Nhắc đến ẩm thực Phú Thọ thì hẳn nhiên rêu đá Thanh Sơn luôn là món ăn đặc sắc, lạ kỳ khiến nhiều du khách bị lôi cuốn bởi tên gọi cũng như hương vị độc đáo mà món ăn này mang đến.
Cũng như bao vùng quê khác, tại vùng đất Thanh Sơn - Phú Thọ có một món ăn khi vừa nhắc tên đã khiến người ta phải tò mò, lạ lẫm đó chính là món ăn "rêu đá". Và để biết rêu đá này thu hoạch như nào? Sơ chế và nấu món ăn ra sao? Mời quý bạn đọc cùng Lữ Hành Việt Nam làm chuyến khám phá Phú Thọ để thưởng thức món ăn đặc biệt này nhé!
Rêu đá mọc thành từng mảng
Giới thiệu về rêu đá Thanh Sơn
Là một trong những đặc sản độc đáo của miền quê Đất Tổ, rêu đá Thanh Sơn Phú Thọ đã thu hút sự hiếu kỳ, tò mò của du khách khi đặt chân về nơi đây. Rêu thường hay mọc và bám ở những vách đá nơi có suối chảy qua. Nhất là vào mùa xuân thì tầng tảng rêu lại phủ xanh kín ở bề mặt đá qua khe suối.
Rêu đá được chia đều thành 3 loại:
Cui: Nghĩa là rêu mọc thành sợi rất dài giống như sợi tóc và có màu sắc xanh sẫm.
Cay: Nghĩa là rêu có sợi mọc khá rời rạc, thưa thớt và có màu xanh
Tau: Nghĩa là rêu sẽ mọc thành từng cụm, từng mảng ở các loại ao, sông, khe suối và không bám dính chắc như các loại rêu kia. Khi hái rêu thì người Mường sẽ hay dùng thanh tre để gạt chúng vào rổ.
Có lẽ vì thế mà rêu đá Thanh Sơn được coi là đặc sản quý mà thiên nhiên đã ban cho người Mường. Đa phần tại những xã Thu Cúc, Đồng Sơn, Thượng Cữu...cũng coi rêu đá là một món rau sạch của vùng cao.
Không có quá nhiều như món ăn khác và quá trình bảo quản rêu đá cũng không lâu. Thế nên, món ăn này chỉ đủ dùng trong bữa ăn hàng ngày của người Mường. Người miền xuôi lên đây phải được người đồng bào quý lắm mới tiếp đãi món ăn đặc săc này.
Rêu đá Thanh Sơn có vào tháng mấy?
Rêu đá cũng thu hoạch theo mùa bạn nhé. Thời gian thu hoạch từ tháng 9, tháng 10 âm lịch và tháng 5. Rêu thường tự mọc ở những tảng đá tại những con suối. Khi nó dài đến 1 khoảng nhất định thì sẽ tự rụng và xuôi theo dòng nước suối cuốn trôi đi. Thế nhưng, năm nào rêu đá cũng mọc đúng mùa giống như quy luật của tạo hóa vậy.
Đặc biệt vào những ngày trời nắng, dịu nhẹ, phụ nữ Mường ở Thanh Sơn sẽ rủ nhau lội suối hái rêu mang về. Sau đó, sẽ dùng thành phẩm để chế biến những món ăn đơn sơ, mộc mạc hàng ngày. Cách bảo quản rêu cũng khá đặc biệt: Nếu muốn ăn rêu đá vào những dịp khác như: cưới hỏi, làm nhà, lễ tết... họ sẽ phơi khô rêu và dành ăn dần.
Theo kinh nghiệm của người Mường thời điểm thu hoạch được rêu đá Thanh Sơn xanh mơn mởn là vào mùa xuân. Và muốn lươm được rêu sạch, xanh ngon thì hãy đến những con suối có nước chảy xiết mạnh, và có nhiều tảng đá to. Vì rêu hay mọc bám ở đấy nhiều.
Rêu đá
Cách lấy rêu đá và sơ chế rêu đá Thanh Sơn
Cách lấy rêu đá
Sở dĩ đồng bào nơi đây hay gọi là bắt rêu thì họ coi nó là dòng thực phẩm giống như cua hay cá suối. Rêu được bắt thành từng dây dài. Tùy khúc suối đó sâu hay nông mà màu sắc của rêu cũng xanh non hay xanh lục.
