Nhiều nông dân tại huyện Đồng Phú chủ động thay đổi mô hình chăn nuôi sang chim trĩ, lươn không bùn tăng thu nhập
Nông dân tăng thu nhập nhờ nuôi chim trĩ, lươn không bùn
BÌNH PHƯỚCNhiều nông dân tại huyện Đồng Phú chủ động thay đổi mô hình chăn nuôi sang chim trĩ, lươn không bùn tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm tại chỗ.
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành thú y, năm 2011, chị Đỗ Thị Thanh Hương về xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú khởi nghiệp bằng nghề nuôi chim trĩ. Từ 30 con ban đầu, đến nay chị Hương không ngừng mở rộng quy mô lên 5.000 con, có đợt cao điểm lên đến 10.000 con. Đáp ứng nhu cầu thị trường, từ chỗ chỉ bán con giống, chim trĩ thương phẩm, nay chị Hương mở rộng cung cấp thêm trứng.
Theo chị Hương, dù bán thịt, nhân giống hay lấy trứng thì việc chăm sóc luôn yêu cầu bài bản, đúng quy trình. Nuôi chim trĩ phải bảo đảm đủ nhiệt độ khi úm; vaccine phòng bệnh và thuốc trị bệnh. Loại động vật này khá nhạy cảm với người lạ và thời tiết thay đổi. Về thức ăn, chim trĩ nuôi bằng các loại cám gà, cỏ voi, trộn thêm các loại hạt đậu nành, đậu xanh...
Những năm trước, ít người nuôi chim trĩ nên có giá bán khá cao, từ 400-450 nghìn đồng một cân và trứng chim khoảng 50.000 một quả. Hiện giá thịt khoảng180-200 nghìn đồng một cân, trứng khoảng 8-10 nghìn đồng một quả. "So với việc làm ruộng hay chăn nuôi lợn, gà thì việc nuôi chim trĩ vẫn đang đem lại thu nhập khá. Sắp tới, trứng chim trĩ của trang trại sẽ được nhập vào các hệ thống siêu thị nhỏ", chị chia sẻ.
Ngoài chim trĩ, lươn không bùn cũng đang được không ít nông dân tại địa phương đầu tư. Gia đình bà Bùi Thị Nhung ở ấp 6, xã Đồng Tâm học tập kinh nghiệm và mua giống từ miền Tây. Ban đầu bà Nhung chỉ nuôi trong 4 bể. Sau thời gian nuôi thấy khả quan, bà tiếp tục xây thêm 4 bể, nuôi tổng 24.000 con.
Theo bà Nhung, trước khi thả con giống phải xử lý bồn, khử mùi xi măng từ 15-20 ngày bằng cây chuối và cho nước sạch vào sẵn trong bồn. Quá trình nuôi, phải chú ý chế độ ăn uống, đảm bảo ngày 2 lần với các loại cám công nghiệp hoặc trùn quế; phân loại lươn theo trọng lượng phát triển; nước phải sạch, khi thay nước không xả ồ ạt để lươn thích nghi kịp và cứ một tuần hòa nước muối loãng tưới xung quanh bể một lần. Nuôi lươn không bùn không khó nhưng phải quan tâm, chú ý từng biểu hiện nhỏ của lươn để đàn sinh trưởng và phát triển hiệu quả. Quan trọng nhất là nước phải sạch. Nếu nước không sạch, lươn dễ mắc các bệnh như phù đầu, đốm, ghẻ, nấm...
Bà Nhung cho biết, thời điểm trước khi xảy ra Covid-19, lươn có giá hơn 200.000 đồng một cân, trong đại dịch dừng ở mức 150.000-180.000 đồng một cân. Hiện nay giá ban giao động ở mức 150.000 đồng, người nuôi vẫn có lời.
Ông Lê Nhân Sơn, cán bộ khuyến nông xã Đồng Tâm cho biết, nuôi lươn không bùn không lạ nhưng được xem là mô hình mới ở địa phương. "Trước mắt, so với một số mô hình khác thì nuôi lươn không bùn có nhiều triển vọng, có thể nhân rộng để phát triển kinh tế hộ gia đình", ông nói.
Nhận xét
Đăng nhận xét