Chùa Non Nước Ninh Bình – chốn tâm linh vừa cổ kính vừa thơ mộng
Bên cạnh chùa Bái Đính nức tiếng gần xa thì chùa Non Nước Ninh Bình với khung cảnh bình yên, thơ mộng như họa cũng khiến bao người phải say mê “quên lối về”.
Đôi nét về chùa Non Nước Ninh Bình
Chùa Non Nước là một ngôi chùa cổ tọa lạc dưới chân núi Non Nước, nàm bên bờ sông Đáy và cửa sông Vân, thuộc phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, đồng thời cách Hang Múa 7km và cách Tràng An khoảng 9km.
Chùa Non Nước cổ kính (Ảnh @npq91)
Ngôi chùa được xây dựng bởi quốc sư Nguyễn Minh Không dưới thời vua Lý Nhân Tông, sang thế kỷ 13 dưới thời Trần thì được trùng tu lại bởi nhà sư Trí Nhu và được danh sĩ Trương Hán Siêu đặt cho một cái tên khác là “Dục Thúy Sơn”.
Nơi đây không chỉ là nhân chứng cho lịch sử chuyển giao chế độ quan trọng giữa nhà Đinh và nhà Lê mà còn là vị trí thiết yếu trong chiến lược ở ngã ba sông Đáy – sông Vân – quốc lộ 10 vào kháng chiến chống Pháp. Trải qua hơn 700 năm dưới sự tàn phá của chiến tranh và sự khắc nghiệt thời gian thì ngôi chùa Non Nước Ninh Bình đã bị hư hại khá nhiều, vậy nên vào năm 2006 chùa đã được trùng tu và khánh thành lại để du khách vào tham quan.
Một góc bình yên trong chùa (Ảnh @antheaizza)
Ngày nay, công trình này không chỉ là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc Gia mà còn là điểm du lịch tâm linh quan trọng của Ninh Bình mà khách hành hương không thể bỏ qua trong chuyến du lịch của mình.
Vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính của chùa Non Nước Ninh Bình
Chùa Non Nước ở Ninh Bình được xây dựng hoàn toàn bằng đá vững chãi và chắc chắn trong khuôn viên rộng tới 2.000 m2.
Công trình nổi bật nhất là chính điện nằm ở trung tâm được tô điểm bằng hệ thống mái kép, lợp ngói màu xanh đỏ bắt mắt quen thuộc. Mái chùa được thiết kế theo phong cách truyền thống với phần đuôi cong vút lên trời trông như một thanh đao sắc bén, phần đỉnh được trang trí bởi những nét chạm trổ rồng phượng uốn lượn điệu đà, cuốn hút.
Tòa chính điện nổi bật ngay khi nhìn từ xa. Ảnh: Ximgo
Bên trong đền chính thì được đặt một bức tượng Phật khổng lồ được dát vàng ở chính giữa, hay bên là những bức tượng phụ. Đây cũng là nơi để đón tiếp du khách đến hành hương, lễ bái và cầu nguyện mỗi ngày nên không gian lúc nào cũng nghi ngút khói hương, đem đến cảm giác linh thiêng và kỳ bí.
Thắng cảnh núi chùa Non Nước. Ảnh: Sở du lịch Ninh Bình
Ngôi chùa Non Nước còn có 2 cổng, một cổng ở hướng Bắc và một cổng ở hướng Nam, trong đó cổng hướng Nam được người dân đi lại nhiều nhất, cũng là nơi mà dân làng thường thả cá chép để tiễn ông Công ông Táo về chầu trời trong dịp giáp Tết.
Ngay khi bước chân qua cánh cổng bạn sẽ bắt gặp bức tượng Quan Thế Âm bằng đá trắng muốt được điêu khắc tỉ mỉ, đang nhìn xuống chúng sinh với ánh mắt từ bi. Và khi đi dọc lối vào cũng có rất nhiều những bức tượng đá trong nhiều tư thế khác nhau: chỗ thì có ông cụ đang ngồi vuốt râu suy tư bên ghế đá, chỗ thì có bà cụ móm mém đang nhau trầu…tạo nên một khung cảnh sinh động đến lạ.
