đông đảo người dân Thủ đô và du khách đến tham quan Di tích lịch sử Nhà 48 Hàng Ngang, Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Đông đảo du khách tìm đến những địa chỉ đỏ ở Hà Nội trong dịp Tết Độc lập
Di tích nhà tù Hỏa Lò là “Địa chỉ đỏ”, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ của Thủ đô.
Di tích Lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, nơi minh chứng về sự hy sinh, chịu đựng gian khổ, tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất trước kẻ thù của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam.
Di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng là một địa điểm được nhiều du khách nước ngoài lựa chọn khi đến Việt Nam -
Bạn Nguyễn Hoài Anh - sinh viên Học viện Ngoại giao (Hà Nội) - cho biết đến di tích Nhà tù Hỏa Lò vào ngày đặc biệt, hơn nữa đây còn là địa điểm có nhiều di vật lịch sử, đến đây bạn cảm thấy rất bồi hồi và niềm tự hào dân tộc bỗng rõ hơn bao giờ hết.
"Khách đến thăm Nhà tù Hỏa Lò rất đa dạng, nhưng nhiều nhất là người trẻ. Thời gian gần đây mình thấy di tích Nhà tù Hỏa Lò có những chiến dịch quảng bá nhắm trọng tâm đến những người trẻ như mình, cách quảng bá rất gần gũi nhưng không kém phần hóm hỉnh. Đó có thể là những gợi ý khiến mình và nhiều bạn trẻ tự tìm đến đây để tìm hiểu, dần dần rút ngắn khoảng cách và yêu lịch sử hơn", bạn Hoài Anh nói thêm.
Nhà tù Hoả Lò là di tích lịch sử minh chứng cho cả một thời kỳ gian lao, biểu tượng cho ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất của những người Việt Nam yêu nước. Với lớp người lớn lên trong hoà bình, Hoả Lò là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, yêu lịch sử, thêm thấu hiểu và cảm phục cha ông.
Ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang nằm trong khu phố cổ của thủ đô Hà Nội. Nơi đây, năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm tháng trôi qua, căn nhà 48 Hàng Ngang nay được mở cửa cho khách đến tham quan, tìm hiểu. Căn nhà mãi đi vào dòng chảy lịch sử của dân tộc, trở thành một di tích lịch sử thiêng liêng.
Trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945, ngôi nhà là nơi làm việc của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập, đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đây cũng là nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở trong những ngày đầu trở về Hà Nội và ra những quyết định có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với dân tộc Việt Nam.
Tại căn phòng trên tầng 2 của ngôi nhà 48 Hàng Ngang này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo "Tuyên ngôn Độc lập" khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Theo tài liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh, "Người nói, đây là giờ phút sung sướng nhất trong cuộc đời tôi. Tôi đã viết nhiều, nhưng lúc viết Tuyên ngôn Độc lập là lúc lòng tôi sung sướng nhất". Bản Tuyên ngôn Độc lập đã được Người trịnh trọng tuyên bố trước hơn 50 vạn đồng bào Thủ đô và thế giới vào ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.
Tại tầng 2 của ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn căn phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban thường vụ Trung ương Đảng làm việc từ ngày 25/8-2/9/1945.
Chị Minh Lương, một du khách ở Đà Nẵng chia sẻ: "Những năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 nên không đi du lịch được. Năm nay dịch bệnh đã được kiểm soát nên gia đình tôi ra đây để du lịch và thăm quan các địa điểm nổi tiếng của Hà Nội, qua đó nhìn thấy những hình ảnh, kỷ vật có ý nghĩa của Bác Hồ tại căn nhà 48 Hàng Ngang này".
Nằm ở địa chỉ 28A, phố Điện Biên Phủ, Hà Nội,(trong tuyến tham quan Lăng Bác, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Hoàng thành Thăng Long), đã từ lâu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (BTLSQSVN) luôn là địa chỉ đến khám phá, tìm hiểu của du khách trong và ngoài nước. Ngay từ cổng vào, phía tay trái hình ảnh lá cờ Tổ quốc bay phấp phới trên Cột cờ Hà Nội đã gây sự chú ý của du khách. Tiếp đó là hình ảnh khẩu pháo 105 ly, một trong hai khẩu pháo mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 cùng chiếc MIG 21 có gắn 14 ngôi sao, thể hiện 14 lần máy bay đã lập chiến công trong kháng chiến chống Mỹ… đã thực sự gây ấn tượng, sự tò mò của du khách, nhất là khách quốc tế.
Bảo tàng có hệ thống trưng bày trong nhà và ngoài trời với diện tích lên tới 3.200m2. Ở khu trưng bày bên ngoài bảo tàng là những hiện vật chiến tranh có kích thước và tầm vóc to lớn, gắn liền với những thăng trầm và chiến thắng của dân tộc ta trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ.
Hệ thống bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam được chia thành 3 khu nhà 2 tầng chuyên trưng bày và lưu giữ hiện vật, tư liệu phục vụ hoạt động tham quan và tìm hiểu lịch sử quân sự. Ở tòa nhà đầu tiên gần cổng vào bên đường Điện Biên Phủ, tầng 1 là gian phòng trưng bày hiện vật lịch sử phản ánh công cuộc dựng nước và giữ nước của các vua Hùng đến trước năm 1930. Trên tầng 2 là khu trưng bày những hiện vật quân sự Việt Nam từ năm 1930 cho đến hết thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (năm 1954) và sa bàn chiến dịch lừng danh một thời – chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cột cờ Hà Nội, đây là di tích kiến trúc cổ độc đáo, đã được xếp hạng di tích kiến trúc lịch sử quốc gia năm 1990, cũng toạ lạc trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Chính di tích lịch sử này càng làm cho Bảo tàng đẹp hơn, hấp dẫn hơn…
Để người dân trong nước cũng như du khách quốc tế biết đến bảo tàng, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bổ sung tài liệu hiện vật, đổi mới nội dung trưng bày trong nhà và ngoài trời cũng như tổ chức các cuộc triển lãm chuyên đề tại Bảo tàng, hàng năm BTLSQSVN còn thường xuyên phối hợp với các bảo tàng trong và ngoài lực lượng vũ trang, các địa phương tổ chức các cuộc triển lãm lưu động.
Hàng năm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đón hàng vạn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập.
Có thể nói Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một thiết chế văn hóa giáo dục quan trọng, đã và đang góp phần vào sự nghiệp giáo dục truyền thống, chính trị tư tưởng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hiện nay, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa quân sự Việt Nam- một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa Việt Nam.
Nhận xét
Đăng nhận xét