Du lịch bằng mobihome (ngôi nhà di động) là hình thức không xa lạ tại nhiều nước phương Tây nhưng vẫn khá mới mẻ tại Việt Nam. Hình ảnh những chuyến lên rừng, xuống biển bằng chiếc xe đã được hoán cải thành căn hộ di động với các tiện ích căn bản đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của một gia đình nhỏ đang tạo sự thích thú đối với nhiều người, đặc biệt là những gia đình đam mê du lịch
Một trong số đó là gia đình anh Lương Lam Sơn (34 tuổi, ở Hà Nội) và chị Trần Thu Thảo (32 tuổi). Cả 2 vợ chồng anh Sơn đều chung sở thích đi du lịch và khám phá.
Anh Sơn dự định sắp tới tới, sẽ đưa gia đình đi xuyên Việt trên chính chiếc xe này, để các con có dịp ngắm cảnh đẹp của đất nước mình, gặp gỡ nhiều người bạn mới và xây dựng thói quen khám phá, tìm hiểu.
Ngay từ khi còn bé, anh Sơn đã rất thích thú với những căn nhà di động trong các bộ phim Mỹ, họ có cuộc sống rất tự do, du ngoạn khám phá nhiều nơi.
Khi trưởng thành, anh cũng thường xuyên đi du lịch bằng xe máy cùng bạn bè, tuy nhiên sau khi lập gia đình và có 2 con, việc đi du lịch với bạn bè phát sinh khá nhiều vấn đề. Ông bố 8X cảm thấy áy náy khi để vợ ở nhà trông 2 con, và nỗi nhớ con nên các chuyến đi không được trọn vẹn. Vì vậy, anh luôn ấp ủ ước mơ có một "ngôi nhà di động" để cùng vợ con chu du khắp nơi.
15 ngày biến ô tô thành "nhà di động" đầy đủ tiện nghi
Nhận thấy 2 con đã "cứng cáp", có thể đồng hành cùng bố mẹ trên những chuyến đi, vợ chồng anh Sơn liền bắt tay vào làm "ngôi nhà di động" để hiện thực hóa ước mơ cùng con khám phá những vùng đất mới.
Cũng giống như xây một ngôi nhà, ban đầu anh Sơn lên ý tưởng và quyết định chọn mua 1 chiếc xe ô tô cũ để đại tu, bảo dưỡng rồi tiến hành "hô biến" nó thành 1 "ngôi nhà di động" với đầy đủ công năng.
"Ban đầu, mình lên mạng tham khảo rất nhiều xe của các bạn nước ngoài đã làm trước đó, rồi mình tổng kết lại những cái phù hợp với mục đích sử dụng của gia đình cũng như điều kiện giao thông ở Việt Nam và áp dụng lên chiếc xe này. Thời gian nghiên cứu này mất khoảng 2 tháng", Anh Sơn chia sẻ.
Sau khi đã có ý tưởng trong đầu, anh tiến hành đặt các thiết bị dùng cho mobihome ở các trang thương mại điện tử ở trong và nước ngoài, mất 2 tuần anh mới mua được đầy đủ.
Để phục vụ cho việc nấu nướng, anh sử dụng bếp gas mini để tiết kiệm nguồn điện năng có hạn. Nước được chứa trong 4 can 30 lít và được bơm lên vòi bằng máy bơm 12v. Với 120 lít nước này, gia đình anh có thể dùng thoải mái khoảng 4 - 5 ngày trong mùa đông và 2 - 3 ngày trong mùa hè.
Anh cũng trang bị 1 bồn cầu khử mùi, 1 lều thay đồ di động, khi đến điểm cắm trại sẽ dựng lên và để bồn cầu ở ngoài xe để mọi người sử dụng. Để tắm rửa, anh trang bị một vòi hoa sen gắn ở sau xe, mọi người sẽ tắm ở ngoài trời được quây kín bởi lều thay đồ. Theo anh Sơn, giải pháp này khá đơn giản, giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí và cũng hòa mình với thiên nhiên hơn.
Những chuyến đi bằng mobihome
Ông bố 8X cho biết, điều thú vị của hình thức du lịch bằng mobihome là vừa đi vừa khám phá. Trước mỗi chuyến đi, anh và vợ chỉ vạch ra một kế hoạch sơ lược.
