TinTin là tên thường gọi của Lê Văn Tiến (31 tuổi, Huế) được một du khách đặt cho. Đây cũng là tên của nhân vật hoạt hình phiêu lưu và theo anh, nó khá giống với tính cách và đam mê “phiêu bạt” của mình. Văn Tiến có hơn 40.000 bức hình ghi lại hành trình trải nghiệm, 5 chuyến đi khắp các nước cùng chiếc nón lá Việt Nam, 8 lần sang Malaysia, 6 chuyến đi Thái Lan và 2 lần chu du khắp các nước Đông Nam Á. Trong đó, chuyến đi dài nhất là qua 8 quốc gia trong suốt 117 ngày.
Nón lá trở thành người bạn trong mọi hành trình
NVCC
Từ bỏ mức lương chục triệu
Những bức hình với cảnh sắc hùng vĩ, biển núi mênh mông được chụp tại các địa điểm nổi tiếng khiến nhiều người lầm tưởng: “Chắc là chàng trai lắm tiền nhiều của!” nhưng không ai biết rằng tuổi thơ của Tiến đượm buồn vì nỗi lo cơm áo gạo tiền.
“Ngày còn nhỏ, tôi đi học nửa buổi, thời gian còn lại bám lưng trâu, nhặt mảnh bom đạn để bán kiếm tiền. Nơi tôi sống ảnh hưởng rất nhiều bởi chiến tranh nên nghèo khổ. Nhưng tôi may mắn khi vẫn được đến trường và bây giờ là được đi để hiểu biết thêm về thế giới”, anh nói.
Lưu lại những khoảnh khắc kỳ vĩ của thiên nhiên với chiếc nón lá Việt Nam
NVCC
Có khoảng thời gian, ban ngày, anh làm hướng dẫn viên du lịch, chiều tối đến sáng sớm hôm sau lại trở thành lễ tân khách sạn với mong muốn kiếm thêm thu nhập. Nghỉ việc 3 lần, từ bỏ những mức lương hấp dẫn, anh nhận ra đam mê của mình là chu du khắp nơi để khám phá thế giới bên ngoài.
Chuyến đi đầu tiên sang 4 nước trong suốt 42 ngày với hơn 12 triệu đồng tiền tiết kiệm, về Việt Nam khi trong túi còn đúng 50.000 đồng. Anh cho rằng đây là chuyến đi tiền đề bắt đầu hành trình mơ ước của mình.
Nón lá trở thành cầu nối thân thiện
Lần đầu tiên anh Tiến đem theo nón lá trong chuyến đi 22 ngày sang Myanmar, Thái Lan, Lào vào năm 2017. Anh Tiến cho hay người nước ngoài rất thích nón lá Việt Nam, với những quốc gia không thể giao tiếp bằng tiếng Anh, chiếc nón lá trở thành cầu nối thân thiện để họ bắt chuyện và giao tiếp với nhau. Anh cho biết, nhiều người bản xứ đã ngỏ lời mua lại chiếc nón với giá 20 USD.
Tuổi 30, anh sống cho đam mê của mình NVCC
Tuổi 30, anh sống cho đam mê của mình
NVCC
“Tôi đem nón lá theo trong “Chuyến đi của cuộc đời” với dự định thăm 12 nước trong nửa năm. Tuy nhiên, khi đi được 7 nước, đến Indonesia thì gặp tai nạn phải phẫu thuật và nằm viện hết 12 ngày nên đành dừng lại”, anh kể.
Theo anh Tiến, nón lá rất khó bảo quản đường dài. Do anh đi theo kiểu tự trải nghiệm, thuê (hoặc mượn) xe máy các nước để đi vòng quanh nên rất dễ hỏng do chỉ buộc nón lá sau ba lô.
Mang trên mình chiếc nón lá, anh Tiến có dịp giới thiệu và quảng bá hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. “Người Tây yêu thích nó, vậy tại sao mình không đem ra nước ngoài check-in” là suy nghĩ của Tiến. Từ đó, nón lá trở thành người bạn trong hành trình của anh.
Sau những chuyến đi, anh có thêm kinh nghiệm và kỹ năng cho công việc mới, cũng là một hướng dẫn viên du lịch kiêm nghề nhiếp ảnh. “Tôi biết thêm những văn hóa, tôn giáo của các quốc gia, tự tin và tinh tế hơn. Hiện tại, tôi có cuộc sống an yên và công việc như ý”, anh nói.
Nón lá buộc sau balo trong suốt các cuộc hành trình NVCC
Nón lá buộc sau balo trong suốt các cuộc hành trình
NVCC
Tiền bạc không phải rào cản
Với anh, đi nhiều không đồng nghĩa với tốn nhiều chi phí. Với 4 triệu đồng, anh từng đi khắp 10 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong 14 ngày. Tùy thuộc mục đích chuyến đi như đi trải nghiệm hay hưởng thụ thì chi phí rất khác nhau.
“Tôi ở dorm (dạng phòng ngủ nhiều giường như ký túc xá) với giá 5 USD một đêm thay vì 1.000 USD cho phòng riêng lẻ. Tiền sẽ được ưu tiên cho trả vé cổng, ăn uống…”, anh Tiến nói.
Ngoài ra, theo anh Tiến, vốn tiếng Anh cùng nụ cười thân thiện cũng là cách để tiết kiệm tiền. Xin đi nhờ xe người bản địa, chọn xe buýt xuyên đêm để tiết kiệm thời gian và tiền khách sạn, ăn thức ăn địa phương vừa rẻ vừa biết thêm văn hóa. Với những kỹ năng làm hướng dẫn viên, anh có thể định hướng tốt hơn cho hành trình, tự tin và bình tĩnh xử lý những tình huống khó khăn.
Anh Tiến luôn nổi bật với chiếc nón lá Việt Nam
NVCC
Tư trang cá nhân là thứ cần được chú ý khi du lịch một mình. “Không nên giữ quá nhiều tiền mặt mà nên để một phần trong thẻ visa, không để lộ trang sức, điện thoại, máy ảnh đắt tiền. Ba lô, ví tiền, hộ chiếu phải giữ cẩn thận nếu không muốn hành trình bị gián đoạn”, anh chia sẻ.
Kế hoạch leo núi ở Nepal, khám phá Ấn Độ và lang bạt ở Sri Lanka là ước mơ lớn nhất của anh. “Khi hết dịch Covid-19, tôi sẽ đi. Chúng ta nên thoát khỏi “vùng an toàn” của bản thân để trải nghiệm thế giới”, chàng trai chu du khắp các nước cùng nón lá Việt Nam, nói về kế hoạch sắp tới. Theo thanhnien
Nhận xét
Đăng nhận xét