Không chỉ sở hữu nét kiến trúc thuần Việt, cổ kính và trang nghiêm, đình Thạnh Hòa Thốt Nốt là điểm đến tâm linh giúp du khách tìm lại được sự tĩnh lặng, an nhiên trong tâm hồn giữa nhịp sống hối hả, bon chen hiện nay.
Nhắc đến xứ Tây Đô, người ta lại nhớ đến chuyến đi lênh đênh trên sông nước khi được tham gia những phiên chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền nhộn nhịp, tấp nập. Hay đâu đó được mặc những chiếc áo bà ba để trải nghiệm hái quả trong những vườn cây trái miệt vườn sai trĩu. Đến chiều tối lại hí hứng cùng lũ bạn thân dạo quanh những con phố chợ đêm để được mua sắm, ăn uống tẹt ga mà không biết chán. Cứ thế, Cần Thơ đã ghi điểm trong mắt du khách bởi sự dễ thương nhẹ nhàng đến bình yên.
Và chắc chắn, với những ai yêu nét đẹp thanh bình, cổ kính của những ngôi nhà cổ, đền chùa mang đậm nét đẹp không gian kiến trúc truyền thống thì không thể không gọi tên đình Thạnh Hòa Thốt Nốt. Đây là điểm đến tâm linh nổi tiếng để du khách gột rửa mọi sự bất ổn và cân bằng trạng thái bình yên trong tâm hồn.
Đình Thạnh Hòa với kiến trúc đặc sắc
Đôi nét về đình Thạnh Hòa Thốt Nốt
Địa chỉ: Đường Lê Lợi , Phường Thốt Nốt, Quận Thốt Nốt, Thành phố Cần Thơ
Giá vào: Miễn phí
Mở cửa: 8h00 - Đóng cửa: 17h00
Qua những lời kể của các vị bô lão tại địa phương và dựa theo ghi chép tài liệu xưa lưu lại: vào giữa thế kỷ XIX thôn Thạnh Hòa Trung khi ấy vừa được thành lập thì lúc này người dân trong làng cũng dựng lên 1 ngôi đình bằng tre lá để thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh cũng như những bậc tiền nhân đã có công trong việc lập ấp, khai hoang. Khi lập lên ngôi đình thì dân làng gọi tên là Thạnh Hòa Trung thôn.
Năm 1852, ngôi đình này đã được sắc phong thần bởi vua Tự Đức đời thứ 5. Khi đó, đình còn có tên gọi là Thạnh Hòa Trung có tọa lạc thuộc huyện Tây Xuyên - tổng Định Mỹ.
Năm 1902, đình được hội tề, hương chức họp bàn và quyết định di dời đình về chợ Thốt Nốt cách nơi cũ tầm 1km vì địa hình không đẹp, cảnh quan không thoáng đãng. Hiện nay, ngôi đình Thạnh Hòa thuộc khu vực Phụng Thạnh 1 - Phường Trung Kiên - Quận Thốt Nốt.
Khi chuyển về địa hình mới, đa phần khách địa phương và du khách đều nhận xét nơi đây địa thế đẹp, phong cách nên thơ, không khí trong lành, mát mẻ vì gần ngã ba sông lớn. Đến năm 2009 đến nay, đình đổi tên là Thạnh Hòa do Ban Tế thống nhất tên gọi như vậy.
Năm 2016, đình Thạnh Hòa Thốt Nốt đã được UBND thành phố Cần Thơ phong hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật.
Biển di tích lịch sử văn hóa của đình vào tháng 11/2006
Kiến trúc đặc sắc của đình Thạnh Hòa Thốt Nốt
Kiến trúc
Đình Thạnh Hòa Thốt Nốt được xây dựng trên địa thế đất vô cùng rộng lớn với diện tích lên đến gần 1.400m2. Kiểu dáng ngôi đình được xây dựng theo hình chữ nhất với kiến thuần Việt. Tuy nhiên, có một vài chi tiết thể hiện sự giao thoa văn hóa của người Hoa tại phường Thốt Nốt.
