Bà Rịa - Vũng Tàu - Côn Đảo từ tháng 3 đến tháng 9 có mưa nhưng chóng tạnh và biển êm, cũng là mùa rùa kéo về đẻ trứng, cho du khách thêm nhiều trải nghiệm.
Sau kỳ nghỉ lễ dài ngày tại Côn Đảo dịp 30/4, Quang Long (1998) cùng nhóm bạn Sài Gòn chia sẻ bài tư vấn chi tiết cho chuyến du lịch hòn đảo thiên đường này.
Long và các bạn đã có dịp du lịch Côn Đảo - một viên ngọc đẹp và hoang sơ của Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tháng 5 vừa qua. Long choáng ngợp và cảm thấy rùng mình vì cảnh biển xanh trong, núi non cây cối tươi mát, cát trắng, nắng vàng của Côn Đảo.
"Gọi đây là thiên đường du lịch quả không sai", chàng trai bày tỏ. Nhưng cùng với đó, khi tham quan những di tích nhà tù còn lưu giữ tại đảo, anh hiểu thêm thế nào là địa ngục trần gian mà thế hệ ông cha phải chịu đựng và từ đó thêm trân trọng cuộc sống hôm nay.
Thời điểm đến Côn Đảo
Thực tế du lịch Côn Đảo mùa nào cũng đẹp vì thời tiết lẫn khí hậu ở đảo khá dễ chịu, nếu mùa mưa thì những cơn mưa cũng chỉ kéo dài tầm một tiếng, sau đó trời lại nắng ấm ngay.
Từ tháng 3 đến tháng 9, trời có mưa nhưng biển êm, và có rùa về đẻ trứng nhiều từ tháng 6 đến tháng 8. Còn lại từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau không mưa, nhưng là mùa gió chướng, tàu cao tốc và cano du lịch sẽ bị hạn chế vì biển động và gió khá mạnh tại phía vịnh Côn Sơn. Bạn vẫn có thể dễ dàng tham quan phía bãi Đầm Trầu.
Cách di chuyển
Di chuyển tới Côn Đảo
Máy bay: Hiện có Vietnam Airlines và Bamboo Airways khai thác chuyến bay đến Côn Đảo từ những thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng. Tuy nhiên giá vé khá cao vì sân bay Côn Đảo có diện tích hạn chế, nên chỉ đón tàu bay nhỏ, chuyên chở ít hành khách hơn.
Tàu cao tốc: Bạn có thể đi từ 3 bến là Vũng Tàu, Trần Đề - Sóc Trăng và Cần Thơ. Tuy nhiên, vé từ Vũng Tàu và Cần Thơ (khoảng trên 600.000 đồng) đắt gấp đôi vé từ Sóc Trăng (khoảng 320.000 đồng) và thời gian đi cũng gần gấp đôi. Do đó, nếu say sóng, bạn nên tới Sóc Trăng đi tàu để hành trình đỡ vất vả hơn.
Di chuyển tại Côn Đảo
Một điều hay ở Côn Đảo mà Long để ý là từ cảng Bến Đầm hay sân bay Cỏ Ống, khách đều phải di chuyển một quãng đường bằng nhau (khoảng 14km) để đến trung tâm thị trấn ở giữa đảo.
Bạn có thể đi xe điện giá 20.000 đồng/km chở được khoảng 10 người hoặc gọi taxi hoặc thuê xe máy ngay tại cảng Bến Đầm để vào thị trấn.
Giá thuê xe máy ở Côn Đảo là 100.000-120.000 đồng/ngày, đổ 30.000 đồng tiền xăng đi thoải mái cả ngày chưa hết. Bạn cứ khóa xe, để gọn vào lề đường là không sợ mất. Nếu đi nhóm đông người, bạn có thể thuê xe điện hoặc xe ôtô 7-16 chỗ trên đảo cho tiện, bởi khoảng cách giữa các điểm không xa.
Chỗ nghỉ
Phân khúc 4-5 sao: Mọi người có thể chọn Six Senses, Poulo Condor - khá xa thị trấn nhưng gần sân bay hơn, The Secret Condao - ngay trung tâm, có tầm nhìn hồ bơi hướng ra biển...
Phân khúc 2-3 sao: một số khách sạn nổi tiếng và đẹp Long tham khảo là Nicobar Con Dao Hotel, De la Rosa - kiểu bungalow sân vườn rất đẹp và thoáng...
