Tony Nguyen từ Canada về Việt Nam và đã đi được hơn 20 tỉnh thành để tìm hiểu văn hoá, nguồn cội của mình.
Tony Quyen Nguyen, 25 tuổi, sinh ra và lớn lên tại bang British Columbia, Canada. Anh về Việt Nam lần đầu năm 2009. Đó là một chuyến đi cùng gia đình để gặp gỡ họ hàng ở Cần Thơ. Khi đó, cậu bé Tony chưa quan tâm đến đất nước hay văn hoá, cũng như chưa hình thành đam mê du lịch. Câu chuyện chỉ bắt đầu khi anh quay lại Việt Nam tháng 8/2019, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Ban đầu, Tony dự định chỉ ở Việt Nam một năm nhưng do đại dịch và cảm thấy có nhiều điều thú vị ở mảnh đất nguồn cội của mình nên anh đã quyết định ở lại cho đến nay. Hiện anh đang làm giáo viên dạy tiếng Anh, toán, khoa học, duy trì ước mơ trở thành một Youtuber và mở một thương hiệu trang sức của riêng mình. "Lý do quan trọng nhất khiến tôi muốn khám phá Việt Nam là vì muốn trải nghiệm văn hoá tại đây, thứ đang chảy bên trong tôi nhưng tôi chưa có cơ hội tìm hiểu. Tôi rất "da trắng", có nghĩa là phần lớn bạn bè của tôi ở Canada là người da trắng, khiến tôi cảm thấy xa rời di sản và văn hoá nguồn cội của mình", Tony tâm sự.
Bằng cách về Việt Nam và trở thành một giáo viên, Tony hiểu hơn cách cha mẹ mình từng sống và học tập ở đây, hiểu hơn những điều thuộc về giá trị con người thực sự của mình. "Tôi tự hào là người Việt Nam và là người châu Á. Ở Canada, tôi từng phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc, nhưng từ khi về Việt Nam, tôi được sống đúng với DNA người Việt trong mình. Tôi chưa bao giờ hạnh phúc hơn khi biết mình có nguồn gốc từ một đất nước xinh đẹp như vậy, với rất nhiều nét đẹp và sự khác biệt văn hoá", Tony mỉm cười.
Đến nay, hành trình đi khắp Việt Nam của Tony chạm mốc 20 tỉnh thành phố. Điều khiến anh bất ngờ và ấn tượng khi thực hiện chuyến đi là được trải nghiệm văn hoá ở những vùng đất khác nhau, đối với anh "thật muôn màu muôn vẻ". "Người dân ở Sa Pa rất khác so với người ở đồng bằng sông Cửu Long. Họ khác nhau ở cách ăn mặc và ngôn ngữ, như ở Sa Pa có các dân tộc thiểu số nên họ nói những ngôn ngữ khác nhau, trang phục cũng khác nhau. Bằng cách đi thăm nhiều nơi nhất có thể, tôi có cơ hội thấy nhiều nhất những nét khác biệt về văn hoá giữa người dân ở từng vùng miền. Cùng với đó, mục tiêu của tôi khi quay video là cho mọi người biết Việt Nam là nơi tuyệt vời để du lịch và giúp nhiều người nghĩ rằng "Ta phải đi thôi!" khi xem bất kỳ hình ảnh nào của Việt Nam. Thậm chí, nhiều người Việt hay nói sau khi xem ảnh của tôi rằng họ là người bản địa nhưng không biết vị trí này ở đâu".
Những thước phim mà Tony ghi lại được anh đầu tư nhiều công sức, áp dụng hiệu ứng kỹ xảo khiến hình ảnh Việt Nam hiện lên như trong những thước phim "bom tấn". "Tôi thích chụp ảnh và quay video vì tôi xem đó là một sở thích, đam mê hơn là mục tiêu kiếm tiền từ các nền tảng mạng xã hội. Tôi đã làm công việc này nhiều năm nay không kiếm tiền. Việc chỉnh sửa mất rất nhiều thời gian. Tôi thường mất một tuần để chỉnh sửa các vlog, nhưng một video điện ảnh với nhiều chuyển cảnh và hiệu ứng sẽ mất từ một đến 2 tháng", Tony cho biết.
