Ngôi nhà bên hồ xanh mướt của 5 người bạn thân ở Buôn Mê Thuột: "Quyết biến điều phù phiếm thành giá trị", xây dựng một nơi chốn đi về, cùng thưởng thức cuộc sống
5 người bạn gái không hẹn mà gặp, hữu duyên cùng nhau yêu xứ cao nguyên lộng gió. Rồi hò hẹn cùng dựng lên một ngôi nhà bên hồ. "Chúng tôi không mơ về lầu son dát vàng, chỉ mộng về một nơi đùa với hoa, ngủ với lá, mộng mơ cùng bờ hồ mênh mang sóng nước".
5 cô gái Nguyễn Hồng Phúc, Đỗ Thu Trang, Nghiêm Thị Kim Dung, Nguyễn Phương Thư, Nguyễn Chi Lan là bạn thân, chơi chung đã khá lâu. Họ cũng từng hợp tác kinh doanh chung, cùng nhau đi du lịch. Trong một dịp tới thăm Buôn Mê Thuật, 5 cô gái đã bị mê mẩn bởi khí hậu của vùng đất cao nguyên, nhất là những khu vực gần hồ mát mẻ.
Ban đầu, họ cùng nhau mua chung mảnh đất ven hồ. Rồi sau đó lại nảy ra ý tưởng cùng xây dựng một ngôi nhà để có nơi chốn đi về cùng nhau, thưởng thức cuộc sống.
5 cô gái từ những miền đất khác nhau, nhưng cùng chung lý tưởng và cùng nhau bắt tay vào việc xây dựng ngôi nhà mơ ước. Họ tự mình "trực chiến xây dựng", cùng nhau góp ý để thực hiện ngôi nhà chung. "Chúng tôi thực hiện hiện thực hóa những "mộng mơ hoa lá cỏ cây". Quyết tâm biến phù phiếm thành giá trị, đó cũng là 1 lần muốn biến giấc mơ thành hiện thực", Nguyễn Hồng Phúc nói.
Ngôi nhà bên hồ của 5 cô gái tọa lạc ở Cư Kuin, Đak Lak, cách trung tâm BMT chừng 12-15km, cách sân bay chừng 10km. Ngôi nhà chung được xây dựng trên khu đất 1150m2 với 3 cụm chính: Nhà chính, nhà gỗ và khu vực sân vườn. Trong đó, khu vực nhà chính là ngôi nhà được xây kiên cố với gam màu trắng chủ đạo. Diện tích nhà 75 m2 với phòng khách, bếp chung, 2 phòng ngủ, 1 phòng tắm và 2 hàng hiên có mai che để ngồi đọc sách, trò chuyện
Bên cạnh nhà gạch là hồ cá chép tạo khoảng mát và ngắm cảnh.
Phòng khách tối giản, tụi mình chỉ đặt một bàn trà kiểu Nhật vừa là nơi tiếp khách vừa là bàn ăn cơm.
Nhà gỗ được xây dựng thành 2 tầng để có view hồ nhìn từ trên cao, trong nhà có 1 quầy bar nhỏ, một bài bàn ăn, bàn trà cà phê view hồ xinh xắn
Khu nhà còn có cả cầu cảng gỗ kéo dài sát mép hồ, sàn 3x3m đủ để cắm 1 lều, ngắm cảnh sông nước, một nhà tắm lộ thiên để các bạn chèo sup xong về tha hồ tắm và "sống ảo".
Toàn bộ khu đất được xây hàng rào trắng, khu sát mép hồ dựng hang rào nâu vừa thẩm mĩ cũng bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ khi chạy nhảy chơi gần khu vực này.
Khu vực sân vườn trước và sau được trồng các giống cây bản địa, dễ sống và dễ chăm. Bố trí phù hợp theo hướng nắng, hướng gió và tính chất mùa của khu vực Tây Nguyên, trồng cỏ cây hoa lá full đất, nói không với beton hóa, lát sân xi măng như mọi người thường làm.
Ban đầu, nhiều người góp ý nên lót gạch hết sân vườn cho sạch đẹp, không mất công bảo dưỡng như trồng cỏ. Tuy nhiên, cả nhóm quyết tâm trồng cây cỏ, phủ xanh sân vường bởi "về quê rồi mà còn bê tông hoá thì thôi ở phố cho lành". Hơn nữa, việc trẻ con có thể thực sự chạy nhảy trên cỏ, cả nhóm bạn cũng quây quần trò chuyện trên thảm cỏ xanh là điều hấp dẫn hơn nhiều. Đó cũng là điều mà cả nhóm bạn ưng ý nhất tại ngôi nhà chung.
Do thời gian gấp rút, nhóm bạn bắt tay xây dựng ngôi nhà luôn mà không có bản vẽ trước. Nhờ kinh nghiệm sống từng tham gia vào nhiều dự án xây dựng nên 5 cô gái trực tiếp tham gia giám sát quá trình xây dựng cùng thợ địa phương.
Trước khi bắt tay vào "hiện thực hóa" ngôi nhà mơ ước của cả nhóm, 5 người bạn đã tham khảo rất nhiều hội nhóm để chắt lọc ý tưởng. Họ hiểu rằng, bản thân không phải nông dân, không thể 4 giờ sáng cầm cuốc đi làm rẫy rồi sống trong nhà tranh, wifi chập chờn. Bởi vậy, họ thiết kế ngôi nhà chung vừa dân dã vừa hiện đại, có sân vườn, ao cá nhưng vẫn đảm bảo tiện nghi nhất có thể cho cuộc sống.
Bàn về xu hướng "bỏ phố về quê" mà hiện nay nhiều người mong ước, Chi Lan nói: "Cái quan trọng vẫn là thực tế về kinh tế. Công việc cá nhân của chúng tôi vẫn phải duy trì. Ngoài thời gian tụ tập, sinh sống tại ngôi nhà chung, chúng tôi vẫn cho thuê dạng homestay. Hy vọng, trong thời gian tới, mọi thứ ổn định thì sẽ có thêm nguồn thu nhập thụ động từ việc kinh doanh homestay. Ngôi nhà của chúng tôi dựng lên từ đất đã mua trc đó của mình lun nên không phải lo cảnh dịch dã, không có khách thì vẫn è cổ trả tiền nhà".
Ảnh: NVCC
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Nhận xét
Đăng nhận xét