Xúc động bài phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Thầy cô phải thực sự trong sáng mới dạy được những công dân trong sáng
Ảnh: Cổng thông tin điện tử Sở giáo dục và đào tạo Vĩnh Phúc.
1. Giáo dục mầm non phải giữ được sự hồn nhiên cho lớp thế hệ công dân tương lai
Chúng tôi nghĩ, giáo dục phải là môi trường đòi hỏi những nguyên tắc căn bản, những kiến thức nền, những chuẩn mực, gọi là “khuôn vàng thước ngọc”. Giáo dục cần sự ổn định, thế nhưng thực tiễn lại đòi hỏi chúng ta phải đổi mới liên tục, vậy thì vấn đề ở đây đặt ra là đổi mới thế nào để vừa đáp ứng được nguyên tắc, chuẩn mực của nghề, mà cũng đáp ứng được yêu cầu đổi mới của ngành, của xã hội?
Bác Hồ nói về giáo dục đã căn dặn: "Dạy mẫu giáo trước tiên phải dạy giữ mãi sự hồn nhiên cho các cháu". Chúng tôi cho ý của Bác như là tuyên ngôn của ngành Giáo dục mầm non. Các cô giáo phải làm sao để gìn giữ, duy trì sự hồn nhiên của lớp thế hệ công dân của chúng ta trong tương lai? – Đó là những vấn đề chúng ta phải trăn trở, tư duy.
2. Dạy đạo đức là nhiệm vụ hàng đầu của Giáo dục tiểu học
Cho đến giờ, hơn 50 tuổi rồi, nhưng tôi vẫn không bao giờ quên được những tiết học cấp 1. Tôi khẳng định với các đồng chí, những thầy cô giáo cấp 1 là những người đi vào tâm khảm của học sinh lâu nhất, nhớ nhất, và những tiết học mà chúng tôi nhớ nhất lại là những tiết học Đạo đức.
Những câu chuyện mà nghe có vẻ rất đơn giản nhưng nó lại làm cho chúng ta nhớ mãi, như câu chuyện: Tô mỳ của người lạ, giáo dục chúng ta về tình cảm, ứng xử đối với cha mẹ. Có thể chúng ta không làm thay đổi chương trình của các thầy cô được nhưng có lẽ chúng ta cần xen kẹp, tích lũy cho các em những vốn sống cao quý đó vào những buổi dạy, những tiết học.
Có một nhà sư phạm đã nói: “Giáo dục đại học là nơi đầu tiên của hội nhập nhưng Giáo dục tiểu học lại là nơi cuối cùng của gìn giữ bản sắc văn hóa, đạo đức của con người”. Tôi thực sự mong muốn chúng ta có một nền giáo dục thực sự nhẹ nhàng nhưng đi sâu vào tâm khảm của các em như vậy.
3. Tập trung dạy cho học sinh trung học bản lĩnh, kiên trì, kỹ năng sống và tạo cơ hội nghề nghiệp rộng mở
Với học sinh trung học, dạy kiến thức cơ bản và hãy dạy cho các em bản lĩnh, kiên trì, ứng phó trước sóng gió, sự thay đổi của cuộc sống. Trước tiên là dạy cho các em có khả năng, sau này ra trường làm thợ. Những vấn đề liên quan đến ngoại ngữ, giáo dục kỹ năng sống, tôi cho đây là 2 vấn đề hết sức cơ bản.
Ngoại ngữ để giúp con trẻ chúng ta có thêm một font văn hóa, có thêm tư duy và kiến thức, có thêm khả năng tiếp cận với thế giới bên ngoài, mở ra cơ hội rất lớn về công việc trong điều kiện thế giới phẳng như hiện nay. Philippines là đất nước lạc hậu hơn chúng ta nhưng người dân thậm chí không sống ở đó thì họ sang Anh tìm việc làm ngay, vì họ có một thứ, đó là ngoại ngữ.
Còn kỹ năng sống là giúp trẻ em chống chọi, ứng phó được các thay đổi, các nguy hiểm, sinh tồn. Rất nhiều câu chuyện trẻ em thoát chết, sống sót vì chúng được đào tạo kỹ năng thoát nạn. Đấy là kỹ năng sống. Cần không? – Cần quá đi chứ!
