Hoạt động từ năm 2012 đến nay, cửa hàng thực phẩm nằm trên phố Tô Hiến Thành (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã trở thành điểm đến quen thuộc của người dân Thủ đô. Cửa hàng này nổi tiếng với những món ăn truyền thống được làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công, mang đậm nét văn hóa ẩm thực Hà Nội xưa.
Được truyền cảm hứng và niềm đam mê với ẩm thực từ gia đình có nhiều thành viên biết nấu ăn, chị Nguyễn Thu Hương (Hà Nội) luôn ấn tượng và thích thú tìm hiểu về các món cổ truyền của người Hà Nội.
Với mong muốn lưu trữ những giá trị văn hóa đang dần bị mai một, thất truyền, chị đã xây dựng mô hình nhà hàng (gồm xưởng bếp và cửa hàng thực phẩm) chuyên phục vụ các món ăn đặc trưng của Hà Nội xưa. Tất cả món đều được làm bằng phương pháp thủ công, dựa trên công thức được gom góp, thu thập từ sách cổ và thế hệ người cao tuổi ở các làng quê.
Cửa hàng phục vụ tới vài chục món cổ truyền của người Hà Nội nhưng nổi tiếng và được nhiều thực khách yêu thích nhất là bánh nếp, diếp cuốn chấm bỗng rượu và bún ốc nguội.
Ngoài ra, thực đơn còn thay đổi mỗi ngày, phục vụ các món ăn theo nhiều chủ đề khác nhau như món mặn, món nhậu, món ăn vặt, món bồi bổ cho người già và trẻ em,...
Ví dụ như bánh nếp là quà vặt chống đói, nem chua, nem phùng phục vụ các bữa nhậu xem bóng đá của "cánh mày râu" hay diếp cuốn, gà hầm sâm là món ăn nhẹ nhưng vẫn bổ dưỡng. Bên cạnh đó còn có cổ lợn quay, sụn hấp sấu là những món "tốn cơm" mùa hè.
Chia sẻ về bí quyết "hút" khách suốt gần chục năm qua, chị Thu Hương cho rằng, cách chế biến thủ công và khâu chọn nguyên liệu tươi sạch là lý do cửa hàng luôn nhận được sự ủng hộ từ thực khách.
"Mỗi một món ăn đều được làm thủ công, đòi hỏi sự kỳ công từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến quá trình chế biến, hoàn thiện thành phẩm. Đó cũng là lý do mà chúng tôi luôn làm số lượng vừa phải, bán trong 48 giờ để đảm bảo chất lượng và hương vị của món ăn", chị Hương chia sẻ.
Hai món bán chạy nhất tại cửa hàng là bánh nếp và diếp cuốn chấm bỗng rượu. Về món bánh nếp, phần vỏ bánh mỏng được chị Hương lựa chọn từ loại bột đặc biệt, ít dinh dưỡng để khi ăn không có cảm giác ngán hay nóng trong người.
Thịt mỡ được tuyển từ lợn ỉ ta, lấy từ phần mỡ gáy để có độ giòn, thơm. Các gia vị đi kèm như hạt tiêu, mắm Phú Quốc, Phan Thiết hay mộc nhĩ Điện Biên cũng được chọn lựa kỹ càng để đảm bảo món ăn có hương vị đậm đà đặc trưng nhất.
Món diếp cuốn làm từ các nguyên liệu như rau xà lách, tôm, dăm bông, rau thơm, bún, hành lá. Tuy khá giống những món gỏi cuốn truyền thống nhưng điều đặc biệt của món ăn này chính là phần bỗng rượu đi kèm.
Bỗng rượu được chưng cùng mật mía, có vị chua chua, ngọt thanh, ăn kèm cùng diếp cuốn càng làm tăng hương vị cho món ăn, giúp giải ngấy, mang lại cảm giác thanh mát cho những bữa cơm ngày hè.
Vốn hoạt động theo hình thức online nhưng trong mùa dịch, số lượng đơn đặt hàng tại cửa hàng nhiều gấp đôi, doanh thu cũng tăng 50% so với ngày thường. Đặc biệt từ cuối tháng 5, vào những ngày có các trận đấu bóng đá của tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2020 hay giải Euro diễn ra, các món ăn nhậu ở đây liên tục "cháy" hàng từ sớm.
"Trong mùa dịch, các món ăn lẻ hay đơn hàng theo combo, theo set được bán ra với số lượng gấp đôi bình thường. Số khách hàng nam tới cửa hàng mua đồ cũng tăng gấp 3 lần. Họ đến mua đồ ăn giúp vợ, giảm tải gánh nặng gia đình cho người phụ nữ và mua đồ nhậu về để uống bia, xem bóng đá tại nhà.
Thời điểm này mọi người quan tâm tới sức khỏe nhiều hơn, tập trung bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng trong mùa dịch nên món gà hầm sâm cũng bán chạy rất nhiều. Ngoài ra, các sản phẩm như bánh nếp, nước sấu ngâm cũng được nhiều cá nhân, đơn vị đặt hàng để gửi tới các vùng dịch, chung tay ủng hộ, động viên đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch,...", chủ cửa hàng cho biết.
Thực đơn được thay đổi luân phiên, không cố định. Có ngày cửa hàng phục vụ hơn 500 chiếc bánh nếp, nhân viên nặn bột, gói bánh "mỏi tay". Tùy theo số lượng và nhu cầu của khách, chị Hương cùng các nhân viên phải dậy sớm từ 2-3h sáng hoặc thức đến 22-23h đêm để làm đồ ăn. Chị cho hay, xưởng bếp chỉ làm các món ăn với số lượng vừa đủ, bán hết trong ngày. Đồ ăn được giao tới khách hàng vẫn còn nóng hổi, giữ trọn hương vị.
Vào những ngày cao điểm như rằm, mùng 1, cửa hàng của chị Hương phục vụ gần trăm đơn hàng to nhỏ khác nhau, doanh thu đạt 15-20 triệu đồng/ngày. Từ những đơn lẻ vài trăm nghìn đồng cho đến những đơn lớn gồm nhiều món với giá trị hơn chục triệu đồng đều được giao tới khắp các quận trong nội thành Hà Nội.
Nhận xét
Đăng nhận xét