Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam là một ngày Tết quan trọng của người Việt và ở một số quốc gia khác của châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ở mỗi nước ngày Tết này mang một ý nghĩa riêng với những phong tục khác nhau. Riêng ở Việt Nam, ngày Tết Đoan Ngọ gắn liền với nhiều món ăn dùng để giết sâu bọ đã trở thành truyền thống của mọi gia đình.
Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam
Tết Đoan Ngọ tồn tại từ lâu trong văn hoá Phương Đông và được truyền từ đời này sang đời khác. Tết Đoan Ngọ bắt nguồn từ những truyền thuyết khác nhau ở mỗi quốc gia nhưng thực chất đều gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.
Nếu ở Trung Quốc, ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5/5 có nguồn gốc từ việc tưởng nhớ nhà thơ yêu nước Khuất Nguyên - người đã nhảy xuống sông Mịch La tự tử cách đây hơn 2000 năm thì ở Hàn quốc, ngày 5/5 là một trong ba dịp lễ truyền thống lớn nhất nước này với ý nghĩa cầu nguyện cho một mùa màng bội thu, không bị sâu bệnh phá hoại.
Tết Đoan Ngọ Trung Quốc là ngày tưởng nhớ Khuất Nguyên - nhà thơ, nhà văn hóa lớn.
Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam còn gọi là "Tết giết sâu bọ" vì thời gian này là lúc giao mùa, thời tiết có chuyển biến rõ rệt, phát sinh nhiều dịch bệnh. Dân gian có các tục lệ giết sâu bọ, cúng bái tổ tiên và các vị thần mùa màng mong cho vụ mùa bội thu, cuộc sống sung túc. Bên cạnh đó, ngày Tết Đoan Ngọ cũng là dịp sum họp gia đình, ngày mà con cháu khắp nơi về quây quần bên nhau ăn những thứ quà bánh truyền thống đặc trưng... để diệt trừ "sâu bọ" trong cơ thể, xua đuổi hết bệnh tật... Ngoài Tết Nguyên Đán, thì Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam là ngày lễ tết quan trọng trong năm của người Việt. Cứ đến ngày này, những ai đang xa quê hay bận rộn với bộn bề mưu sinh cũng cố gắng thu xếp về quê nhà, tận hưởng ngày Tết của bao đời, ăn những món ngon bà và mẹ vẫn thường làm vào mỗi dịp mùng 5/5.
Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam là ngày Tết quan trọng chỉ sau Tết Nguyên Đán.
Những phong tục trong Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam
Phong tục quan trọng nhất trong ngày Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam là cúng bái tổ tiên và các vị thần mùa màng bằng những món ăn đặc trưng như các loại quả chua, rượu nếp, bánh tro, trái cây... sau đó sẽ dùng những món ăn này để diệt trừ các loại sâu bệnh trong cơ thể. Người xưa cho rằng, món ăn đầu tiên trong ngày mùng 5/5 sẽ giúp diệt được sâu bọ trong người, cụ thể là ăn rượu nếp trước để cho sâu bọ say, sau đó mới dùng các loại trái cây để chúng chết hết.
Bên cạnh mâm cúng mùng 5/5 thì theo đúng lệ, vào giờ Ngọ (12 giờ trưa) trong ngày người dân ở các vùng quê sẽ rủ nhau đi hái lá đem về nấu nước xông để làm sạch cơ thể và giải cảm. Vì 12h ngày 5/5 mỗi năm là lúc có dương khí tốt nhất, thời điểm mặt trời toả ánh nắng tốt nhất trong một năm. Ở một số vùng miền khác còn có tục nhuộm móng chân, móng tay, tục khảo cây lấy quả, tục treo ngải cứu để trừ tà. Ở các thành phố, đô thị lớn, không thể tự vào rừng hái lá thì các cô, các mẹ sẽ ra chợ tìm mua các loại lá về nấu, xông lên cho cả nhà để đảm bảo vẫn theo đúng tục lệ truyền thống.
Hái lá về nấu nồi xông giải độc cơ thể là một phong tục của ngày Tết Đoan Ngọ.
Những món ăn hấp dẫn trong Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam
Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam có rất nhiều món ăn vừa để “giết sâu bọ” vừa để cả gia đình quây quần đầm ấm bên nhau. Tùy theo từng theo vùng miền mà các món ăn rất phong phú và đa dạng, cách chế biến cũng khác nhau. Trong mỗi món ăn đều ẩn chứa những nét đẹp văn hoá, tâm linh được gửi gắm và duy trì từ đời này sang đời khác. Sau đây là những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam đặc trưng cho mỗi vùng miền
1. Cơm rượu nếp (phổ biến ở cả nước)
Cơm rượu nếp phổ biến ở khắp các vùng vào Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam với ý nghĩa gắn liền với mong muốn giết sâu bọ. Theo quan niệm dân gian, vị nồng cay của rượu nếp sẽ khiến các loại kí sinh trùng trong cơ thể bị tiêu diệt. Rượu nếp được nhiều người yêu thích vì có hương thơm và vị ngọt tự nhiên mà không cần dùng đến đường.
Cơm rượu nếp miền Bắc hay để tơi thành từng hạt riêng.
