Không gian thờ cúng của người Việt cổ xuất hiện nhiều sập đá, hầu hết đều tạo tác bề mặt trơn, phẳng, song bề mặt long sàng tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (Hoa Lư, Ninh Bình) có trang trí hình rồng cuộn với nhiều chi tiết hi hữu có một không hai thể hiện uy quyền của bậc đế vương.
Long sàng trước bái đường (đặt tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng) do nhân dân Trường Yên công đức, được chế tác cuối thế kỷ XVII, (niên hiệu Chính Hòa thứ 17, 1696) bằng đá vôi nguyên khối có tuổi địa chất khoảng 300 triệu năm.
Long sàng được đặt trên sân chầu đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng là một khối đá hình hộp chữ nhật nặng khoảng 2 tấn, dày 18 cm, dài 188 cm, rộng 138 cm; phần chân đế được tạo từ 9 khối đá có kích thước không đều nhau, phía trước 3 khối, phía sau 4 khối, hai bên cạnh mỗi bên 1 khối.
Thế kỷ XVII, xã hội có nhiều biến động, văn hóa làng phát triển mạnh, họa tiết trên long sàng mang màu sắc thế tục rõ nét, với các hình tôm, cá, chồn, chuột, chim đậm chất dân gian, bông lơn, hài hước.
Chính giữa bề mặt long sàng được chạm khắc hình rồng tượng trưng cho quyền lực nhà vua. Rồng khoanh tròn trên mặt, đầu hướng về phía đông, nhìn lên đỉnh núi Mã Yên. Điểm lạ là ba trong bốn chi rồng được các nghệ nhân điêu khắc nhân hóa mang hình dáng cánh tay và bàn tay con người đều hướng vào trong.
Phần chân đế gồm 9 khối đá, có kích thước không đều nhau, vuốt tròn đều, thu lại về phía trên, tạo thế vững chãi đỡ mặt long sàng. Cả bốn phía của phần chân đế được trang trí hoa văn chạm nổi cơ bản giống nhau bằng đồ án dây leo cuốn, vân mây đao mác, đối xứng. Chính giữa mặt trước chân đế có hình tượng mái đình giữa vân mây.
Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng thuộc Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên) là biểu tượng chói sáng về tinh thần độc lập dân tộc, ý thức tự lực, tự cường của bao thế hệ cha ông buổi đầu sơ khai dựng nước. Cùng với long sàng ở nghi môn ngoại hai long sàng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia vào ngày 25/12/2017.
Xung quanh mặt long sàng được chạm khắc diềm trang trí với những hoa văn được tỉa tót rất cầu kỳ, tinh xảo và đa dạng, không theo quy tắc đối xứng. Đường diềm phía trước là hình lưỡng long chầu nhật với đao mác vần vũ uy phong; diềm phía sau lại được trang trí những con vật dân dã, sống ở sông suối, ruộng đồng gần gũi với người nông dân như tôm cá, chuột, trâu...
Các chi tiết chạm khắc trên đá xung quanh phần chân đế long sàng rất sắc sảo, tinh tế.
Các nhà nghiên cứu đánh giá, sự xuất hiện của những con vật bình thường trên sập rồng - đồ tế khí trang trọng ở nơi tôn nghiêm, biểu trưng cho vương quyền tối thượng là một sự hy hữu, độc nhất vô nhị trong nghệ thuật tạo hình của người Việt xưa nay. Điều này cũng cho thấy quan niệm bình dân hóa về sự gắn kết không thể tách rời giữa các thành tố trong vũ trụ như trời và đất; nhà vua và muôn dân, giữa những điều cao quý và bình dị.
Toàn cảnh long sàng trong không gian của sân rồng.
Hai bên long sàng là cặp rồng đá có kích thước vừa vặn thể hiện uy nghiêm, quyền lực.
Cận cảnh rồng đá phía trái long sàng.
Một hình rồng trang trí ở phần chân đế mặt trước của long sàng.
Cận cảnh các chi tiết điêu khắc mềm mại. Phần chân đế gồm chín khối đá, có kích thước không đều nhau, vuốt tròn đều, thu lại về phía trên, tạo thế vững chãi đỡ mặt long sàng.
Long sàng đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng là hiện vật tiêu biểu cho đồ trọng khí trong không gian thờ cúng của người Việt, biểu trưng cho vương quyền của triều đình phong kiến, nghệ thuật trang trí nhiều ý niệm, giàu chất nhân văn, ẩn chứa nhiều thông điệp bí ẩn, là hiện vật độc đáo có một không hai ở nước ta.
Nhận xét
Đăng nhận xét