Tượng Bồ Tát hiền từ ngay gần cổng chào đón du khách (Ảnh @imdn.syl)
Đặc biệt, bao phủ khuôn viên chùa Non Nước Ninh Bình là rất nhiều cây xanh, từ cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi cho đến những chậu bonsai được cắt tỉa tỉ mỉ thành nhiều hình dáng độc đáo, thậm chí còn có cả những dàn cây leo phủ kín cả bờ rào, vậy nên nếu đi thuyền từ xa nhìn lại lúc ngôi chùa đang chìm trong sương mù sáng sớm bạn sẽ thấy nơi đây giống như một chốn bồng lai đầy huyền ảo và thơ mộng vậy.
Đến nỗi mà vẻ đẹp của nó không chỉ ở trong cảm nhận hay dưới cái nhìn của du khách tham quan mà còn đi vào thơ ca của những nhân sĩ nổi tiếng như Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi và Trương Hán Siêu, điển hình là trong bài “Dục Thúy Sơn” Nguyễn Trãi đã viết:
“Bóng tháp hình trâm ngọc
Gương soi ánh tóc huyền”
Hay vua Lê Thánh Tông cũng đã từng ca ngợi:
“Nơi gọi là Bồng, nơi gọi là Nhược
Hai bên góp làm Non Nước”
Hơn nữa, khi đứng trong sân chùa Non Nước bạn không chỉ được hít hà bầu không khí trong lành, thanh khiết, được nghe tiếng chuông chùa hay tiếng tụng kinh văng vẳng xua đi mọi phiền muộn mà còn có thể nhìn thấy kiến trúc độc đáo của cầu Ninh Bình, cầu Non Nước và cuộc sống êm đềm của cư dân trên dòng sông Đáy nữa đấy.
Tầm nhìn tuyệt đẹp ra cầu Ninh Bình (Ảnh: @phanthihaininh)
Ngoài ra, du khách cũng có thể ghé thăm đền thờ Trương Hán Siêu ngay bên cạnh để thắp nén hương tưởng nhớ công của ông trong việc phát hiện ra ngọn núi đẹp này hoặc leo 72 bậc thang đá rêu phong để lên đỉnh núi Non Nước ngắm trọn vẹn khung cảnh hữu tình của sông nước Ninh Bình và ngồi trong Nghinh Phong các (vọng lâu) để tận hưởng cảm giác các nhân sĩ thời xưa ngồi đón gió đàm đạo thơ văn thế nào, chắc chắn cũng sẽ là trải nghiệm không tồi đâu nhé.
|
Cách di chuyển đến chùa Non Nước Ninh Bình
Khoảng cách từ Hà Nội đến Ninh Bình khoảng 90km, đường lại khá thông thoáng và rộng rãi, vì vậy bạn hoàn toàn có thể phượt bằng xe máy với thời gian di chuyển chỉ khoảng 2 tiếng, riêng với ô tô sẽ chỉ mất 1 tiếng mà thôi. Theo đó, các bạn đi thẳng theo đường Giải Phóng qua Hà Nam là đến được địa phận Ninh Bình, sau đó tìm vị trí chùa cổ Non Nước rồi đi theo google maps là được.
Còn nếu bạn không có xe riêng hoặc không dám chạy xe đường dài thì có thể đến bến xe Giáp Bát và bắt xe buýt về Ninh Bình với giá vé khoảng 100.000 đồng / người / lượt.
Thời điểm lý tưởng để du lịch chùa Non Nước Ninh Bình
Giống như các ngôi chùa ở Ninh Bình khác, chùa Dục Thúy Sơn cũng mở cửa hàng ngày nên bất kỳ thời điểm nào trong năm bạn cũng có thể ghé thăm nơi đây. Tuy nhiên, sẽ là tuyệt vời nhất nếu bạn viếng chùa vào dịp Tết, vì lúc này thời tiết đã có chút nắng ấm không còn quá lạnh, lại được tham gia lễ hội đầu năm thú vị tại chùa và được ông đồ viết câu đối treo Tết mà không khí vẫn yên tĩnh, trong lành và không lo chen chúc như Bái Đính hay các ngôi chùa nổi tiếng khác.
Nét văn hóa truyền thống vào Tết vẫn được lưu giữ tại chùa (Ảnh @tuananhi)
Bạn đang muốn tìm đến một chốn nước non hữu tình như tranh để xua đi bao áp lực, phiền muộn của cuộc sống hối hả, vội vàng thì đừng bỏ qua chùa Non Nước Ninh Bình nhé.
Nhận xét
Đăng nhận xét