‘Phù thủy’ của những chiếc áo trăm triệu duy nhất Việt Nam: Áo vua mặc thế nào tôi thêu đúng như thế, chuẩn đến từng milimet
Nghệ nhân nhân dân Vũ Văn Giỏi (SN 1969, làng Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội) hiện là người duy nhất ở Việt Nam giữ hồn cốt nghệ thuật thêu cung đình, thông qua ông trực tiếp tạo nên những sản phẩm vô giá, phục dựng hình hài trang phục của vua, quan, của nếp sống người Việt xưa. Được gọi bằng những mỹ từ như “phù thủy”, “cánh chim đầu đàn” của nghề thêu cung đình, nhưng cái ông quan tâm nhất luôn là chất lượng sản phẩm – mà chất lượng là “không chỉ đẹp, phải chuẩn đúng như người xưa đã làm”.
- Nghe nói anh có những chiếc áo thêu cung đình giá rất cao, lên tới cả tỷ đồng?
Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi: Chuyện đó không có đâu! Nhưng nói thật, để tính được giá làm ra cái áo thêu cung đình thì chính tôi còn không biết ấy.
Tôi thường làm theo đơn đặt hàng. Người ta cứ tạm ứng 5-10 triệu, 10-20 triệu tiền công thợ từng đợt. Vì đơn đặt hàng lớn, cứ cái nọ gối lên cái kia nên tôi không tính giá một cái áo cụ thể nào.
Còn ví dụ, nếu bạn hỏi giá áo hầu đồng thì tôi có thể nói được. Giá cao nhất hơn trăm triệu/cái. Nhưng thường áo hầu đồng chỉ khoảng mấy chục triệu thôi.
- Anh có thấy giá bán như vậy có đắt quá không?
Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi: Cũng có nhiều khách hỏi thế. Họ cứ bảo: “Sao áo của anh giá đắt thế?”. Tôi chỉ nói: “Tôi làm nó phải thế. Nếu các vị ưng, không chê gì thì giá nó phải thế”.
Nhưng đấy chỉ là những sản phẩm tính giá được. Còn quả thật, những cái áo phục dựng của vua chúa thời xưa tôi hoàn toàn không để ý giá cả. Cũng có người hỏi mua nhưng mà tôi không bán (cười). Tại vì chính tôi cũng không định giá được mà. Ngay cả thời gian làm ra cái áo đó hết bao lâu, lắm khi tôi còn chẳng nhớ thì sao mà định giá?
Lại có những cái áo tôi nhìn không đẹp, người ta có trả bao nhiêu tôi cũng không bán. Họ bảo thích cái chỗ không đẹp đó. Họ nói tôi chê, nhưng họ thích là được. Kệ chứ! Nói gì thì tôi cũng không bán! Người ta bảo tôi kỳ cục.
Có người lại bảo mình làm cao. Nói thế nào chẳng được! Tôi chỉ nói: “Nếu bán cho anh cái áo đó, thì chính tôi sẽ đánh mất cả cái uy tín của mình đi”.
Tôi không muốn bán cái áo bị lỗi cho người ta. Có thể họ không thấy cái lỗi đó, nhưng tôi thấy. Tôi không thích chuyện ai đó nói rằng: “Tưởng ông Giỏi này phục dựng thế nào, hóa ra là thế này…”.
- Dù vậy thì chuyện không thể nào định giá một cái áo vẫn thật là khó hiểu…
Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi: Tôi có gì phải giấu giếm đâu! Nhưng đúng là cái áo thêu cung đình này rất khó định giá. Nhiều nhất một cái áo cần tới 8 người làm, ít nhất thì có 3. Ngặt ở chỗ, khung thêu thường chỉ đủ chỗ cho 2-3 người ngồi, những người kia phụ việc. Quá trình làm thì họ cũng làm việc này việc kia nên rất khó tính toán được công sức.
