Từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở TP.HCM, những người lao động mưu sinh vốn đã vất vả kiếm cơm qua ngày, nay lại càng thêm chật vật. Bù đắp lại, những ngày qua, nhiều nơi để bảng mến tặng cơm, tặng khoai, tặng thực phẩm… Ai tới nhận cũng được, không phân biệt nghề nghiệp, tuổi tác. Nhiều người nói “của cho không bằng cách cho”, và cách cho của ATM lướt ống của người Sài Gòn cũng thật độc đáo, ấm tình người.
Sáng chế mùa dịch
Trưa 28.6, đặc sản ATM lướt ống tại nhà thờ Tân Sa Châu, số 387 đường Lê Văn Sỹ, P.2, Q.Tân Bình tấp nập người lao động đến nhận cơm trưa. Để phòng dịch, bên trong nhà thờ, một người liên tục đọc loa, nhắc nhở người nhận đi ngay để đến lượt người khác. Bên ngoài, một tình nguyện viên khác cũng liên tục điều phối, nhắc người đến nhận giữ khoảng cách.
Hai bên cánh cổng nhà thờ được đặt 2 chiếc ống để người phát và người nhận không tiếp xúc nhau
Ảnh: Vũ Phượng
Gọi là ATM lướt ống vì cách thức nhận cơm trưa 0 đồng ở đây đúng nghĩa “lướt ống”. Khu vực cổng nhà thờ được đặt 2 đoạn ống to, vừa đủ để lọt hộp cơm. Thấy có người đến nhận, bên trong tình nguyện viên đưa phần cơm vào ống, tuột ra ngoài, phần cơm nằm gọn trong chiếc rổ đỏ. Người đến nhận và người phát cơm không tiếp xúc với nhau.
Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết, Chánh xứ Nhà thờ Tân Sa Châu cho biết, mô hình này là sáng chế của nhà thờ được 1 tháng nay. Ngày 28.6, buổi sáng, giáo xứ đã phát 400 phần ăn sáng, 500 phần ăn trưa và dự định phát 700 phần ăn tối - nhiều hơn so với thông báo. Trước đó, các buổi trưa, giáo xứ có chương trình bữa cơm nhân ái 0 đồng với 300 phần cơm mỗi ngày suốt 14 năm qua. Ba năm trở lại đây có thêm chương trình bữa sáng 2.000 đồng.
Sáng chế của giáo xứ Tân Sa Châu giúp bà con mùa dịch Covid-19
Ảnh: Vũ Phượng
Đặc sản ATM lướt ống tại nhà thờ Tân Sa Châu, số 387 đường Lê Văn Sỹ, P.2, Q.Tân Bình
Ảnh: Vũ Phượng
“Nhưng mùa dịch Covid-19 này, bà con gặp khó khăn, nhất là những người ve chai, bảo vệ nên giáo xứ tổ chức để giúp đỡ bà con được chút nào hay chút đấy. Vì Covid-19 nên không bữa nào bà con phải trả tiền”, linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết chia sẻ.
Kinh phí để thực hiện đặc sản ATM lướt ống ban đầu là của giáo xứ, sau đó bà con mỗi người góp một chút, đa số là người nghèo góp, nhiều người ở xa cũng gửi về chung tay. Nhờ vậy, chương trình duy trì được đến ngày hôm nay. Vừa qua khi có chương trình giải cứu khoai lang, giáo xứ cũng mua 10 tấn để phát hỗ trợ bà con mùa dịch.
Có những người đã thành "khách quen" của ATM lướt ống
Ảnh: Vũ Phượng
Người nhận chỉ cần đứng ngay ngoài cổng, không cần đi vào trong khuôn viên nhà thờ
Ảnh: Vũ Phượng
Theo vị linh mục này, buổi trưa và tối, ban đầu phát cơm, hết cơm thì phát mì, phát gạo, phát gạo hoặc trứng. “Điều chúng tôi tâm đắc nhất khi sáng chế ATM lướt ống là vẫn hỗ trợ được người dân mà hạn chế tiếp xúc. Người nhận chỉ cần đứng ngay ngoài cổng, không cần đi vào trong khuôn viên nhà thờ, xẹt qua là lấy được cơm rồi đi luôn để phòng dịch”, Chánh xứ Nhà thờ Tân Sa Châu tâm sự.
Cả mùa dịch ấm bụng nhờ... người Sài Gòn
“Xin hân hạnh được phục vụ trong mùa Covid. Sáng 300 phần bánh mì lướt ống 0 đồng. Trưa 300 phần cơm lướt ống 0 đồng. Chiều tối 400 phần gạo lướt ống 0 đồng, mì tôm lướt ống 0 đồng, khoai lang lướt ống 0 đồng,... Xin mời và chúc bình an. Lưu ý: Khi nào hết kinh phí, ATM xin ngừng hoạt động nhé”. Tấm bảng “menu” của đặc sản ATM lướt ống đặt trong sân nhà thờ khiến nhiều người đọc thôi đã thấy ấm lòng, dễ thương.
