Ở nhà vì giãn cách xã hội, nhiều bạn trẻ ao ước có được khu vườn sân thượng để thư giãn an toàn và ý nghĩa trong mùa dịch Covid-19. Chính vì thế, khi Ngọc Ánh khoe thành quả vườn dưa lưới trĩu nặng quả của mình thì ai cũng phải trầm trồ và vô cùng thán phục độ “mát tay” của cô nàng nông dân thành thị này.
Vườn dưa sân thượng vạn người mê
Dưa nặng muốn sập giàn
Với khu vườn khoảng 40m2 trên sân thượng nhưng từ 2 năm nay Ngọc Ánh trồng không thiếu một loại nông sản nào và thành quả cây nào cây nấy cũng xanh mướt và sai trĩu quả.
Choáng ngợp nhất là các loại dưa và cứ mỗi lần đến vụ thu hoạch, Ngọc Ánh chia sẻ hình ảnh trên mạng xã hội khiến những thành viên của các hội nhóm trồng cây tấm tắc khen và mong muốn học hỏi kinh nghiệm.
“Đợt dưa vừa rồi mình trồng hơn 100 cây, với 4 loại dưa lê, dưa lưới khác nhau mà thu về trái nào cũng to tròn, có trái nặng hơn 5 kg, còn lại đa phần từ 3,5 kg trở lên. Trong đợt vừa rồi, 1 hàng cho ra 7 quả nên có lúc nặng quá muốn sập giàn luôn”, Ngọc Ánh dí dỏm khoe thành quả bội thu dưa sân thượng trong mùa dịch.
Ngọc Ánh kể lại, ban đầu chồng mua sắt về dựng giàn, chọn loại bản to và dày nhất để làm cho chắc chắn và cô thắc mắc vì sao anh lại chọn sắt quá to. Đến khi trồng được thành quả dưa lưới, Ngọc Ánh mới thầm biết ơn chồng và thấy may mắn vì nếu làm loại sắt bình thường giàn có thể sập, làm hư hết dưa.
Ngọc Ánh với vườn dưa ai nhìn cũng phát mê của mình
“Mỗi vụ dưa trước thì mình không trồng nhiều đến vậy, tầm khoảng vài chục cây, nhưng vụ này mê quá nên mình trồng nhiều và thế là thu hoạch hơn 3 tạ dưa. Tuy nhiên, đợt thu hoạch này diễn ra trong lúc TP.HCM thực hiện lệnh giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19 nên tôi chưa thể mang biếu cho mọi người và dưa còn chất đầy nhà”, Ngọc Ánh kể.
Hiểu rõ đặc tính của cây để trồng đạt năng suất
Dưa lưới được xem là một trong những loại cây khó trồng nhất nhưng vụ nào của cô nông dân trẻ này cũng bội thu.
Chia sẻ bí quyết của mình, Ngọc Ánh cho biết khâu trộn giá thể để trồng cây thì phải đủ dinh dưỡng và sạch mầm bệnh trước, rồi sau đó tùy từng giai đoạn cây phát triển cũng phải có kiến thức hiểu biết để bón phân đúng liều lượng và phù hợp thì trái sẽ ra đạt được năng suất.
“Mình cũng giống nhiều nông dân sân thượng hiện nay là tự ủ các loại phân hữu cơ tại nhà để trồng như là phân cá, dịch chuối trứng sữa…Đặc biệt, do mình trồng dưa quanh năm, mà người ta lại hay nói là không nên chuyên canh dưa liên tục như vậy, nên mình thường phải ủ thêm phân đậu tương để cải tạo đất tốt hơn cũng như là thêm dinh dưỡng cho đất để cây phát triển tốt”, Ngọc Ánh chia sẻ.