"Sẽ rất khác so với việc bạn ở khách sạn hay nhà nghỉ. Sáng hôm nay nhà mình thức dậy ở trong rừng, nghe tiếng vượn hót như chuyến đi rừng Cúc Phương, nhưng hôm sau lại thức dậy ngắm bình minh ở trên biển, hoặc ăn sáng trên 1 con sông ở Kim Bôi Hòa Bình. Đó là những trải nghiệm rất thú vị mà chỉ có mobihome mới làm được", anh Sơn nhận định.
Chuyến đi đầu tiên, anh Sơn quyết định chọn đến hồ Đồng Mô ở gần Hà Nội và mất vé vào cửa để đảm bảo an toàn. Các bé rất thích vì ở đó có rất nhiều chỗ để chạy nhảy, chơi đùa.
Tuy nhiên, đêm đầu tiên trải nghiệm trên mobihome, ông bố 2 con bị mất ngủ cả đêm, bởi vừa lạ giường vừa lo cho sự an toàn của cả gia đình mặc dù không có vấn đề gì xảy ra.
Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kế hoạch đi xuyên Việt của gia đình anh phải tạm gác lại. Thay vào đó, cả nhà đã thực hiện 1 chuyến du lịch đến bản Tả Van (Sapa, Lào Cai), đây cũng là chuyến đi xa nhất và lâu nhất.
Anh chọn cung đường thẳng một mạch từ Hà Nội lên Sapa bằng cao tốc Hà Nội Lào Cai, suốt quá trình không tiếp xúc với ai ở dọc đường. Thời điểm đó bản Tả Van hầu như 99% là dân bản địa, không có người du lịch, rất khác so với bản Tả Van ngày thường.
Gia đình anh ở trong một farmstay có suối, có vườn và rất nhiều loại rau củ quả, vật nuôi, anh Sơn hào hứng kể: "Tụi trẻ nhà mình rất thích chơi với những con vật ở đây. Ngoài ra các con còn khám phá được ruộng bậc thang, rồi tắm suối với các bạn trẻ con ở bản cũng như hiểu được văn hóa tại đây. Các con cũng tránh xa được điện thoại, tivi".
Đây là một khoản đầu tư có "lãi"
Sau mỗi chuyến đi, vợ chồng anh Sơn thấy 2 con của mình trưởng thành, cứng cáp hơn, mặc dù lúc mới đầu đến một vùng đất mới các con cũng có chút sợ sệt. Nhưng ở một thời gian, làm quen dần lại thích thú và muốn được trải nghiệm nhiều hơn.
Ví dụ, ở thời điểm hiện tại đang là nghỉ hè thì gia đình có thể đi đâu đó một thời gian dài để khám phá hết đất nước Việt Nam tươi đẹp. Nhưng khi các con vào năm học rồi thì mình bắt buộc phải thay đổi bằng việc chỉ cuối tuần mới đi được, hoặc khi con đạt thành tích học tập tốt sẽ thưởng cho con một chuyến đi đâu đó để khích lệ.
Vợ chồng anh Sơn coi hành trình, khoản đầu tư này luôn có lãi, dù không lãi bằng tiền bạc, vật chất nhưng thu về được trải nghiệm, kiến thức cho bản thân và cho các con.
"Việc đầu tư vào một thế hệ tương lai, giúp các con đi đúng hướng, tạo cho các con thói quen luôn tìm tòi, khám phá cái mới, thì theo mình đó là điều nên làm", ông bố Hà Nội chia sẻ.
Kế hoạch lâu dài của 2 vợ chồng anh là có thể thực hiện được một chuyến đi vòng quanh thế giới, có thể bằng xe máy, máy bay hoặc cũng có thể bằng mobihome. Tuy nhiên, phải chờ 2 con qua ngưỡng 18 tuổi.
Trong mùa hè này, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, gia đình anh sẽ thực hiện chuyến phượt xuyên Việt trên mobihome. Tháng 9, anh sẽ đưa các con lên Mù Cang Chải (Yên Bái) để trải nghiệm mùa lúa chín.
Theo Dân trí
Nhận xét
Đăng nhận xét