Hiện tại, địa điểm khiến Tony ấn tượng nhất là Phong Nha - Kẻ Bàng. Anh cho biết, đây là địa danh vừa có phong cảnh đẹp khi có núi, sông, người dân thân thiện, lại có cơ hội tìm hiểu lịch sử chiến tranh. Trong chuyến thăm một hang động tại Phong Nha, chiếc flycam của Tony bị rơi và anh đã phải bò qua khoảng 100 m bụi rậm và leo núi để "giải cứu". Sau này, khi được hướng dẫn viên kể lại, Tony mới biết điều này nguy hiểm vì ở khu vực này vẫn còn những quả bom chưa được tìm thấy. Những hướng dẫn viên địa phương không giới thiệu nhiều về cuộc chiến tranh nhưng địa hình khu vực hiểm trở khiến Tony đã lặn lội để hiểu hơn về cách những người lính sinh hoạt trong thời chiến.
Tony đã đi khoảng 80% vùng đồng bằng sông Cửu Long bằng xe máy. Đây cũng là phương tiện di chuyển ưa thích của anh khi du lịch Việt Nam. Trên chiếc xe, Tony và bạn gái của mình có thể chọn những con đường không phải đường chính để xem các ngôi làng, những đứa trẻ đang chơi đùa. Anh cho biết, khó khăn anh gặp phải trên hành trình của mình chủ yếu do thời tiết. Điều khó khăn khi anh quay vlog là làm sao để khiến mọi người cảm thấy thoải mái khi nói chuyện trước máy quay. Anh chia sẻ, nhiều người cảm thấy xấu hổ khi cùng anh nói chuyện với ống kính. "Cảm giác này cũng giống như lần đầu bạn nói trước ống kính khi quay vlog vậy", Tony miêu tả.
Tony vẫn còn kém tiếng Việt, hiểu được 60% những gì bạn mình nói, song đến nay anh đã học được thêm nhiều câu, từ mới. Anh học chủ yếu từ những học sinh lớn tuổi hơn mình, đọc những bình luận bằng tiếng Việt dưới ảnh và video mình đăng tải.
"Những người mà tôi từng gặp khiến cuộc hành trình của tôi trở nên đáng nhớ và đặc biệt", Tony nói. Trên hành trình của mình, không ít lần anh được người dân địa phương hỗ trợ. Anh nhớ những buổi nói chuyện với các chủ nhà hàng mà anh từng ăn, những khi lạc đường được người dân địa phương giúp đỡ. Trong những lần đó, anh nhớ nhất là khi đi xe máy với người bạn Canada và bị lạc đường từ TP HCM đến Vũng Tàu, do ứng dụng Google Maps của anh chỉ có tuỳ chọn dành cho ôtô. Một người địa phương đã lái xe đi xa hơn nhà mình khoảng 20 phút để dẫn họ đến lối cần đi. "Có quá nhiều người đáng yêu để tôi có thể nhớ lại tất cả", Tony chia sẻ. Trước khi đến Việt Nam, Tony kết bạn với những người Việt thích phiêu lưu trên Instagram và đi du lịch cùng họ khi anh đến. Việc đi du lịch cùng người Việt khiến anh gắn kết hơn với dòng máu của mình.
Ảnh: @tonynguyeeen/Instagram
Nói về điều mình thích nhất khi tìm hiểu văn hoá Việt Nam, Tony chia sẻ đó là những quán cà phê và ẩm thực đường phố. "Tôi thích cách mọi người gặp gỡ, đi chơi với nhau tại quán cà phê vào buổi tối. Tôi thích nhìn cách mọi người từ thanh thiếu niên, người lớn, người già đi chơi với bạn bè của họ. Đồ ăn Việt là một trong những nền ẩm thực ngon nhất mà tôi đã trải nghiệm, nếu so sánh với các nước khác mà tôi đã từng đến du lịch", Tony tâm sự.
Trung Nghĩa/vnexpress
Nhận xét
Đăng nhận xét