Mặt tiền của ngôi đình quay về hướng Đông mang đậm kiến trúc truyền thống của những ngôi đình Nam Bộ. Điều đó thể hiện rõ rất qua những hạng mục: võ quy, võ ca, chánh điện. Điều thu hút và là điểm sáng của đình Thạnh Hòa đó chính là được trang trí cầu kỳ, tinh xảo thông qua những món nội thất như: hoành phi, câu đối, liễn đối. Được chạm khắc cực kỳ nghệ thuật, hoa văn bay bổng, đường nét mượt mà, sáng bóng qua hình tượng: phụng, rồng, tùng - cúc - trúc - mai...
Kiến trúc hình chữ Nhất
Cổng tam quan
Đình Thạnh Hòa Thốt Nốt lại gây sự chú ý không dời mắt của nhiều du khách khi cổng tam quan của đình được xây dựng hoành tráng, nổi bật với kiến trúc sắc xảo. Trên nóc đỉnh được tô vẽ bởi hệ thống tranh khảm sành sứ đầy nghệ thuật, sắc nét.
Hình tượng bà Nguyệt, ông Nhật hay một số tích cổ xưa được phác thảo lại rõ nét với nhiều điểm kiến trúc tương đồng của chùa Ông ở Ninh Kiều hay Hiệp Thiên Cung - Cái Răng.
Và điều thú vị của ngôi đình này đó là hệ thống văn tự Hán - Nôm được thiết kế nổi bật. Trong đó có ít nhất 8 bài thơ Đường được thể hiện bằng kỹ thuật khảm trai tinh xảo, nghệ thuật trên danh mộc. Càng nhìn càng hút mắt.
Cổng Tam Quan
Miếu thờ
Ngoài kiến trúc hình chữ Nhất độc đáo với hệ thống hoành phi - câu đối - văn bản trong đình có giá trị cao thì sắc phong Thần của đình có từ năm 1852 cùng thời điểm với đình Bình Thủy vẫn được thờ phụng nghiêng mình, kính cẩn.
Ngoài thờ phụng thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, quanh đình cũng được xây dựng nhiều miếu thờ thần Rái Cá, thần Hổ, Ngũ Hành Cổ Miếu, miếu thờ Thánh Nữ Nương Nương.
Lễ hội tại đình Thạnh Hòa Thốt Nốt
Bên cạnh nét đẹp kiến trúc độc đáo, trang nghiêm thì lễ hội đình Thạnh Hòa Cần Thơ cũng thu hút đông đảo quần chúng địa phương và du khách tham dự. Trong đó, đình vẫn duy trì tốt 2 lễ hội chính đó là: Thượng Điền và Hạ Điền để đáp ứng nhu cầu tâm linh và vui chơi giải trí không chỉ người địa phương và du khách.
- Lễ Hạ Điền tại đình được cúng từ ngày 19, 20, 21 tháng 4 âm lịch.
- Lễ Thượng Điền thì được tổ chức vào những ngày 19, 20 tháng 11 âm lịch thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham dự.
Lễ hội tại đình Thạnh Hòa
Trải qua hơn 100 năm tuổi, đình Thạnh Hòa Thốt Nốt vẫn là ngôi đình được người dân địa phương gìn giữ và trùng tu ngày một khang trang, linh thiêng hơn. Là một di sản quý giá với kiến trúc nghệ thuật đặc sắc đậm chất thuần Việt, đây không chỉ là điểm đến tham quan thông thường mà còn là nơi nhắc nhở thế hệ con cháu về lòng biết ơn, tự hào dân tộc. Là nơi ghi nhớ, tri ân công lao to lớn của những anh hùng liệt sĩ và những bậc tiền nhân trong việc mở cõi, khai hoang, lập làng, lập xóm.
Ảnh: Internet
Nhận xét
Đăng nhận xét