Một cái áo thêu lâu nhất mất 15 tháng, 8 người làm. Hoặc có cái áo quan triều Trần ở dưới Bắc Ninh họ đặt, chúng tôi đã làm từ đầu năm đến bây giờ mới xong. Cũng không phải chỉ có thêu không mà còn phải tìm hiểu, nghiên cứu nữa.
Đến giờ, tôi cũng phục dựng được rất nhiều thứ. Không những trang phục cung đình, mà còn thêu được cả những bức họa từ thời Lý, Trần, Mạc, Lê, Nguyễn... Lại cũng phục dựng được rất nhiều bộ quần áo của Thánh Thành Hoàng làng các nơi. Những năm trước, hầu như tất cả trang phục đình, đền của Thành Hoàng làng trên Ninh Hiệp, Phú Thọ… đều do tôi phục dựng.
Nhưng nếu bây giờ hỏi tôi đã phục dựng được bao nhiêu bộ trang phục như thế, bao nhiêu áo vua, áo quan… thì tôi không nhớ đâu. Tôi không bao giờ đếm. Bởi vì mình không làm thương mại mà. Và mình cũng chẳng bao giờ định lượng được chính xác sẽ phải làm bao nhiêu chiếc áo trong vòng bao nhiêu tháng. Cái tôi quan tâm chỉ có chất lượng thôi. Chất lượng không phải chỉ có đẹp, mà phải chuẩn đúng như người xưa đã làm.
Nhiều người cứ bảo các nghệ nhân giàu lắm. Cái đó không phải sai 100% đâu mà là sai 101% ấy. Người ta giàu tác phẩm, kinh nghiệm... Nhiều khi có tiền cũng không mua hết được đâu vì tôi có nhiều sản phẩm lắm. Nhưng tôi lại không kiếm được nhiều tiền để mà phải toan tính lời lãi, giá thành cụ thể từng cái áo.
Thế thì có người lại hỏi, vậy nghệ nhân sống thế nào? Năm 2014-2015, tôi làm hai cái áo của ngài Đức Pháp Vương cho các sư trên chùa Tây Thiên. Họ cũng nói tôi nên tính toán công sức vì “có thực mới vực được đạo”. Đấy, tôi làm việc kiểu vậy. Không hoàn toàn thương mại, nhưng vẫn có cái để sống.
- Anh là một nghệ nhân rất lạ lùng!
Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi: (Cười) Khi tôi mở triển lãm về đồ thêu cung đình ở 38 Hàng Đào (Hà Nội) thì có mấy cụ già đến thăm và hỏi: Cho tôi hỏi ông Giỏi? Nhân viên lại trả lời: Chú, cháu còn trẻ lắm. Vậy là họ hỏi tiếp: Ừ, thế ông Giỏi đó có phải bị hâm không?
Thực ra đó là hỏi vui. Nhưng tôi nghĩ họ không có ý khinh rẻ mình đâu bạn. Các cụ hỏi thế là cũng có lý đấy. Bởi vì xã hội phát triển, người trẻ có rất nhiều sự lựa chọn thì tại sao lại có một cái ông Giỏi thích đi mày mò mấy cái này. Áo thêu cung đình bây giờ có ai dùng? Nếu bán thì ai mua? Hàng nghìn hàng vạn người mới có một người đam mê, may ra người ta cần.
- Chính xác! Có lẽ vì thế nên anh mới là người duy nhất ở Việt Nam phục dựng được nghệ thuật thêu cung đình…
Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi: (Cười) Chuyện này thì không chỉ cần cái “hâm” thôi là đủ. Phục dựng được là hành trình dài và phải rất kiên trì.
Tôi bắt đầu tìm hiểu cái này từ năm 1992. Đến 1993 bắt tay vào làm. Nhưng thực sự có rất nhiều cái khó: nguyên liệu bị mai một vì xã hội thay đổi; tài liệu cũng không có; trình độ kỹ thuật còn non kém.
