ tự được xây dựng trên nền đất cao có diện tích 15.000m2, khuôn viên rộng và thoáng mát. Ngôi chùa có phong cách kiến trúc mang dấu ấn phương Đông cổ xưa quen thuộc của nhiều công trình Phật giáo Việt Nam kết hợp hài hòa với kiến trúc độc đáo của Ấn Độ, lại có điểm xuyết phong cách Nam Bộ.
Du khách đến du lịch An Giang, đến với Châu Đốc sẽ được chiêm ngưỡng ngôi chùa Tây An với cấu trúc đặc trưng của miền Tây Nam Bộ. Theo đó, trung tâm là khu chính điện, bên phải là khu tháp, nhà khói nằm phía trái. Nếu quan sát từ trên cao, bạn có thể chiêm ngưỡng được toàn cảnh khu di tích chùa Tây An. Nhiều người còn ví hình dáng ngôi chùa hệt như như một con chim phượng hoàng đang vỗ cánh tung bay giữa nền trời miền Tây vậy.
Dù đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần cũng như xây lại kiên cố bằng chất liệu gạch, đá, xi măng nhưng ngôi chùa vẫn giữ được nét đẹp từ những ngày đầu tiên. Thể hiện rõ nhất ở vị trí đắc địa của công trình. Đó là nơi mà ngôi chùa dựa lưng vào - núi Sam (cao 284m so với mực nước biển). Vì thế khi nhìn từ xa, chùa hiện lên như một nét vẽ đầy màu sắc dựa trên nền xanh thẫm của núi. Vẻ đẹp đó càng như được tôn thêm nhờ ba ngôi cổ lầu trong khuôn viên chùa với nóc tròn hình củ hành, dù có màu sắc sặc sỡ nhưng lại hài hòa. Thêm vào đó, không gian trong chùa cũng rất mát mẻ và tĩnh lặng, với tổng diện tích lên tới 15.000m2 là điểm đến lý tưởng với những ai yêu thích sự tĩnh lặng và không khí trong lành.
Nhìn chung, toàn bộ khu vực chùa Tây An tạo ấn tượng là một kiến trúc hài hòa, cân đối với du khách. Ngôi chùa nằm ở khu trung tâm, bao quanh là một khu vực tiền sảnh rộng lớn. Giống như hầu hết các công trình kiến trúc tôn giáo ở Việt Nam, phần đầu tiên xuất hiện ở ngôi chùa cổ Tây An chính là cổng tam quan. Khu vực này có mái nhị cấp, lợp ngói đại tiểu. Riêng mái che có trang trí tượng sư tử, hình lưỡng long tranh châu cùng các hoa văn hình hoa mai, hoa sen, hoa cúc… thường có ở các chùa cổ. Cổng Tam quan còn được chia làm ba cửa với phần giữa là nơi thờ tượng phật Quan Âm Thị Kính bồng con của Thị Mầu, hai phía bên trái và phải có biển ghi tên của chùa là “Tây An cổ tự”.
Nếu cổng tam quan mang kiến trúc truyền thống quen thuộc thì mặt chính điện của chùa Tây An có kiến trúc khác biệt với các chùa trong khu vực. Trong đó, lầu chính cao 2 tầng thờ Phật nằm ở giữa khuôn viên với thiết kế mái vòm cao vút và có dáng tròn tượng trưng cho vũ trụ. Tầng trên chính là khu vực đặt tượng Phật Thích Ca với khuôn bát giác. Riêng tầng dưới có 4 cột lầu, có hai hộ pháp trấn giữ. Ngoài ra ở phía trước còn có tượng voi trắng và voi đen canh gác. Khu vực lầu chuông và lầu trống có hình tứ giác nằm cân xứng 2 bên nhưng ở vị trí thấp hơn lầu chính. Trên đỉnh còn có trang trí các bức tượng tứ linh gồm long, lân, qui, phụng.
Khu chính điện của Tây An cổ tự thờ Phật theo dòng Lâm Tế với tôn tượng Phật Thích Ca rất lớn nằm ở giữa và hơn 200 pho tượng Phật, Bồ tát, La hán, Bát bộ Kim cang, Ngọc hoàng, Huỳnh đế, Thần nông… lớn nhỏ khác nhau nằm xung quanh. Hầu hết các bức tượng đều làm bằng danh mộc, trang trí và chạm trổ công phu. Tất cả thể hiện nét độc đáo cho nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thế kỷ XIX.
Điểm đặc biệt tiếp theo ở nét trang trí của ngôi chùa cổ là có rất nhiều hoành phi và câu đối ở đây. Từng bức đều được chạm trổ tinh vi với lịch sử hơn trăm năm. Tất cả góp phần tạo nên công trình tôn giáo độc đáo của vùng đất An Giang, xứng danh di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận.
Một lưu ý nhỏ là bạn có thể chọn thời điểm viếng chùa Tây An cũng như hành hương lễ Phật vào buổi tối cho đỡ đông và nóng bức. Nhất là khi đi du lịch núi Sam vào đúng mùa nắng nóng. Bên cạnh đó, khi đến chùa, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội tìm hiểu lối kiến trúc đặt biệt, khác với những ngôi chùa khác của Tây An tự nữa nhé. Một thông tin thú vị nữa là gần đây, ban quản lý chùa đã cho lắp thêm nhiều đèn màu vàng vừa để chiếu sáng vừa trang trí thêm, làm cho cảnh chùa càng trở nên uy nghi, tráng lệ. Bạn có thể chụp ảnh check in ở đây đấy vì khung cảnh tuyệt đẹp, tựa như những tòa lâu đài lộng lẫy trong màn đêm.
Không chỉ là một ngôi chùa cổ nổi tiếng mà Tây An cổ tự còn được xếp vào danh sách những địa điểm du lịch Châu Đốc nổi tiếng mà bất cứ du khách nào đến An Giang cũng muốn ghé thăm, chiêm bái cảnh chùa cũng như cầu an, cầu tài lộc. Đừng bỏ qua cảnh chùa cổ thơ mộng mà độc đáo Tây An núi Sam khi có dịp đến miền Tây, bạn nhé.
Thanh (Tổng hợp) - luhanhVietNam.
Ảnh: Internet
Nhận xét
Đăng nhận xét