BÌNH DƯƠNG - Ký túc xá được trưng dụng làm khu cách ly tập trung, nhiều sinh viên không kịp trở tay nhưng họ đã được người dân quanh đó giúp chuyển đồ, hỗ trợ chỗ ở miễn phí.
6 giờ sáng, ngày 29/5, anh Nguyễn Ngọc Huân, chủ doanh nghiệp đang sống trong Khu đô thị Đại học quốc gia TP HCM nhận được cuộc điện thoại đầu tiên của một sinh viên nhờ chở đồ đạc từ ký túc xá khu B ra phòng trọ. Vừa cúp máy, điện thoại Huân đổ chuông liên tục, hàng chục sinh viên khác cũng gọi điện cầu cứu anh.
Đêm trước, Trung tâm quản lý Ký túc xá ở Dĩ An, Bình Dương ra thông báo yêu cầu sinh viên rời khỏi Làng đại học trước 17h ngày 1/6, nhường phòng để trưng dụng làm khu cách ly tập trung, nhiều sinh viên hoang mang không biết về đâu.
"Thông báo hơi bất ngờ, nhiều bạn không kịp tìm phòng trọ, đồ đạc không biết gửi đâu. Nhiều sinh viên không có xe máy mà thuê xe ba gác chở đồ ít nhất cũng tốn vài trăm nghìn", Ngọc Huân cho biết.
Nhận thấy tình cảnh khó khăn của sinh viên, anh Huân đăng bài viết lên mạng xã hội, thông báo nhận chở đồ miễn phí. Muốn giúp được nhiều bạn nên anh chỉ nhận chở trong bán kính khoảng 15 km, ưu tiên ra sân bay, bến xe, trạm xe buýt để các bạn về quê.
Từng là sinh viên sống trong khu ký túc này nên anh thuộc từng ngóc ngách. Sinh viên chỉ cần cho biết tên tòa nhà, anh sẽ đến đón ngay tận cửa. Với những tòa sinh viên nam ở, Huân được phép lên tận phòng. Anh cũng không ngại phụ các bạn khiêng đồ để tiết kiệm thời gian.
Với những chuyến xe phải chở thêm quá nhiều đồ đạc, anh Huân phối hợp với ông Nguyễn Văn Minh (Minh Cô Đơn, 57 tuổi), thường lái ba gác chở đồ miễn phí cho sinh viên nhiều năm nay ở Làng đại học.
Hôm đầu tiên, hai người nhận được hàng trăm cuộc điện thoại cầu cứu. Cầm lái liên tục từ 6h sáng đến 9h tối, anh Huân giúp được khoảng 40 bạn sinh viên mỗi ngày. Chiếc xe bốn chỗ của chàng trai 25 tuổi luôn chật kín đồ đạc từ cốp xe cho đến băng ghế sau. Có hôm, bữa trưa của anh là mấy củ khoai ăn vội vào lúc 2h chiều.
Tuy giúp miễn phí, nhưng nhiều bạn sinh viên muốn đáp ơn anh nên đã mua tặng những ly cà phê, chai nước ngọt âm thầm để lại trên xe.
Không những nhận chở đồ miễn phí, căn nhà nhỏ Huân thuê làm điểm sinh hoạt cho câu lạc bộ thiện nguyện của mình cũng được trưng dụng thành nơi giữ đồ cho hàng chục sinh viên yên tâm về quê.
Trên con đường vành đai sát hông ký túc, anh Hoàng Trọng Chính, 29 tuổi ngồi nhìn con đường trước mặt vắng hoe, hàng quán hầu hết đã đóng cửa. Hai năm nay, quán cơm của anh mỗi ngày phục vụ hàng trăm suất cho sinh viên, nay chỉ có thể cầm cự bằng 30 suất cơm văn phòng. Tuy ế khách, không có thu nhập nhưng khi thấy sinh viên khó khăn, ông chủ quán cơm không ngồi yên.
Cũng giống như Huân, anh Chính bài đăng trên các hội nhóm về việc nhận giữ đồ và cho sinh viên ở miễn phí trong căn trọ của mình. Đến ngày 1/6, năm bạn nam là sinh viên các trường đại học sống ở ký túc đã chuyển đến ở tạm.
"Phòng tuy nhỏ nhưng ráng chút thì cũng ở được 5 bạn cộng thêm đồ đạc nữa. Bạn nào khó khăn quá thì nói mình sẽ nấu cơm cùng ăn chung. Tiền trọ mỗi tháng 1,5 triệu nhưng biết mình giúp sinh viên, anh chị chủ nhà chỉ lấy mình 1 triệu tháng này", Chính cười, kể.
Khi hàng trăm sinh viên đồng loạt chuyển chỗ, nhu cầu dùng thùng carton đóng gói đồ đạc tăng cao, nhiều người bán giá cao hơn thường ngày. Thấy nhiều bạn sinh viên phải mua ba chiếc thùng giấy nhỏ xíu mất 100.000 đồng, anh Chính chạy đến chỗ tạp hóa quen mua gần 50 chiếc thùng giấy về tặng các bạn.
Nguyễn Việt Hà, sinh viên năm 3 trường đại học Nông Lâm ở lại ký túc đi thực tập mấy tháng nay. Khi ký túc xá thông báo cho sinh viên trả phòng, Hà chưa thể tìm được ngay phòng trọ. Những chuyến xe về quê Lâm Đồng cũng không còn hoạt động. "Giữa lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp thế này, em cũng không muốn di chuyển nhiều nên chỉ còn cách ở lại. Thấy anh Chính đăng bài nhận giúp đỡ, em liên hệ và được anh đồng ý ngay. Em tính sẽ ở đến lúc nào tìm được chỗ trọ, nhường chỗ cho nhiều bạn sinh viên khó khăn hơn em", chàng trai nói.
Cách quán cơm của anh Chính khoảng 50 mét, quán lẩu chay của chị Trần Thị Mỵ cũng chịu chung cảnh ế khách, toàn bộ nhân viên đã được cho nghỉ.
Tận dụng căn gác trống rộng rãi, chị cũng nhận giữ đồ cho hơn chục bạn sinh viên. Balo, vali của bạn nào cũng được khi tên, số điện thoại và số chứng minh rồi đặt gọn gàng một góc. Chị Mỵ còn lấy chăn trùm lên cho đỡ bụi. Khi các bạn quay lại, chỉ cần đọc đúng thông tin đã dán trên vali, chị Mỵ sẽ giao đồ.
"Mình khó khăn, lo lắng đã đành mà thấy sinh viên nháo nhác tìm chỗ gửi đồ nên cũng không đành lòng. Ở khu làng đại học này, nhiều tiểu thương, chủ quán cũng giúp sinh viên như thế, không chỉ riêng mình", bà chủ 30 tuổi nói.
Nhận xét
Đăng nhận xét