Và người mường cũng rất chú trọng cách lấy rêu đá phải lựa theo chiều nước chảy để rêu không bị đứt gãy, hay bị dập nát. Nên hái rêu lúc còn xanh và non để ăn ngon chính là ở phần thân rêu. Như thế rêu sẽ sạch sẽ hơn và đảm bảo chất lượng hơn so với phần gốc. Sau đó, họ sẽ phải vò sạch sẽ rồi lấy dui gỗ để đập thật mạnh sao cho cấn cát bám ở phần rêu trôi sạch đi.
Rửa rêu đá
Sơ chế rêu đá
Công việc đập rêu phải có tính kiên nhẫn, chịu khó. Vì đập và rửa rêu qua nhiều lần cho đến khi rêu quấn quện vào nhau như tấm vải áo vắt. Rêu được bỏ vào rổ, giặt qua nước suối nhằm loại bỏ cát hoặc chất bẩn, bỏ lên một tảng đá to, có mặt bằng phẳng rồi dùng một thanh gỗ to để đập.
Sơ chế rêu cũng đòi hỏi phải có tính kiên trì, bền bỉ vì phải giũ và đập rêu tới vài lần mới sạch. Cả một rá rêu đá lúc này chỉ còn đủ dùng trong một bữa. Màu rêu đá xanh đậm, sờ vào mềm mịn, man mát tay.
Sơ chế
|
Những món ăn ngon chế biến từ rêu đá
Nói đến rêu đá Thanh Sơn thì có nhiều cách chế biến khác nhau như: nấu canh, luộc, xào, nộm, nướng...Tuy nhiên, trong bữa cơm hàng ngày của người Mường thì canh rêu đá , nộm rêu và món rêu nướng là 3 món ăn thông dụng và được chế biến nhiều hơn cả.
Rêu đá trong bữa cơm hàng ngày
Canh rêu đá
Đối với canh rêu đá thì người Mường sẽ đem rêu cắt ra thành từng khúc nhỏ. Nước dùng nấu rêu thường được sơ chế từ nước luộc gà, hay hầm xương. Sau đó sẽ thả rêu vào nấu cho đến khi chín tới. Đây là món canh hay xuất hiện trong bữa cơm thường ngày của người đồng bào vì nó tiết kiệm lại ăn rất ngon.
Canh rêu đá
Nộm rêu đá
Nói đến món nộm rêu đá thì phải dùng những mẻ rêu non thật là non. Tiếp đó, người ta sẽ đồ rêu như đồ xôi để rêu chín mềm. Sau đó, trộn cùng gia vị: mì chính, súp, gừng, mắc khén...ai thích ăn nộm cay thì cho thêm ớt giã nhỏ thành món nộm rêu thơm ngon.
Rêu đá nướng
Và một trong những món rêu đá cực kỳ yêu thích đó chính là rêu đá nướng. Để làm được rêu đá nướng thì người Mường sẽ rửa rêu thật sạch. Sau đó ướp gia vị tỏi ớt, trộn thêm hạt sẻn, hạt tiêu rừng, hạt dổi cùng với lá chanh, xả, ớt, gừng...Rồi cho thêm ít thịt mỡ. Sau đó sẽ cuộn tròn lại trong lớp lá chuối, lá dong hay ống nứa non để nướng trên than hồng đỏ rực.
Khi lá chuối hay lá dong chuyển sang màu đen thì lúc này rêu đá bên trong đã chín rồi họ sẽ lấy và bóc từng lớp lá ra. Mùi tỏi, gừng hòa quyện cùng mùi nồng thơm của rêu đá đã tăng thêm hương vị đặc sắc của món ăn này. Khi nếm bạn sẽ thấy ăn giống như tảo biển vì có sự béo ngậy, mềm mềm mà ăn không bị ngớn.
Món rêu nướng
Và nếu có dịp về Thanh Sơn - Phú Thọ thì ngoài chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt đẹp của vùng trung du này thì bạn nhớ thưởng thức món rêu đá Thanh Sơn này nhé. Sẽ có nhiều cảm xúc đong đầy, lạ ngon khi được nếm hương vị đặc biệt của món ăn này.
Ảnh: Internet
Nhận xét
Đăng nhận xét