Nếu ai tham gia mạng xã hội, đặc biệt là nền tảng Tiktok thì ít nhiều biết đến tài khoản "Lâm Ống Húc" với những video đi trao tặng những chiếc bánh, hộp khẩu trang, chai nước suối... cho những cô, chú cơ nhỡ và đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Được biết chủ tài khoản trên đó là anh chàng 9x Phạm Tùng Lâm, 30 tuổi, làm thiết kế nội thất gỗ tại TP.Thủ Đức, TP.HCM. Hơn 1 tháng này, anh Lâm đã đi khắp các con đường ở TP.HCM để làm thiện nguyện.
Luôn muốn tự thử thách bản thân
Theo chân anh Lâm rong ruổi trên các con đường thuộc Q.4, Q.7, TP.HCM vào sáng ngày 4.8, chúng tôi luôn cảm nhận được tình cảm của anh dành cho mọi người, sau khi trao quà xong, chàng trai 9x này không quen nhắc nhỡ cô, chú luôn bảo vệ bản thân, giữ gìn sức khỏe thật tốt. Đặc biệt qua các chốt chặn thì nhiều chiến sĩ công an đã “quen mặt, biết tên” nhận ra anh Lâm và không quên kèm theo những lời nói: “anh Lâm Ống Húc, qua đi anh”.
Chiếc xe gắn máy được người em cho mà anh Lâm hay gọi là "cà tàng" Ảnh: Tấn Đạt
Chiếc xe gắn máy được người em cho mà anh Lâm hay gọi là "cà tàng"
Ảnh: Tấn Đạt
Quần sọt, áo jean bụi cùng đôi dép lào và ngồi lọt thỏm trong chiếc xe máy nhỏ nhắn… là những hình ảnh mà chúng tôi ấn tượng với anh Lâm. “Tôi thấy vui và hãnh diện vì đã làm những việc mà nhiều người không làm được”, anh Lâm thẳng thắn nói.
Anh Lâm đau đáu trong lòng vì nhiều người phải ngủ ngoài đường trong những ngày TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 Ảnh: Tấn Đạt
Anh Lâm đau đáu trong lòng vì nhiều người phải ngủ ngoài đường trong những ngày TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16
Ảnh: Tấn Đạt
Một trong những nguyên nhân chính để chàng trai 30 tuổi quyết tâm đi làm thiện nguyện gần một tháng nay vì muốn trả ơn cho đời từ câu chuyện của ông nội mình.
Anh Lâm kể lại: “Ông nội tôi ở Q.Gò Vấp, cũng hơn 70 tuổi rồi đầu óc không còn minh mẫn nữa. Vào ngày 4.7 vừa qua, không may ông đi lạc, tôi lo lắm. Tìm ông trong những ngày TP.HCM đang giãn cách xã hội tôi vô tình bắt gặp những hình ảnh cũng là ông nội, bà ngoại hay những người cha, người mẹ của người khác không có chỗ ngủ, phải nằm vật vã ngoài đường. Hoặc đi lang thang tìm miếng ăn. Và còn rất nhiều người khác phải “chôn chân” giữa Sài Gòn trong những ngày dịch giã như thế, hoặc họ không có gia đình hay không biết đi đâu về đâu”.
Rong ruổi khắp nẻo đường. Từ khi TP.HCM quy định giờ nghiêm thì anh Lâm cố gắng hoàn thành việc thiện nguyện trước 18 giờ Ảnh: Tấn Đạt
Rong ruổi khắp nẻo đường. Từ khi TP.HCM quy định giờ nghiêm thì anh Lâm cố gắng hoàn thành việc thiện nguyện trước 18 giờ
Ảnh: Tấn Đạt
Sau vài ngày tìm kiếm anh Lâm thấy được ông nội của mình đang ngủ dưới mái hiên nhà người dân. “Lúc về tôi có hỏi “mấy ngày đó ông nội sống sao?”, rồi ông lắp bắp nói có người dân đi đường thấy tội nghiệp nên phát cơm ăn, cho ngủ nhờ, có người còn cho tiền dằn túi nữa. Khi tìm được ông nội, tôi suy nghĩ: “Giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ai ở yên nhà đó, nhưng những người không có nhà thì phải làm sao? Để trả ơn cho đời đã giúp ông và giải quyết những tâm tư đó, tôi bắt đầu đi trao quà vào ngày 7.9 cho đến bây giờ”, anh Lâm chia sẻ.
Rồi anh Lâm còn nói: “Tôi sống hướng ngoại, không bao giờ muốn chôn chân mình trong phạm vi an toàn. Luôn muốn tự thử thách bản thân hay làm cái gì đó khác người ta. Tôi thích làm những gì người khác không dám làm hoặc sợ”.