Tùy theo từng vùng miền mà rượu nếp có cách chế biến và mang hình dạng khác biệt nhau. Người miền Bắc để cơm rượu thành các hạt tơi riêng, miền Trung lại thích ép thành khối trong khi người miền Nam hay vo cơm nếp thành viên tròn. Ở Huế lại có kiểu dùng đặc biệt hơn là pha rượu nếp với đá viên mát lạnh. Với cách dùng này thì cơm nếp phải lên men vừa tới để không bị gắt khi ăn, uống.
Người miền Nam lại thích vo cơm rượu thành viên tròn.
2. Chè kê (Huế)
Ai đã từng du lịch Huế một lần sẽ rất ấn tượng với những món ăn đặc trưng ở nơi đây, nhất là các món chè trứ danh của đất cố đô. Chính vì vậy vào Tết Đoan Ngọ, một món chè cũng góp mặt trong danh sách những món không thể thiếu trong mâm cơm sum vầy của xứ Huế là chè kê. Từng hạt kê tròn mẩy sau khi được xay cho sạch vỏ sẽ được ngâm và nấu sôi đến khi nở mềm, sền sệt. Lúc này chỉ cần thêm đường và nước gừng là đã cho ra một nồi chè thơm lừng với màu vàng quyến rũ, ngon mắt.
3. Chè trôi nước (miền Nam)
Được mệnh danh là thiên đường của các món ăn ngọt, chè trôi nước chắc chắn là món được nhiều người yêu thích trong các món ăn ngày Tết Đoan Ngọ Nam Bộ. Những viên chè to tròn với vỏ làm bằng bột nếp trắng bao quanh phần nhân đậu xanh nằm xen kẽ với những viên chè tí hon không nhân giữa lớp nước đường thơm mùi lá dứa pha với nước cốt dừa beo béo là món ăn gắn liền với tuổi thơ của nhiều người. Nếu có dịp du lịch miền Tây vào Tết Đoan Ngọ, bạn đừng bỏ qua món ngon ngọt ngào này nhé.
Chè trôi nước là món ăn gắn liền với tuổi thơ nhiều người, nhất là trong ký ức về những ngày Tết Đoan Ngọ.
Ngày nay, chè trôi nước có nhiều biến tấu với màu sắc bắt mắt, có nhiều loại nhân hơn.
4. Bánh tro (Nam Trung Bộ và Nam Bộ và một số nơi của Miền Bắc)
Ở vùng Nam Trung Bộ và Nam Bộ và một số nơi của Miền Bắc, bánh tro là món không thể thiếu trên mâm cơm cúng ngày mùng 5/5. Nhà nào cũng nhất định mua từ ba bốn chục bánh trở lên trước để cúng gia tiên và sau để cả gia đình cùng nhau thưởng thức.
Bánh ú là tro là món ăn yêu thích của nhiều người trong ngày Tết Đoan Ngọ.
5. Bánh khúc (người Nùng)
Người Nùng sinh sống ở vùng Mường Khương, Lào Cai cũng có một món ăn đặc trưng góp phần làm phong phú thêm cho nét ẩm thực Tết Đoan Ngọ ba miền, là món bánh khúc. Nguyên liệu tạo nên bánh khúc đơn giản nhưng không hề thua kém những món ăn khác. Với gạo nếp ngon, rau khúc, đậu xanh, hạt vừng đã tạo nên những chiếc bánh khiến nhiều du khách ăn một lần sẽ nhớ mãi.
6. Thịt vịt (miền Trung và Nam bộ)
Theo truyền thống của người miền Trung và Nam bộ, trong mâm cỗ diệt sâu bọ cũng không thể thiếu món thịt vịt, một phần là vì vào tháng 5 Âm lịch, thịt vịt sẽ ngon và béo nhất, lại không còn mùi hôi thường có. Nhiều gia đình hay mua vịt về làm cỗ để bữa ăn ngày Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam thêm phần ngon miệng và phong phú hơn, bên cạnh những món ngọt hay hoa quả truyền thống.
Người miền Trung rất thích ăn thịt vịt vào Tết Đoan Ngọ.
7. Hoa quả theo mùa (phổ biến các vùng)
Dù ở vùng miền nào thì hoa quả cũng là món không thể thiếu để người Việt thắp hương cúng tổ tiên và thưởng thức vào ngày Tết Đoan Ngọ. Tháng 5 Âm lịch là thời điểm mận và vải vào mùa thu hoạch với vị tươi ngon đặc trưng của trái cây hè. Với vị chua thanh của mận, ngọt dịu của vải, ngày Tết Đoan Ngọ của từng nhà chắc chắn sẽ thêm phần thơm thảo đậm đà.
Vải là loại trái cây không thể thiếu trong các món ngon ngày Tết Đoan Ngọ.
Những loại trái cây theo mùa hấp dẫn trong ngày Tết giữa năm.
Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam là tết giữa năm, trước để cúng bái tổ tiên, tiền nhân, cầu cho mùa màng bội thu, cuộc sống sung túc, sau là ước mong diệt hết đau bệnh (sâu bọ) trong người, mong cho cơ thể khỏe mạnh. Tết Đoan Ngọ đã trở thành ngày lễ tết đặc biệt mang đậm văn hóa truyền thống của mỗi người Việt Nam.
Nhận xét
Đăng nhận xét