Do chủ yếu đi chơi bên ngoài nhiều hơn ở nơi nghỉ, nhóm của Long chọn khách sạn nhỏ ngay trung tâm đối diện chợ Côn Đảo luôn.
Địa chỉ ăn uống
Ăn sáng:
Bún riêu Bà Hai Khiêm số 22 Nguyễn Huệ (30.000-35.000 đồng/tô). Dù Long thấy hơi nhạt so với khẩu vị cá nhân, nhưng vẫn rất đáng thử, quán còn bán nước mía 10.000 đồng/ly để giải khát.
Các quán bánh canh, bún bò, cơm tấm, bún thịt nướng... tại chợ Côn Đảo, hướng bên đường Võ Thị Sáu.
Bánh mì Tuấn Mập nằm trên đường Tô Hiệu có đủ loại bánh mì chả bò Đà Nẵng, bánh mì heo quay, bánh mì thập cẩm, xôi mặn... đều rất ngon. Giá 20.000-25.000 đồng/phần.
Ăn trưa và tối:
Cơm niêu Nguyên An đường Hồ Thanh Tòng: Đây là quán ăn gia đình, cơm được nấu trong thố đất, khách gọi riêng các món ăn kèm theo.
Ốc đêm Bình Nguyên đường Phạm Văn Đồng: Hải sản tươi sống và giá hơi cao nhưng phục vụ nhanh và chế biến sạch sẽ.
Ngoài ra, một quán ốc khác cũng được nhiều người khen là Ốc đêm 16 đường Trần Huy Liệu. Hay bạn có thể ra cảng Bến Đầm đi cano qua bè Kim hoặc bè Sang ăn tối.
Ăn vặt:
Chè Thảo Liên số 3 Võ Thị Sáu: Long thích chè sầu riêng và sâm bổ lượng ở đây.
Cà phê Côn Sơn ở góc đường Tôn Đức Thắng và Lê Duẩn, có view biển đẹp, đối diện quán là di tích Cầu Tàu lịch sử 914; cà phê Ba Lê có màu vàng đặc trưng, chứa nhiều kí ức của Côn Đảo; hay cà phê Infinity mang nét hiện đại, có bán đồ ăn kiểu Âu trên đường Trần Phú...
Ngoài ra, bạn có thể thưởng thức thêm kem dừa Côn Đảo, sữa chua lắc...
Lưu ý: Giá cả có thể đắt ngang và hơn ở Sài Gòn vì chi phí vận chuyển đồ từ đất liền ra đảo rất tốn kém.
Tham quan, vui chơi
Miếu Ngũ Hành Nương Nương (miếu Năm Cô) thờ cúng 5 vị nữ thần cai quản 5 nghề liên quan gồm Kim (kim khí), Mộc (cây gỗ), Thủy (nước nôi), Hỏa (củi lửa) và Thổ (đất đai).
Chùa Núi Một (Vân Sơn Tự) là ngôi chùa duy nhất tại Côn Đảo, nằm trên núi mặt hướng ra biển. Bạn có thể chọn leo 200 bậc thang hoặc đi xe ôm lên với giá 40.000 đồng/khứ hồi để ngắm hồ An Hải, toàn cảnh thị trấn Côn Đảo và Vịnh Côn Sơn. Sau khi lễ Phật, bạn hãy ra phía sau nhà chùa để thưởng thức nước hạt é mát ngọt miễn phí, tự phục vụ. Khách còn được sư thầy tặng cho một vòng tay và một tấm thẻ với những câu răn dạy.
An Sơn Miếu, còn gọi là miếu Bà Phi Yến, thờ Thứ phi của chúa Nguyễn Ánh (Vua Gia Long).
Miếu cậu Hoàng Tử Cải, còn gọi là Miếu Thiếu Gia, thờ con trai của Vua Gia Long và Thứ phi Phi Yến.
Trạm radar 590 đường Huỳnh Thúc Kháng là điểm tham quan cần xin phép đồn biên phòng. Trên đường lên trạm radar, bạn có thể quan sát được toàn cảnh đảo.
Cụm 5 di tích: Bảo tàng Côn Đảo - Dinh Chúa Đảo - Di tích nhà tù Phú Hải - Di tích chuồng cọp Pháp - Di tích chuồng cọp Mỹ. Những điểm này khá gần nhau và ngay trung tâm thị trấn, du khách có thể đi hết trong một buổi. Bạn đến Bảo tàng Côn Đảo mua vé tham quan giá 50.000 đồng/lượt, không bán lẻ từng điểm và vé có giá trị trong ngày đến 17h. Đây là những nơi mà du khách tới tìm hiểu sẽ tự cảm nhận được sự tàn độc của chiến tranh và cả tinh thần quật cường của thế hệ ông cha.
