ở Gia Lai trồng nên vườn nhãn xanh tốt, cho quả trái vụ, mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Trồng nhãn trái vụ trên đất cằn, lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Đến thôn Ring (xã H'Bông, huyện Chư Sê, Gia Lai) thăm vườn nhãn Hương chi của ông Phạm Mạnh Tưởng (51tuổi), thật sự ấn tượng trước vườn cây nhãn sum suê, tỏa bóng mát rượi đang vào mùa trổ hoa, kết trái.
Xã H'Bông nằm trên một quả đồi lớn, nơi quanh năm phải gánh chịu những đợt hạn kéo dài. Người dân trong xã chỉ biết nuôi bò, trồng mỳ để sinh sống.
Tìm một hướng đi khác, ông Tưởng đã mạnh dạn thử nghiệm mô hình trồng nhãn. Chỉ sau nhiều năm, vườn nhãn của ông phát triển tươi tốt. Bà con trong xã cũng không thể ngờ cây nhãn có thể sinh sôi trên mảnh đất cằn này.
Vừa cắt, tỉa cành nhãn, ông Phạm Mạnh Tưởng cho biết, năm 2010, ông cùng gia đình từ Hải Phòng vào Gia Lai kinh doanh nông sản. Lúc đó, ông thấy nhiều đất đai của bà con trong vùng bỏ hoang do nắng hạn, đất cằn cỗi, khó trồng trọt.
Sau nhiều tháng tìm hiểu các mô hình kinh tế tại địa phương, ông Tưởng mạnh dạn đưa giống nhãn Hương chi về trồng thử nghiệm ở vùng đất cằn cỗi này.
Trước khi trồng, ông Tưởng tìm hiểu về giống, kỹ thuật chăm sóc cây nhãn trái vụ trên mạng internet, truyền hình, sách báo. Không những thế, ông còn tham quan, học hỏi kinh nghiệm một số mô hình ở các tỉnh phía Bắc. Ông mong muốn phát huy những ưu điểm của giống nhãn Hương chi và tránh được rủi ro, sâu bệnh trong quá trình chăm sóc cây.
"Khi đã tìm hiểu kỹ về giống nhãn Hương chi, tôi thuê mảnh đất hơn 10ha bỏ hoang của những hộ nông dân trong thôn Ring để trồng thử nghiệm. Tiếp đó, tôi thuê máy xúc, nhân công cải tạo, đào đắp thành luống, san ủi để chuẩn bị cho việc xuống giống", ông Tưởng kể lại những ngày đầu trồng giống nhãn Hương chi xứ Bắc trên đất Gia Lai.
Theo ông Tưởng, đất ở xã H'Bông phần lớn nhiều sỏi đá, lại rất phù hợp với giống nhãn này. Thời tiết, khí hậu ở đây khắc nghiệt nhưng cũng không ảnh hưởng nhiều đến cây nhãn. Quan trọng, nông dân khi trồng cần tránh mùa mưa vì ở Gia Lai có 2 mùa rõ rệt.
Nói là làm, năm 2012, ông ra Hải Dương mua hơn 4.000 cây giống nhãn Hương chi để trồng trên mảnh đất rộng khoảng 8ha. Còn 2ha, ông Tưởng dành trồng tiêu. Thời điểm đó, ông đã đầu tư hàng trăm triệu đồng đầu tư giống, hệ thống tưới tiêu, nhân công chăm sóc cây nhãn.
Kể từ ngày bắt tay gây dựng, vườn nhãn của ông Tưởng đơm hoa kết trái và cho thu hoạch. Thấy vườn nhãn bước đầu thuận lợi và cho nhiều quả, ông Tưởng phá bỏ vườn tiêu 2 ha của mình để trồng thêm 1.000 gốc nhãn Hương chi.
"Nghề trồng nhãn trái vụ khá công phu. Để có nhãn chất lượng cao, người trồng phải áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, tỉa cành đúng cách thì mới đạt năng suất cao, phát hiện kịp thời sâu bệnh để tránh lây lan ra cả vườn", ông Tưởng cho biết.
Cũng theo ông Tưởng, ngoài việc chọn giống có nguồn gốc đảm bảo, người trồng cần chú ý đến kỹ thuật chăm sóc. Giai đoạn một tháng đầu là lúc cây phát đọt, cần chăm chút nhất. Lúc này, người trồng cần thường xuyên quan sát để diệt côn trùng ăn lá làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây.
Yếu tố quan trọng nhất để quả nhãn phát triển tốt là khâu bỏ phân chuồng. Người trồng sử dụng nhiều phân chuồng để bón cho cây, hạn chế thấp nhất dùng thuốc hóa học. Mỗi mùa nhãn sẽ được bón phân 3 đợt trước khi thu hoạch.
Ngoài ra, việc cắt cành cũng rất quan trọng để kích thích nhãn phát triển tốt.
Nhãn trồng sau 2 năm là ra hoa. Từ lúc ra hoa đến khi thu hoạch là 7 tháng. Khi nhãn bắt đầu thu hoạch, ông Tưởng tỉa cành, chỉ để lại mỗi cây từ 30 - 40kg quả. Bằng kỹ thuật chăm sóc, người trồng có thể điều chỉnh nhãn trái vụ để bán giá cao.
Hiện vườn nhãn trái vụ của ông Tưởng có hơn 4.000 cây đang cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch từ tháng 10 năm trước đến tháng Giêng âm lịch năm sau.
Trước khi xuất ra thị trường, ông cũng phân loại 1 và 2 để phục vụ nhu cầu khách hàng.
Với giá bán tại vườn 20.000 - 25.000 đồng/kg, mỗi năm vườn nhãn của ông thu lãi hơn 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Thị trường tiêu thụ của ông không chỉ trong tỉnh mà cả ngoài tỉnh như Huế, Đà Nẵng, TPHCM.
Sau thành công đó, vườn nhãn của công được nhiều nông dân trong vùng tới tham quan và học hỏi kinh nghiệm.
Theo ông Tưởng, đến nay, ở huyện Chư Sê đã có nhiều nông dân chuyển đổi những cây kém hiệu quả sang trồng nhãn Hương chi. Điều đó cũng khiến ông phấn khởi vì giúp được nhiều hộ dân thoát nghèo.
Nhận xét
Đăng nhận xét