THANH NIÊN - Đó là lời kể của những dân quân thường trực thuộc Ban Chỉ huy quân sự Q.Phú Nhuận, đang là tình nguyện viên hỗ trợ tòa nhà A3 và A5 trong khu B, Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM. Một chàng trai bộc bạch: “Chúng tôi đội mưa nắng riết nên quen rồi. Nhưng cơm và nước cho người đang cách ly thì không được ướt nước mưa”.
Không chỉ phát cơm, nước cho từng phòng, từng người trong khu cách ly, mỗi ngày họ còn kiêm nhiệm đủ các công việc khác như nhận và trao đồ tiếp tế của người nhà gửi vào, dọn rác sinh hoạt, dọn phòng cho người đã hoàn thành cách ly để nhận thêm người cách ly mới...
Sáng 4.8: TP.HCM thêm 2.365 ca Covid-19, tổng cộng hơn 105.000 bệnh nhân
Làm việc bất kể ngày đêm
Nguyễn Quốc Khánh, Tiểu đội trưởng tiểu đội dân quân thường trực, Ban Chỉ huy quân sự P.1, Q.Phú Nhuận, từng hỗ trợ trong khu cách ly hồi tháng 3.2020, khi sinh viên nước ngoài về phải cách ly tập trung tại khu A. Đợt dịch bùng phát mạnh tại TP.HCM này, anh đăng ký tham gia vào khu B. “Tôi báo cáo chỉ huy để được chống dịch lần này. Tối 14.6 tôi đã soạn hết đồ đạc quân tư trang, đồ thiết yếu dài ngày. Sáng 15.6, chúng tôi có mặt tại Ban Chỉ huy quân sự Q.Phú Nhuận, sẵn sàng lên đường”, Khánh kể.
Khánh kể thông thường, 5 giờ 30 sáng, Khánh và mọi người bắt đầu một ngày làm việc. 6 giờ xe tải giao cơm đến, 4 tiểu đội (mỗi tiểu đội 10 người) thực hiện tất cả các nhiệm vụ do chỉ huy phân công. Tiểu đội 1 đảm nhiệm phát cơm tòa A3, tiểu đội 2 phụ trách tòa A5, tiểu đội 3 đảm nhiệm thống kê dữ liệu số người cách ly trên danh sách mà y tế đã gửi qua để chia cơm sao cho đủ, tiểu đội còn lại làm nhiệm vụ dọn vệ sinh nơi ăn ở.
Khánh cho hay 2 tòa A3 và A5 đều có 9 tầng, 1 tầng trung bình có 50 người đang cách ly. Mỗi người trong tiểu đội của các anh làm 1 tầng, phát cơm, nước xong sẽ dọn rác sinh hoạt. 10 giờ 30 và 16 giờ 30, xe tải cơm trưa và cơm chiều sẽ tới, các công việc tuần tự diễn ra. Xen giữa các khoảng thời gian trên, họ tới cổng để nhận đồ tiếp tế người nhà gửi, phân loại và gửi tới từng phòng.
“Ngày nào cũng thế, khi nào mọi người cách ly đã ăn uống đầy đủ, tôi và các đồng đội mới ăn cơm. Có khi 21 giờ 30 tối, mọi người mới cầm hộp cơm. Cởi bỏ đồ bảo hộ ra, bộ quần áo các anh mặc ướt sũng, vắt ra nước chảy tong tong. Có những ngày, 2 giờ sáng, 4 giờ sáng có người mới vào cách ly, chúng tôi lập tức làm nhiệm vụ. Bộ phận đi phun khử khuẩn, nhóm soạn mùng mền chiếu gối đầy đủ cho người mới vào. Hay nếu có ca F0 phải chuyển nơi điều trị, những bạn phụ trách khẩn trương đi xịt khuẩn phòng, thời gian này bất kể lúc nào”, Khánh kể.
Sau giờ phát cơm, họ đi nhận đồ tiếp tế cho người cách ly NVCC
Sau giờ phát cơm, họ đi nhận đồ tiếp tế cho người cách ly
NVCC
Ai cũng sợ thì bao giờ chúng ta chiến thắng dịch bệnh ?
Tình nguyện vào hỗ trợ trong khu cách ly, Khánh và các đồng nghiệp không ít lần nghe được những câu hỏi từ nhiều người như “nguy hiểm vậy sao không ở nhà, lỡ nhiễm Covid-19 có phải phiền gia đình không?”, “Bộ không sợ chết hả?”. Tuy nhiên, các anh luôn nhủ với chính mình và nói với người thân “Ai cũng sợ thì ai đi chống dịch và đến bao giờ chúng ta mới chiến thắng được dịch bệnh?”.
“Những ngày đầu mới đến đây, chúng tôi gặp những hình ảnh cảm động, những chiến sĩ dân quân ngả lưng ngay hành lang ký túc xá, những y bác sĩ làm việc như con thoi. Hay đồng đội của chúng tôi có người nhận tin người thân qua đời nhưng không thể về, chúng tôi động viên bạn và cùng tự nhủ với nhau ráng vượt qua những khó khăn lúc này. Chúng tôi cũng động viên chính những người đang cách ly, tuân thủ nghiêm các quy định, hợp tác với tình nguyện viên, cán bộ nhân viên y tế, để TP.HCM sớm chiến thắng dịch bệnh, tất cả chúng ta sẽ trở về những ngày bình yên như trước”, Khánh bộc bạch.
Mỗi ngày, Khánh và các đồng đội vui trong lòng khi thấy từng phần cơm, nước, những thùng nhu yếu phẩm được gửi tới từng người. Anh đọc được niềm vui trong ánh mắt người thân của những người cách ly tại đây. Chắc chắn họ biết rằng người đang trong phòng cách ly vẫn khỏe mạnh.
Khánh và đồng đội không nói trước với gia đình ngày nào sẽ trở về. Mốc thời gian chung, anh và đồng đội hứa hẹn với mọi người là “Khi TP.HCM hết dịch Covid-19”. Mỗi tối, họ gọi điện cho người thân, động viên ngược lại gia đình và “một nửa” của mình, để được tiếp thêm năng lượng tích cực, tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ trong những ngày tới.
Nhận xét
Đăng nhận xét