4. Nói KHÔNG với bạo lực, xâm hại trong học đường
Bạo lực học đường là vấn đề rất nóng hiện nay. Trước đây chúng ta đi học có hiện tượng đó không? – Có, có nói xấu, chửi bới, đấm đá nhau nhưng nó không đến mức như bây giờ. Nhiều trường hợp học sinh bây giờ chứng kiến các bạn đánh nhau không can ngăn, không báo cáo thầy cô, không cầu cứu người lớn ngăn cản. Tại sao các em lại như thế? Chúng ta phải làm sao để các em có chỗ dựa, được chia sẻ. Ngoài bố mẹ, các thầy cô phải làm sao để khi gặp bất kỳ trắc trở nào, các em cũng sẽ tìm đến.
Bạo lực học đường không chỉ là giữa trò với trò, mà ngày nay còn giữa trò với thầy, thầy với trò, phụ huynh với thầy, thậm chí có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa thầy với thầy. Rồi liệu có hay không vấn đề trầm cảm, tệ nạn xã hội, lạm dụng tình dục và cả bạo lực gia đình đối với các em không? Nếu học trò nào có sự thay đổi tính nết, hành vi, các thầy cô quan tâm, yêu thương, phát hiện ra thì các thầy sẽ làm thế nào, phản ứng ra sao, gọi cho ai?
5. Giữ gìn sự tâm huyết, trách nhiệm, sự trong sáng của giáo dục
Phải làm thế nào để môi trường này thực sự là môi trường trong sạch, minh bạch, đào tạo ra những con người có Đức, Trí, Thể, Mỹ, bởi tiêu cực ở một ngành, một lĩnh vực khác, nó chỉ ảnh hưởng đến phạm vi con người, cá nhân, ngành đó, nhưng tiêu cực trong ngành giáo dục, nó ảnh hưởng đến cả một thế hệ.
Thầy cô phải thực sự trong sáng thì mới dạy, mới đào tạo ra được những công dân trong sáng. Đối với các thầy cô giáo, xã hội còn đòi hỏi ở người thầy một cái tâm, sự say mê sáng tạo, một phương pháp phù hợp, mới mẻ để học sinh thích, hiểu, "tiêu hóa" được kiến thức một cách hứng thú nhất; đòi hỏi một cách tiếp cận làm sao vừa gần gũi, vừa chân thành nhưng vẫn nghiêm túc để học sinh muốn đến trường, muốn học tập và tự tin phát triển bản thân.
6. Quan tâm đến thu nhập, đời sống của giáo viên
Tất cả vấn đề nêu trên đều là xã hội đặt vấn đề, yêu cầu đối với ngành Giáo dục, yêu cầu với các thầy cô, nhưng có một thứ, đó là nhìn vào thu nhập thực tế của các thầy các cô xem hiện nay đã thật sự tương xứng với thu nhập của xã hội hay chưa? Khi xã hội phát triển đi lên thì thu nhập đấy đã thực sự phù hợp chưa?
Trong suốt thời gian dịch Covid-19 vừa rồi, tất cả đối tượng được quan tâm từ xe ôm, người bán hàng rong, nhưng riêng có một nhóm là giáo viên mầm non tư thục, thu nhập 1 tháng được 3 triệu nhưng nghỉ dịch suốt 6-7 tháng thì chúng ta đã tổng hợp chưa, đã đề xuất hỗ trợ cho họ kinh phí này chưa, thì đây là vấn đề đặt ra.
Nếu như chúng ta chậm 1 ngày, chúng ta mất ngay 1 tuần; chậm 1 tuần mất 1 tháng; chậm 1 tháng mất 1 năm; chậm 1 năm mất cả nhiệm kỳ. Cho nên làm được gì, ngay bây giờ, ngay lúc này, ngay sau hội nghị này, về các đồng chí tập trung, bắt tay vào làm ngay và không ngại kiến nghị, đề xuất.
Nguồn tham khảo: Cổng thông tin điện tử Sở giáo dục và đào tạo Vĩnh Phúc.
Nhận xét
Đăng nhận xét