Thấy nhiều lao động nghèo lâm cảnh khó khăn vì mất thu nhập trong thời dịch bệnh, bà Dương Thanh Hà mở "Chợ 0 đồng" để giúp họ có được những bữa ăn tươm tất hơn.
Gần một tháng nay, ngày nào vợ chồng Hà cũng gọi nhau thức dậy từ lúc trời chưa sáng để ra vườn hái rau, rồi mang đến "Chợ 0 đồng" sau lưng chùa Phước Long, phường Lê Bình, quận Cái Răng. Gọi là "chợ" nhưng thực ra đó chỉ là một quầy hàng nhỏ, bày đủ thứ rau, củ, quả được hái từ vườn nhà hay do những bà con khác mang đến góp.
Trong lúc bà dọn hàng, những tiểu thương ở khu chợ gần đó cũng mang đến ít rau củ. Chốc chốc lại có một người chạy xe đến, chở theo những bao gạo, mì gói, bịch đường hay thậm chí chỉ là một chai dầu ăn, tạt vào "chợ" đặt vào những khoảng trống trên kệ rồi lại vội vã rời đi.
Cũng lúc này, những người lao động nghèo như nhặt ve chai, bán vé số hay chú lái xe ôm nghèo bắt đầu "đi chợ". Họ vào gian hàng, tự động lấy túi rồi chọn cho mình những loại thực phẩm cần thiết. Thấy bà lão bán vé số rụt rè, chỉ lấy một nhúm rau, bà Hà động viên: "Bác cứ lấy thêm cho gia đình mình đủ ăn. Nếu bữa chiều mà thiếu, bà cứ đến lấy thêm".
Bà Hà, 60 tuổi, trước đây làm nghề buôn bán, khoảng hai năm nay bà giao lại cho con cái, chính thức nghỉ hưu. Hồi cuối tháng 5, nhiều hộ trồng khoai lang ở xã Tân Lược, huyện Bình Tân, Vĩnh Long không bán được khoai vì dịch bệnh, họ ngỏ ý tặng cho bà Hà để bà chuyển tới tay những người khó khăn.
Sau vài ngày thuê xe chở khoai từ Vĩnh Long về Cần Thơ tặng cho những người cần, nhiều người tâm sự: "Nhận được mấy ký khoai mà mừng quá. Khoai này luộc lên ăn sáng rồi mang theo ăn trưa luôn cũng bớt được chút tiền ăn để dành đóng tiền trọ".
Từ đợt đó, bà Hà nhận ra có rất nhiều lao động nghèo đang gặp khó khăn trong đại dịch. Họ cũng khao khát có thêm thực phẩm cho bữa ăn nhưng thu nhập ngày càng ít khiến "lực bất tòng tâm". Người phụ nữ 60 tuổi nảy ra ý định mở gian hàng 0 đồng. Ban đầu, bà Hà chỉ đặt lên kệ những món rau, trái có sẵn trong vườn nhà. Nhưng ít hôm sau, khi biết việc làm của bà, nhiều mạnh thường quân khắp nơi cũng mang thực phẩm đến, người ở xa thì góp tiền để bà Hà mua thêm rau củ. Mỗi ngày, bà Hà còn trích tiền tích lũy của mình hay tiền con cháu cho hàng tháng để mua thêm các loại thực phẩm bổ sung vào gian hàng.
"Nếu mình đã muốn giúp người khác thì một trái ớt, một trái chanh thôi cũng mang ra giúp được. Lúc đầu chỉ tính có gì giúp nấy nhưng nhờ mạnh thường quân gần xa ủng hộ mới duy trì được gần một tháng nay", bà Hà chia sẻ.
Mấy hôm đầu, bà Hà chỉ để hàng lên kệ rồi nhờ con gái nuôi bán quán gần đó trông coi. Nhưng nhiều người đến, thấy không có ai nên ngại vào lấy. Từ đó, bà Hà có mặt gần như nguyên ngày ở quầy hàng, chỉ về nghỉ một chút buổi trưa, chiều lại ra ở đến 6h tối. Không chỉ là ngồi nhặt rau, tiếp thêm hàng lên kệ mà bà con trò chuyện với khách hàng để họ bớt ngại ngùng.
Ngoài những người thật sự khó khăn đến lấy hàng, cũng không ít lần bà Hà thấy những người đeo vàng, đi xe sang đến, bà vẫn cởi mở, vui vẻ hướng dẫn họ lấy hàng và khuyên chỉ lấy đủ dùng để nhường người sau.
"Nếu họ có nhu cầu dùng thì mình sẵn sàng chia sẻ. Trông vậy chứ cũng có thể hôm nay họ không làm ra tiền, gặp khó khăn. Nếu vì một số ít người như thế mà đóng cửa gian hàng thì nhiều bà con nghèo khác sẽ không còn được giúp đỡ. Nếu tính toán quá thì không làm việc thiện được", bà nói.
Chị Đỗ Thị Phương Đào, 44 tuổi, bán bánh cuốn gần "Chợ 0 đồng" kể: "Gian hàng của cô Hà mở được một vài hôm thì thấy ít dần vì chắc rau củ trong vườn cũng hết, tôi nghĩ sẽ không tồn tại được lâu. Nhưng mấy hôm sau thấy nhiều người mang thực phẩm lại góp nên giờ mỗi ngày có cả trăm lượt người đến nhận. Tôi từng chứng kiến cô Hà lúc lặt lại rau thì lựa phần tươi ngon để lên kệ, còn lại những lá già hơn thì để dành rồi mang về xào ăn".
Bà Hà cho biết, sau khi được mạnh thường quân mang thực phẩm đến ủng hộ, bà "vui đến nỗi không ngủ được". "Chỉ có sự chung tay của cộng đồng mới giúp gian hàng này tồn tại lâu dài. Chắc niềm vui của tôi cũng giống như những người đang phải 'thắt lưng buộc bụng' được nhận hàng 0 đồng vậy", bà Hà tâm sự.
Hơn 6h tối, biết gian hàng sắp đóng cửa, bà Châu Thị Chi, 67 tuổi, làm nghề bán vé số bước vội tiến lại lấy một bó cải xanh để nấu canh với một lạng thịt heo vừa mua trên đường về.
"Trước khi có dịch, tôi bán một ngày được hơn 200 vé nhưng giờ đi sớm về trễ cũng chỉ bán được phân nửa. Người ta làm ăn khó nên cũng ít mua vé số hẳn. Từ ngày có gian hàng hôm nào tôi cũng ghé nên không tốn tiền mua. Rau củ ở đây thì đến chiều vẫn rất tươi và đủ loại để lựa chọn nữa", người phụ nữ nói.
Nhận xét
Đăng nhận xét