BẮC GIANG - Biết đơn tình nguyện của mình đã được duyệt, 2 giờ đêm, ông Mẫn, 67 tuổi, dậy thu dọn vài bộ quần áo và khẩu trang mang xuống ôtô, tránh để vợ con phát hiện.
7h sáng 3/6, ông Phạm Văn Mẫn xách theo chiếc túi đi làm thường ngày ra xe. "Ông đi đâu đấy?", bà Nguyễn Như Hoa, vợ ông hỏi. "Tôi đi làm chứ còn đi đâu", ông chồng là giám đốc một công ty công nghệ ở Hà Nội nói rồi lên xe nổ máy.
Hai tiếng sau khi lên đường, ông Mẫn đã có mặt ở Bắc Giang và nhận lệnh đưa đón các nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân F0 tại bệnh viện dã chiến và các bác sĩ tại Trung tâm xét nghiệm thuộc Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang.
Số điện thoại của ông lập tức trở thành số hotline của mọi đoàn nhân viên y tế đang hoạt động trong vùng dịch. Ngày đầu ở đây, người đàn ông 67 tuổi đã phải chạy vài chục "cuốc", chẳng kể giờ giấc. Chưa quen đường sá ở Bắc Giang, ông mở bản đồ Google hay hỏi thăm dân để tìm đường đi "đón khách".
Chiều tối cùng ngày ông Mẫn mới gọi về nhà, báo tin vùng dịch đang cần hỗ trợ về dịch vụ viễn thông nên lên đó vài ngày. Bà Hoa vẫn thấy nghi ngờ nên đến công ty hỏi và "lặng người" khi biết chồng không có lịch công tác ở Bắc Giang.
"Bố về đi, bố nhiều tuổi rồi đi thế này các con không yên tâm. Mẹ con ghê lắm", cô con gái "dọa" ông qua điện thoại. Ông Mẫn cười bảo: "Con biết tính bố rồi còn gì. Ở nhà bố còn day dứt, khó chịu hơn, đi thế này bố khỏe hẳn ra. Mấy đứa ở nhà cố động viên mẹ cho bố".
Tối ngày thứ hai, ông Mẫn đón bác sĩ Nguyễn Lâm Oanh từ Trung tâm xét nghiệm Bắc Giang về khách sạn. Cô gái 23 tuổi ngồi ghế sau bắt chuyện: "Chú có số điện thoại đẹp quá. Chú làm công việc gì vậy ạ?". Oanh bất ngờ khi biết "chú tài xế riêng" cho mình hai hôm nay là người sáng lập một công ty công nghệ viễn thông. Ông Mẫn cũng kể chuyện giấu vợ vào tâm dịch rồi bật điện thoại, nhờ Oanh nói chuyện với bà Hoa: "Cháu động viên cô giúp chú".
Khi dịch bùng phát tại Bắc Giang, bà Hoa đã nghe chồng nói xa xôi đến chuyện đi tình nguyện nhưng không nghĩ ông đã viết đơn vào tâm dịch từ hôm 28/5. Khi chuyện đi Bắc Giang đã bị vợ đã biết, hôm 5/6, ông công khai lá đơn tình nguyện của mình lên mạng xã hội.
"Hình ảnh các cháu nhỏ mới một tuổi chưa biết tự ăn đã phải xa bố mẹ đi cách ly, cảnh người già, cựu chiến binh ngày đêm trực chốt tại điểm nóng của tâm dịch, cảnh bộ đội, công an tổ chức cứu trợ, bác sĩ không ngại hiểm nguy cứu người khiến người đàn ông đủ sức khỏe, tinh thần chiến đấu như tôi rất băn khoăn. Tôi viết đơn này xin ban chỉ đạo phòng chống dịch của Bộ Y tế và tỉnh Bắc Giang phê duyệt để tôi vào tham gia chống dịch Covid-19 tại Bắc Giang...", ông Mẫn viết trong đơn.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại Bắc Giang xúc động khi nhận được đơn của ông Mẫn. "Trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng như vậy, tinh thần của một người lớn tuổi như bác là rất đáng quý, đáng trân trọng. Ngay khi tiếp nhận đơn, tôi đã chuyển cho Sở Y tế Bắc Giang xem xét", ông Khoa nói.
Trước lúc viết đơn tình nguyện, ông Mẫn dành hai tuần để rèn thể lực. "Tôi đi bộ giữa trưa để chuẩn bị cho những ngày làm việc trong thời tiết nắng nóng ở tâm dịch", ông kể. Hai người bạn nghe ông Mẫn nói muốn đi tình nguyện cũng định đồng hành cùng ông. Họ cùng nhau sắm ba chiếc ôtô hơn hai tỷ đồng đi vào tâm dịch nhưng phút cuối, hai người bạn không thể đi được vì người nhà ngăn cản. Rút kinh nghiệm, ông chỉ nói thật với vợ khi "sự đã rồi".
Vì lén đi tình nguyện, ông Mẫn chỉ kịp chuẩn bị ít khẩu trang và vật bất ly thân là mấy lọ thuốc nhỏ mắt. Viết trong đơn sức khỏe tốt, nhưng ông bị khô mắt, cứ vài tiếng phải nhỏ mắt một lần. Chạy xe liên tục nên ông đặt một lọ thuốc trong xe, một lọ trong ví và một lọ ở đầu giường. Cứ được gọi là đi, những bữa ăn của ông Mẫn thất thường. Hệ tiêu hóa lại kém nên thức ăn lạ khiến ông khó tiêu, mấy lần bị "tào tháo đuổi".
"Gọi về cho tôi, giọng ông ấy lúc nào cũng sang sảng. Ông ấy khoe cả đoàn hơn 20 người tiêm vaccine ai cũng sốt mà ông ấy không sao", bà Hoa kể mà không biết chồng nói dối.
"Vào đến tâm dịch rồi mới biết thế nào là cuộc chiến. Ở Hà Nội tôi sẽ chẳng được sống những ngày ý nghĩa như vậy. Các cháu bác sĩ, có đứa chỉ hơn 40 kg mà vẫn đi tình nguyện, hăng hái, ý thức chẳng kém ai. Tôi học được lớp trẻ nhiều điều", người đàn ông nói.
Lâm Oanh cho biết, khi xông pha vào tâm dịch mới thấy mọi người ai cũng giản dị, nhiệt huyết và chân thành. "Nếu tôi không chủ động hỏi sẽ chẳng thể biết người lái xe này là một doanh nhân. Chú thương chúng như con vậy, hỏi han, quan tâm từng chút một. Thấy chúng tôi tiêm vaccine xong sốt cao vẫn phải đi làm, chú mua nước cam cho uống, động viên từng đứa", nữ bác sĩ kể.
Đã đi hết nửa đời người, điều ông Mẫn hối tiếc là không thể góp sức cho cộng đồng, chứ không phải gặp điều không may giữa cuộc chiến không tiếng súng này. "Chừng nào hết dịch tôi mới về", giọng ông hào sảng. Còn bà Hoa vợ ông luôn tin "người làm việc thiện sẽ luôn được may mắn". Theo vnexpress
Nhận xét
Đăng nhận xét