Thác Bản Ba được mệnh danh là 'cô sơn nữ giữa núi rừng Tuyên Quang', cảnh quan hùng vĩ bởi 3 tầng thác lớn.
Nằm giữa núi rừng Tuyên Quang, thác Bản Ba đổ bọt trắng xoá, nổi bật khi nhìn từ trên cao. Thác bao gồm các chuỗi thác liên hoàn, với 3 tầng lớn gồm Tát Củm, Tát Cao, Tát Gió cùng lúc đổ nước thẳng đứng từ độ cao hàng chục mét. Thác nằm bên triền núi Phiêng Khàng, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hoá, cách TP Tuyên Quang khoảng 70 km.
Từ Chiêm Hóa, con đường nhỏ rẽ vào thác dài 25 km nằm sâu trong rừng già và núi non trùng điệp. Tầng thác thứ nhất có tên gọi là Tát Củm, chân thác được người dân địa phương gọi là "vực rồng", nơi có vách đá giống như hình rồng cuốn. Tầng thứ 2 là Tát Cao (Thác Cao), là tầng được chia làm 2 nhánh đổ xuống trông như 2 dải lụa trắng. Dưới chân có "vực quyên" với làn nước trong xanh, phù hợp để du khách tắm thác, thư giãn. Tầng thứ 3 chảy dọc theo những phiến đá vôi xuống vực sâu có tên "Vực Linh" (vực linh thiêng).
Trịnh Nam Thái, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, trong chuyến ghé thăm nơi đây, đứng xa khoảng 5 km, anh đã có thể thấy thác đổ bọt trắng xoá, hệt như dải lụa trắng vắt giữa núi. Thác Bản Ba mời gọi anh từ phía chân thác với những cánh đồng trù phú. Mùi lúa non, mùi sương sớm giúp anh thấy sảng khoái, tạm xa rời khói bụi thành thị. Đến với thác Bản Ba, du khách được thám hiểm những cánh rừng già với nhiều cây cổ thụ vài trăm năm tuổi, những cây leo chằng chịt và nhiều loại gỗ quý. "Đường vào thác rất đẹp, sạch sẽ, lại còn có cơ hội nhìn thấy nhà sàn của người Tày ở 2 bên. Cây cối mọc đan xen với vòng thác, giống trong những phim phiêu lưu, thám hiểm", Thái kể lại.
Nhận xét
Đăng nhận xét