Bãi tắm Lò Vôi nằm phía trước di tích chuồng cọp Pháp.
Cung đường biển Mũi Cá Mập - bãi Nhát - bãi đá đẹp (bãi đá cuội) là điểm ngắm hoàng hôn và chụp hình check-in khiến Long mê mẩn.
Cung đường biển Mũi Chim Chim - Mũi Tàu Bể là nơi ngắm bình minh đẹp.
Vịnh Đầm Trầu là bãi biển thu hút nhiều du khách đến tắm vì nước êm, xanh trong. Từ đây mọi người có thể ngắm được máy bay đáp xuống sân bay Cỏ Ống giống như ở đảo Krabi, Thái Lan. Đặc biệt, cạnh đó là bãi biển Bí Mật có khung cảnh trữ tình với rừng cây nhiều dây leo ma mị.
Cảng Bến Đầm nằm gọn trong vịnh Bến Đầm, xung quanh được bao bọc, che chắn bởi các dãy núi và đảo nhỏ. Từ cầu cảng mọi người có thể trải nghiệm cảnh sinh hoạt đời thường của ngư dân địa phương.
Cung Đường Tây Bắc là cung đường mới khánh thành, đi xe máy, xe điện qua đây có thể ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng và các hòn đảo ngoài khơi như Hòn Khô, Hòn Trọc, Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ...
Nghĩa trang Hàng Dương là nơi hầu như ai tới Côn Đảo cũng một lần ghé thăm để thắp nhang lên mộ Cô Sáu và các liệt sỹ. Trước đây nghĩa trang mở cửa đến 24h, nhưng do tình hình dịch bệnh, hiện tại du khách chỉ có thể viếng thăm đến 22h. Bạn chú ý mặc trang phục lịch sự, cư xử nhã nhặn.
Khám phá các đảo nhỏ: xung quanh đảo có rất nhiều đảo nhỏ (còn gọi là các hòn), bạn có thể thuê cano ra đó tham quan, bơi lội, lặn ngắm san hô, thăm rùa... Nếu chỉ có một, hai người, bạn có thể chọn tour. Nếu đi đông, bạn có thể tự thuê cano riêng, trải nghiệm cũng như đi tour nhưng tiết kiệm rất nhiều chi phí.
Nhóm của Long chọn đi Hòn Cau và Hòn Bảy Cạnh, trong 3-4 tiếng buổi sáng hay chiều đều được. Đầu tiên ghé Hòn Cau để viếng miếu Cô Vân Tiên Cảnh, sau đó là trạm kiểm lâm Hòn Cau, khu biệt giam cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tắm biển và lặn ngắm san hô. Sau đó, cả nhóm di chuyển qua Hòn Bảy Cạnh tham quan rừng ngập mặn nguyên sinh và ngắm san hô.
Lưu ý
Bạn nên tham quan hết các điểm du lịch tâm linh (miếu, chùa, nghĩa trang...) trước khi đi chơi, để tiện chọn mặc trang phục.
Đảo rất nhỏ nên đừng ngại chạy xe vòng đi vòng lại, vì cảnh đẹp sẽ làm bạn muốn ngắm lại tới hai, ba lần. Ví dụ, đầu ngày mới bạn có thể ra mũi Chim Chim đón bình minh, về thị trấn ăn sáng sau đó quay lại mũi Chim Chim để ra bãi Đầm Trầu.
Chuyến đi này Long khá may mắn khi đi đảo nhỏ gặp cá heo, rùa biển, đi qua rừng thì gặp kỳ đà và khỉ chạy từ trên núi xuống đường (lưu ý, không cho khỉ đồ ăn), gặp rắn tại mũi Chim Chim.
"Chừng đó trải nghiệm đủ để mình thấy thiên nhiên ở Côn Đảo còn hoang sơ và tươi đẹp thế nào. Mình sẽ quay lại Côn Đảo thêm nhiều lần nữa, không chỉ vì cảnh đẹp mà người dân trên đảo cũng rất đôn hậu và tận tình", Long chia sẻ.
Nhận xét
Đăng nhận xét