“Người nghèo vẫn còn cái tình của họ”
Mỗi ngày anh Lâm trao tặng gần 200 phần quà gồm bánh mì, bánh bông lan, hộp khẩu trang có những đợt thì chở thêm nước suối, trứng gà, sữa... Anh Lâm cho hay những nhu yếu phẩm anh phát là do nhà hảo tâm tài trợ. Tuy quà không đáng bao nhiêu nhưng trong đó chất chứa nhiều tình cảm mà anh dành cho mọi người.
“Những ngày này, khó khăn nhất là trên đường đi trao tặng mỗi khi đói hay khát nước thì không tìm được hàng quán. Phải tạm dừng công việc tại xưởng. Rồi chiếc xe nhỏ nên chở được ít nhu yếu phẩm. Có khi chất lên nhiều quá xe bị đổ. Trong lượt đi thì ít khi bị chặn lại vì mấy anh 'áo xanh' nhìn cái là biết đi làm thiện nguyện liền, còn lượt về đôi khi chạy đường khác nhưng chiếc xe đã trống trơn phải bị lấy lời khai” nhiều lắm mới được về nhà”, anh Lâm nói.
Anh Lâm mong góp chút sức của mình để giúp đỡ bà con khó khăn Ảnh: Tấn Đạt
Anh Lâm mong góp chút sức của mình để giúp đỡ bà con khó khăn
Ảnh: Tấn Đạt
Anh Lâm chia sẻ ngoài việc thực hiện tốt khuyến cáo 5k, thì bản thân anh luôn chủ động xét nghiệm nhanh Covid-19 hai ngày/lần. Gần một tháng nay, dù nắng gắt hay mưa to, anh chàng 9x vẫn luôn vui vẻ trong công việc thiện nguyện này. Bên cạnh đó, ít ai biết rằng vào năm anh Lâm 11 tuổi ba anh đã qua đời vì căn bệnh nan y. Anh phải lao đầu vào công cuộc mưu sinh ngày từ khi còn nhỏ.
Đứa bé theo mẹ lang thang mưu sinh hay chú xích lô làm anh Lâm nhớ đến ký ức cơ cực nhưng không kém phầm đẹp đẽ của mình Ảnh: Tấn Đạt
Đứa bé theo mẹ lang thang mưu sinh hay chú xích lô làm anh Lâm nhớ đến ký ức cơ cực nhưng không kém phầm đẹp đẽ của mình
Ảnh: Tấn Đạt
Anh Lâm cho hay: “Ba tôi cũng từng là người lang thang cơ nhỡ, cũng đã đạp nhiều cuốc xích lô, chạy xe ôm ngoài đường để có tiền trang trải cuộc sống. Bao ngày qua, tôi đi tặng quà cho cô, chú tôi luôn thấy hình ảnh của ba tôi”.
Anh Lâm còn tâm sự: “Lúc 11 tuổi, 5 giờ sáng đã thức dậy vác một cái bao trên vai, đi bới từng thùng rác của nhà dân, lội sông tìm những chiếc ly nhựa, lon sữa để bán ve chai kiếm tiền. Những người kết thân với tôi lúc đó là những chú xe ôm, thằng nhóc cùng 'nghề' hay đó chỉ là cô bán chè, trà đá gần nhà. Chúng tôi có điểm chung là cùng… nghèo nên thông cảm với nhau”.
Anh Lâm nhận ra cái tình người trong sự khốn đốn, nghèo khó Ảnh: Tấn Đạt
Anh Lâm nhận ra cái tình người trong sự khốn đốn, nghèo khó
Ảnh: Tấn Đạt
"Tôi vẫn nhớ như in cái hình ảnh bác xe ôm cho tôi nửa ổ bánh mì lúc bụng tôi đói cồn cào, cô bán trà đá chờ tôi về để cho chai nước mát lạnh. Hay có những thằng bạn đi lượm ve chai cùng mỗi khi thấy tôi ít 'hàng' quá thì chia cho tôi một mớ. Tôi chợt nhận ra người nghèo như mình cũng có tình có nghĩa của họ”, anh chàng 9x trải lòng.
Lâm Ống Húc chứ không phải Lâm “Ống Hút”
Anh Lâm chia sẻ ngày xưa anh cũng hay làm đồ “handmade” bằng ống hút để truyền cảm hứng cho bạn bè về việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, khi đặt biệt danh thì anh Lâm lại chọn là “Húc” thay cho “Hút”. “Tên đó phát âm dễ hơn, mộc mạc và không kém phần... cục súc”, anh Lâm hài hước nói.
Hiện tại, chưa đầy một tháng sau khi tạo, tài khoản Tiktok của anh chàng 9x này đã có hơn 50.000 lượt theo dõi với hơn 1 triệu lượt tim trên tổng số video mà anh đăng tải.
Nhận xét
Đăng nhận xét