Người Sài Gòn lên xe buýt để... mua rau củ, thịt cá giá bình ổn, vẫn đảm bảo an toàn nhưng quan trọng là cái gì cũng tươi ngon!
Mặc dù trời mưa, nhưng bên ngoài nhiều người dân vẫn bình tĩnh xếp hàng đợi giữ khoảng cách theo đúng tinh thần của Chỉ thị 16 đợi đến lượt mình. Trước khi vào xe buýt chọn mua rau, người dân được nhân viên xe xịt rửa tay sát khuẩn theo đúng trình tự đã quy định.
Để giảm tải cho chợ và các siêu thị trong thời điểm giãn cách, Sở Công Thương đã phối hợp cùng một số doanh nghiệp, tối ưu hoá công năng của xe buýt để chở rau củ quả, thịt, cá đến các quận, huyện phục vụ cho nhu cầu của người dân trong thành phố.
"XE BUÝT CHỞ... RAU GIÁ BÌNH ỔN ĐÂY, MẠI DÔ, MẠI DÔ"
Đúng 9h30 sáng, theo lịch trình, chiếc xe buýt chở rau dừng lại số 27 đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Như được sắp xếp sẵn, người dân khu vực này từ tốn, lần lượt xếp hàng theo sự hướng dẫn của bác tài xế và một nhân viên khác. Trên xe, người phụ nữ phụ trách việc bán rau sắp xếp và bày biện rau để người dân dễ chọn lựa. Rau ra rau, củ ra củ, chúng nằm gọn gàng trên xe như đang ở... siêu thị.
Người Sài Gòn bình tĩnh xếp hàng chờ đến lượt lên xe, chẳng đợi ai nhắc họ cũng làm đúng "thủ tục" sát khuẩn và đo thân nhiệt,..
Bên hông xe buýt, thay cho những poster quảng cáo, bảng giá rau được niêm yết theo từng ngày sẵn sàng với một mức giá bình ổn.
Mặc dù trời mưa, nhưng bên ngoài nhiều người dân vẫn bình tĩnh xếp hàng đợi giữ khoảng cách theo đúng tinh thần của Chỉ thị 16 đợi đến lượt mình. Trước khi vào xe buýt chọn mua rau, người dân được nhân viên xe xịt rửa tay sát khuẩn theo đúng trình tự đã quy định.
Trước khi lên xe buýt mua rau, người dân phải thực hiện đúng "thủ tục", tuân thủ theo khuyến cáo 5K của Bộ Y Tế
Theo nhân viên trên trên xe, mỗi ngày xe bán khoảng 50kg rau củ, chia ra trong 2 buổi, buổi sáng từ 9 - 11h, buổi chiều từ 15 - 17h, vào lúc 20h tối xe buýt sẽ phải về lại bến và nhân viên điều phối sẽ cập nhật lịch đến các điểm khác nhau.
"1 KÝ 28 NGHÌN CÒN MUA 100GRAM THÌ BÁN 2 NGHÌN"
Bên ngoài xe buýt chị Nguyễn Tuyết Lan (26 tuổi) cho biết, trước đó mình đã được tổ trưởng khu phố thông báo sẽ có xe buýt bán rau đến nên từ 9h sáng chị đã cất công đợi để mua.
"Nhân viên trên xe dễ thương lắm. Cần cái nào thì nói cho họ lấy cái đó. Mà bán giá rất ngộ, 1 ký thì 28 ngàn nhưng tui chỉ mua 100gr thôi, cô bán rau cũng bán mà bán với giá 2 ngàn 100gram". chị Tuyết Lan kể lại.
Nhiều người chỉ mua lẻ 100, 200gram, không có lẻ để thối lại khách, thay vì tăng giá cho tròn người bán rau lại không lấy số lẻ. Ví dụ như 2.800 đồng thì chỉ lấy của khách 2.000.
Bán giá gì mà ngộ hen?!
Tương tự chị Lan, cũng háo hức đợi xe buýt rau từ 9h kém, ông Nguyễn Sang (58 tuổi) cho biết tuy chỉ là việc mua rau thôi nhưng cảm giác độc đáo hơn bao giờ hết.
"Tui thấy lạ ghê, giống mấy đứa nhỏ chờ mua bánh, nhưng tui thấy được hỗ trợ đến mức này là quý lắm rồi. Mấy hôm nay nhà không có rau ăn cũng vất vả, đi mua thì cũng chẳng còn để mua. Giờ thì cứ yên tâm ở nhà chống dịch, sáng thì có xe rau củ quả, chiều thì có xe thịt đầy đủ lo gì nữa", ông Sang nói.
Các nhân viên trên xe từ không có việc làm nay cũng thoải mái hơn khi được phục vụ người dân mùa dịch bệnh.
Ngoài rau, của, quả, xe buýt còn có thêm gạo để bán cho người dân. Buổi sáng thường chỉ có rau củ còn buổi chiều sẽ có thêm thịt, cá luân phiên. Nhiều người bày tỏ sự an tâm khi biết có xe buýt bán rau tận nơi, mặc dù còn nhiều hạn chế về mặc số lượng xe và sự đa dạng hơn với rau củ quả nhưng vào lúc này tất cả những thứ cơ bản nhất họ đều chẳng phải lo nghĩ, quan trọng nhất vẫn là tinh thần "chống dịch" và sự tin tưởng vào các ban ngành, cơ quan chức năng ngay lúc này!
"Cô mong mỏi có thêm xe và thêm thịt cá cho dễ lựa chọn, mấy hôm trước cô nghe trên báo đài có nói về xe buýt chở rau này rồi nhưng phải canh lắm mới gặp, mà còn tuỳ thuộc vào lịch trình của xe", một người phụ nữ nói.
Ở chợ người ta còn mặc cả nhưng trên chuyến xe buýt này gần như không. Một mẩu chuyện nhỏ như việc 2.000 hay 2.800 đồng cũng đủ thấy người Sài Gòn vốn dĩ bao la, ấm áp.
Theo Trí thức trẻ
Nhận xét
Đăng nhận xét