Bên cạnh đó, cô nông dân thành thị cho rằng cô trồng thuần hữu cơ nên nhiều khi cũng dễ bị thiếu dinh dưỡng. “Phải nghiên cứu trong chất hữu cơ mình ủ có những thành phần gì, như trong phân đạm cá thì chỉ có đạm thôi nên nếu cứ bón đạm cá hoài sẽ làm cây dư đạm và thiếu kali. Vì vậy phải hiểu rõ để bón thêm kali và bón phân dơi để tăng thêm lân. Vì mình không chuyên nên dễ bón thiếu chất cho cây, đặc biệt là cây dưa lại cần nhiều dinh dưỡng”, Ngọc Ánh lưu ý.
Gian nan giai đoạn khởi đầu
Nhìn thành quả vườn nông sản sân thượng không chỉ các loại dưa mà nho, bầu, bí, khổ qua, dưa leo…cây nào cây nấy đều sai trĩu quả, rồi các loại rau thì xanh mướt, hoa hồng thì đua nhau khoe sắc trên sân thượng, thì không ai dám nghĩ rằng từ nhỏ đến lớn Ngọc Ánh chưa từng biết làm nông hay trồng cây.
Khổ qua
“Mình chưa bao giờ biết trồng cây hay làm nông, mình còn nhớ trước đây trồng xương rồng cũng chết nữa chứ đừng nói gì là trồng nông sản sân thượng. Thế nhưng không hiểu sao, từ ngày thấy mọi người trồng cây sân thượng mình mê quá, thế là cũng tập tành lên các hội nhóm học hỏi và trồng thử. Lúc đầu chỉ trồng thử rau, sau đó mới trồng từ từ thêm nhiều loại nông sản khác. Mà may sao trồng cây nào cũng đạt được năng suất nên thấy vui lắm”, Ngọc Ánh nhớ lại.
Dưa leo
Cô nàng cũng cho biết thêm: “Mình nghĩ điều quan trọng nhất là niềm đam mê và tình yêu mình dành cho từng loại cây mình trồng. Chỉ cần có tình yêu, dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và chăm sóc cây như chăm đứa con của mình thì cây cũng sẽ không phụ công người”.
Bắp ngô sân thượng
Ngọc Ánh cho biết để có được khu vườn sân thượng như thế này thì gian nan nhất là những ngày đầu. Cô kể lại: “Lúc đầu phải vác đất lên sân thượng giống y như cực hình. Mình nhớ lúc đầu đặt người ta giao đến 20 bao đất thịt, 2 vợ chồng đi làm cả ngày về mệt mà cũng cố gắng hì hục vác từng bao lên sân thượng. Mình còn nhớ, lúc đầu ủ phân để trồng cây, do chưa có kinh nghiệm, lại không chịu tìm hiểu kỹ nên khi ủ phân đậu tương mà mình không bỏ men chống hôi và vi sinh nên thúi bốc mùi hôi khắp cả nhà. Lúc đó, mình còn sợ hàng xóm sẽ báo công an đến bắt mình vì làm hôi làng hôi xóm. Nói chung ám ảnh đến giờ, nhưng đó là lần đầu tiên và sau này tôi có kinh nghiệm nên không để xảy ra những sự cố như vậy”.
Ngoài các loại nông sản thì hoa hồng cũng đua nhau khoe sắc trên sân thượng của Ngọc Ánh
Ngoài các loại nông sản thì hoa hồng cũng đua nhau khoe sắc trên sân thượng của Ngọc Ánh
Sau những ngày đầu gian nan, thành quả bây giờ của Ngọc Ánh là vườn nông sản sân thượng sai trĩu quả mà ai nhìn cũng phát mê.
Đặc biệt là trong mùa dịch này, vườn nông sản sân thượng là “thiên đường” thư giãn an toàn và thú vị cho gia đình Ngọc Ánh. “Ngày xưa mình phải đi tập thể dục mỗi ngày, nhưng từ khi trồng cây trên sân thượng thì lên vườn chăm cây là khỏe hơn cả tập thể dục rồi. Điều đặc biệt là tạo được niềm vui cho chính mình, tạo được không gian xanh trên sân thượng cho gia đình, rồi những lúc có thành quả biếu mọi người như một việc có ích, làm tinh thần mình vui hơn mỗi ngày”, Ngọc Ánh chia sẻ. Theo thanhnien. vn
Nhận xét
Đăng nhận xét