Bà Trần Thị Hòa mừng vì có nhiều điểm phát cơm miễn phí
Ảnh: Vũ Phượng
Ai cũng có thể nhận cơm, mì tại ATM lướt ống
Ảnh: Vũ Phượng
Dưới nắng, dòng người trật tự ghé ngang ATM lướt ống lấy cơm, lấy mì. Đó là những người ve chai, vé số, xe ôm công nghệ, shipper và cả những người thất nghiệp khác... Bà Trần Thị Hòa (64 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) đội chiếc nón lá méo mó, đạp xe chất lỉnh kỉnh ve chai đến nhận hộp cơm, treo ở trước tay lái xe rồi nhanh chóng rời đi.
Bà cho biết, mùa dịch đường phố vắng, ve chai cũng ít. Ba ngày bà mới gom bán một lần mà chỉ được 34.000 đồng. Nhưng cả tháng qua, bà vẫn sống khỏe, không chịu áp lực dịch giã gì vì trưa nào cũng được ăn cơm từ thiện, không chỗ này thì chỗ khác.
Kinh phí để thực hiện do nhiều người đóng góp, đa phần là người nghèo, mỗi người góp một chút
Ảnh: Vũ Phượng
Bà nói: “Trưa nào tôi cũng có cơm ăn, Sài Gòn mùa này không để ai đói. Tôi có nhà ở đây cha mẹ để lại nên không bị áp lực gì. Đi ngoài đường có lúc được người ta cho năm chục, vài ký gạo, chai dầu ăn, nước tương, nước mắm... Mà tôi già rồi ăn đâu hết, tôi vẫn nhận, nhưng để dồn đó rồi đi tặng những người khó khăn hơn. Hôm 4.6, tôi mới lấy hết tiền tiết kiệm mua 250kg gạo, kèm với dầu ăn, nước tương, nước mắm tôi được nhận gửi nhờ cha ở Kon Tum phát cho người nghèo trên đó”.
Ông Nguyễn Văn Năm (58 tuổi, tài xế công nghệ) đến nhận khi các phần cơm trưa đã được phát hết, chuyển sang phát mỗi người 3 gói mì. Ông Năm là lao động chính của gia đình, vợ ông bán hàng rong, cả tháng nay cũng ế ẩm vì dịch. Từ sáng đến trưa, ông mới có 3 cuốc, kiếm được 55.000 đồng, chưa trừ phí, xăng xe.
Tấm bảng "menu" của đặc sản ATM lướt ống
Ảnh: Vũ Phượng
“Ăn trưa bình thường hết 25.000 đồng nên tôi hay mua ổ mì không ngồi nhai đỡ, tối về nhà mới ăn cơm. Mà mấy bữa nay biết ở đây phát cơm nên tôi đến nhận, hôm nay thì đến hơi trễ rồi, nhưng có còn hơn không, đỡ đồng nào hay đồng đó”, ông chia sẻ.
Bà Lê Thị Thu Hà (58 tuổi, quê Quảng Ngãi) thì tâm sự, bà là “khách quen” ở ATM lướt ống cả tháng nay, trước đó, bà cũng thường đến nhận cơm 0 đồng của chương trình bữa cơm nhân ái.
20 năm trước, theo lời rủ của nhiều đồng hương, gia đình bà Hà vào Sài Gòn thuê nhà ở và gắn bó với nghề nhặt ve chai. Đến nay, con trai bà tiếp tục nối nghiệp. Gặp dịch, ve chai ít, giá rẻ, tiền nhà trọ thì vẫn phải chi đều đều nên hằng ngày bà vẫn rảo khắp các tuyến đường.
Trước khi nhận cơm từ ATM lướt ống, bà Thu Hà nhận cơm của chương trình bữa cơm nhân ái cũng tại giáo xứ
Ảnh: Vũ Phượng
Bà chia sẻ: “Ngày trước ở quê chỉ có ruộng lúa, mấy tháng chờ đến ngày thu hoạch, trước khi gặt gặp ngập một trận là xong hết. Vào Sài Gòn có cực chút nhưng còn kiếm được đồng tiền, lúc chưa có dịch tôi kiếm được 200.000 – 300.000 đồng mỗi ngày, còn giờ may mắn lắm mới được 50.000 đồng”.
Nhưng bù lại, mùa dịch nhiều người thấy bà đi nhặt ve chai cũng cho ít gạo, gia vị nên “trưa ăn cơm ATM lướt ống”, “tối nấu gạo từ thiện”, bà vẫn đủ sống qua ngày. “Cách người Sài Gòn cho tình cảm lắm, dù không quen biết nhưng cách cho như chia sẻ, đồng cảm với mình. Mong hết dịch để mọi thứ quay trở lại bình thường”, bà Hà bày tỏ. Theo thanhnien. vn
Nhận xét
Đăng nhận xét