Ví dụ về nguyên liệu, ngày xưa mỗi loại áo, các cụ sẽ se riêng một loại chỉ để thêu. Bây giờ vẫn là cái sợi chỉ tơ tằm ấy nhưng cách se sợi to, sợi nhỏ, một chiều hay hai chiều, tơ gốc, tơ lái thì không giống như xưa nữa. Các cụ ngày xưa đã tính toán rất kỹ, chứ không phải dùng một loại chỉ để thêu tất cả mọi thứ như bây giờ.
Về tư liệu thì thất truyền từ trước năm 1945. May mắn một số gia đình giàu có vẫn lưu lại vài sản phẩm. Thời đó không có Internet, muốn thấy cái áo phải đi bằng chân, bằng tay, bằng cả miệng để học hỏi. Cứ nghe ở đâu có thì đi tìm. Có lúc phải nói dối là đến thăm nhà người ta, cốt để ngắm áo, thu bằng cái nhìn của mình rồi nhớ lại trong đầu.
Rất nhiều lần đến rồi đi như thế, nhưng quá trình làm cũng thất bại rất nhiều. Trong nhà hỏng trên dưới 20 cái áo thêu. Mà mỗi cái áo không phải làm 1-2 tháng, không phải một người làm. Tôi làm từ năm 1993-1998, 5 năm hỏng từng ấy cái áo thì mới được một chiếc thành phẩm.
Nó hỏng không phải vì xấu mà lúc đầu mình không nắm được nguyên liệu, họa tiết. Rồi khi tìm được tài liệu chính xác thì biết mình làm sai. Cho nên gọi đó là sản phẩm lỗi.
- Suốt 5 năm thêu hỏng, anh xoay sở thế nào?
Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi: Lúc đầu làm nghề thêu, tôi vẫn làm những món đồ phục vụ công chúng: tế lễ, văn nghệ… Nhưng từ khi quay sang phục dựng đồ thêu cung đình thì mới cảm nhận được cái hồn của họa tiết hoa văn, màu sắc thêu rất nghệ thuật. Thế là 5 năm đó, tôi cứ làm cái có tiền để nuôi cái đam mê không tiền. Nhiều người nói tôi “hâm” có khi cũng vì vậy.
- Điều gì khiến anh sống chết với nghệ thuật thêu cung đình đến như thế?
Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi: Có khi nó là duyên, là nghiệp. Thứ hai vì những người thợ như tôi cũng muốn khẳng định, thăng tiến với nghề của mình. Theo xu hướng phát triển, mọi người đang hướng đến thủ công tinh xảo, thủ công cao cấp. Tôi đi theo con đường đó.
Nghề của tôi là nghề truyền thống. 5-6 đời các cụ nhà tôi đã làm rồi. Tôi làm nghề từ bé. Còn nhỏ thì vừa đi học, vừa tranh thủ thêu chung với bố mẹ, anh chị. Tình yêu nghề được tiêm nhiễm từ đấy.
Sau khi tôi giải ngũ quân đội về cũng cố gắng kiếm tiền mưu sinh cuộc sống. Tôi làm đủ nghề: thợ mộc, thợ xây... Nhưng sau cùng tôi nghĩ vẫn phải duy trì nghề truyền thống gia đình. Như các cụ vẫn nói là “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.
Khi quay vào tìm hiểu, phục dựng lối thêu kỹ thuật cung đình, tôi thấy nó là thứ cực kỳ giá trị. Không những giá trị với mình, mà còn cho nhiều người khác nữa.
Nghệ thuật thêu này rất cuốn hút. Nó lôi kéo mình phải dấn thân vào để có những tác phẩm ý nghĩa văn hóa, lịch sử, và có giá trị để lưu truyền nghề mà cha ông ta đã để lại.
- Nghệ thuật thêu này rất cuốn hút?
Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi: Tôi vinh dự được nhiều nghệ nhân người nước ngoài, và cả người của Hoàng gia Anh về thăm. Sau khi nhìn kỹ, họ khen nghệ thuật thêu của Việt Nam rất tuyệt vời, tinh xảo, gu màu sắc nhã nhặn, không có màu gì phá cách nhưng vẫn uy nghi. Những họa tiết giúp tôn lên vẻ uy quyền và phúc hậu của người mặc. Có một phụ nữ người Pháp còn khen màu sắc thêu của Việt Nam rất chân thực. Không có màu quá mạnh, dữ dằn như một số nước láng giềng.
Để có sự chân thật ấy, các cụ thời xưa phải dùng chỉ ngũ sắc (5 màu ứng với các hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Trong mỗi màu lại có nhiều sợi chỉ với độ đậm, nhạt khác nhau. Ví dụ màu xanh thì có nhiều cấp độ, khi thêu phải đổi chỉ để biến đổi màu sắc liên tục. Ví dụ cái lá úa thì độ ngả vàng phải từ từ, cuống lá xanh nhạt, mép lá vàng úa như thế nào. Nó thực sự là bức tranh được vẽ bằng chỉ màu.
Rồi thêu kim tuyến và thêu cung đình phải song hành. Thêu kim tuyến thì rất khó. Làm cái này phải chăm chút từng tí một. Khi đạt được thành quả thì sướng lắm vì sản phẩm có ý nghĩa lịch sử.
Cái tôi tự hào nhất là áo tôi thêu chỉ thua áo vua mặc về thời gian thôi. Chứ mình làm chuẩn đến từng milimet. Áo vua mặc thế nào, tôi thêu đúng như thế.
- Chiếc áo thêu cung đình với anh quý như thế. Anh đã bao giờ tặng áo cho ai chưa?
Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi: Nói tặng thì quả thật tôi chưa tặng áo cho ai bao giờ. Gặp khách có duyên chỉ vừa bán vừa tặng thôi, chứ không phải tặng hẳn.
- Vậy vì sao anh lại tặng áo cho Quỹ thiện nguyện Hạt Vừng để bán đấu giá?
Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi: Chiếc áo tặng cho quỹ Hạt Vừng là sản phẩm mô phỏng áo long bào của vua Đồng Khánh. Vì là đồ mô phỏng nên không thể giống 100% áo Vua thực. Khi thu nhỏ, cũng có những cái mình phải cắt bớt đi. Nhưng về độ tinh xảo thì tương đương. Cũng mất tương đối nhiều công sức chứ không phải là ít.
Cái này tôi không làm nhiều, cũng không phải làm ra để bán. Nó là thứ tôi đam mê. Rảnh thì tôi làm. Nó hợp với ai cùng đam mê thì có thể dùng để trưng bày. Vừa rồi có một người bạn thân nói với tôi về chương trình đấu giá của quỹ Hạt Vừng.
Trước đây, họa sĩ Lê Thiết Cương từng hỏi tôi có bán đấu giá áo để lấy tiền không thì thực sự tôi không có ý định đó. Nhưng đấu giá vì mục đích từ thiện thì tôi rất sẵn sàng.
Nghệ nhân như tôi không có nhiều tiền. Được cái trong tâm mình luôn muốn giúp đỡ người khác. Tác phẩm này không phải là tiền nhưng nếu bán đi thì biết đâu. Nếu bảo tôi tặng hẳn một cái áo Vua mà thêu cả năm trời, tôi thực lòng cũng không có đâu. Nhưng cái áo mô phỏng này là tấm lòng. Nó là sản phẩm mình dồn tâm huyết, và mình trân trọng đem tặng.
- Thời gian gần đây có nhiều tranh cãi về chuyện làm từ thiện. Anh có nghi ngại gì không khi đem một sản phẩm tâm huyết tặng cho tổ chức thiện nguyện?
Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi: Trong xã hội có người này người kia. Đâu phải ai cũng xấu. Cũng có người giúp người thật tâm chứ. Mình phải có niềm tin và sự lạc quan đó.
Tôi tin cái mình nhìn thấy và tin những người bạn của mình!
- Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này!
Theo Trí thức trẻ
Nhận xét
Đăng nhận xét