Nam sinh Quân y tại "tâm dịch" Bắc Giang: Có những đêm gần như thức trắng, nhìn đồng đội kiệt sức nước mắt ứa ra, chỉ mong sớm hết dịch!
Chỉ trong hai ngày, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Quốc phòng đã điều động cấp tốc hai đoàn sinh viên K49 và K50 của Học viện Quân Y tham gia hỗ trợ phòng chống dịch ở tâm dịch Bắc Giang. Tại đây, các sinh viên quân y được giao nhiệm vụ chính là lấy mẫu xét nghiệm, truy vết và tham gia vào quá trình phân loại các mẫu bệnh phẩm, hỗ trợ y bác sĩ trong điều trị bệnh nhân COVID-19.
Đội sinh viên tình nguyện trực tiếp tham gia lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi mắc COVID-19. Đội này được các y bác sĩ giám sát và hướng dẫn cụ thể việc lấy mẫu để vừa đảm bảo an toàn cho bản thân, vừa làm đúng các quy trình lấy mẫu xét nghiệm y tế.
"Thần tốc" lên đường chống dịch, xử lý hơn 10.000 mẫu bệnh phẩm một ngày, có những đêm gần như thức trắng
Phạm Hùng Cường sinh năm 1998, sinh viên năm thứ 5, Học viện Quân y chia sẻ: "Bọn mình là sinh viên nhưng khoác áo lính, tất cả làm theo mệnh lệnh cấp trên. Tuy nhiên, thực lòng mệnh lệnh lần này ai cũng mong muốn được tham gia, thậm chí còn viết đơn đề nghị xin đi, nhưng quân số cấp trên đã quyết, nên có những bạn phải ngậm ngùi ở nhà".
Cường chia sẻ trước đây chỉ ăn và học trong trường, nghe tin tức chống dịch, cũng biết sự vất vả của đội ngũ y bác sỹ tuyến đầu qua báo đài. Khi nhận được sự chỉ đạo, một cảm giác tò mò, muốn trải nghiệm chứ tuyệt nhiên không thấy sợ sệt gì. Cách đây 2 tuần, trường báo động tập trung, xếp hàng thông báo tập huấn chuẩn bị lên đường, rất nhanh trong khoảng 2 tiếng sau đã có lệnh sắp xếp quân tư trang, 18h30 tập trung lên xe di chuyển lên Bắc Giang chiến đấu. Chỉ 1 bộ phận 40 người đi trước, chia đều quân số hỗ trợ Bắc Giang và Bắc Ninh. Đây là bộ phận lấy mẫu xét nghiệm, mặc đồ bảo hộ dưới nắng nóng, cầm tăm bông, lấy bệnh phẩm. Những người còn lại tham gia tập huấn để di chuyển lên Bắc Giang vài ngày sau đó.
Hùng Cường hỗ trợ công việc trong phòng xét nghiệm, cụ thể Học viện Quân y phối hợp với CDC Bắc Giang. Phòng xét nghiệm dùng máy móc, phân tích các mẫu bệnh phẩm mà bộ phận lấy mẫu gửi về, xác định kết quả âm tính, dương tính với COVID 19. Được biết, đây là công nghệ mới của Học viện Quân Y, lần đầu triển khai ở đất nước ta, tăng công suất xét nghiệm lên gấp nhiều lần, có thể làm tới 10.000-14.000 mẫu/ ngày (trong khi phương pháp cũ chỉ chỉ xét nghiệm được khoảng 1000 mẫu/ ngày). Việc áp dụng công nghệ mới này vừa tiết kiệm thời gian và tiền bạc, vừa giúp nhân viên y tế tại Bắc Giang chia ca để nghỉ ngơi, không còn phải làm 24/24 nữa.
Ca trực của bộ phận xét nghiệm, xử lý mẫu bệnh phẩm làm liên tục từ 8 - 10 tiếng/ ngày
00:00:35
Ca trực của bộ phận xét nghiệm, xử lý mẫu bệnh phẩm làm liên tục từ 8 - 10 tiếng/ ngày
Cường kể: "Việc đầu tiên đặt chân tới Bắc Giang là tập trung ở doanh trại quân đội, vì cơ bản đều trong môi trường quân đội nên balo, giày dép, quần áo, chăn chiếu gối đều quy định sắp xếp cả. 3 ngày đầu, tụi mình chuẩn bị để thiết lập phòng xét nghiệm ở CDC Bắc Giang cơ sở 2. Khi phòng xét nghiệm đi vào hoạt động, bộ phận bọn mình 100 người chia làm 3 ca/ ngày, mỗi ca 8h. Chúng mình chỉ tiếp xúc với bệnh phẩm được gửi về, xử lý và đưa vào máy.
Nói chung về thể lực, không quá tốn sức như anh em bộ phận lấy mẫu nhưng cực kì căng thẳng đầu óc. Các bạn lấy mẫu, thao tác rất đơn giản, dùng tăm bông đưa vào vùng hầu họng qua lỗ mũi để lấy bệnh phẩm. Còn thao tác của bọn mình đòi hỏi chuyên môn cao hơn nhiều, phải thao tác với bệnh phẩm trong 1 cái tủ an toàn. Chúng mình phải dùng một pipet (ống hút điện tử), hút bệnh phẩm để xử lý và đưa vào máy. Khi làm 1 tấm thấy bình thường chưa loạn não lắm nhưng khi phải làm liên tục 30-40 tấm như thế sẽ thất rất căng thẳng".
Quá trình làm việc trong phòng xét nghiệm là 1 chuỗi nhiều khâu, khâu của người sau phải phụ thuộc vào khâu của người trước đó. Thậm chí, vì phòng xét nghiệm của Học viện Quân y hoạt động với năng suất xét nghiệm lớn gấp nhiều lần thông thường nên bộ phận lấy mẫu đôi lúc không lấy đủ mẫu gửi về kịp, những lúc này các bạn sinh viên có thể tranh thủ nghỉ ngơi. Tuy nhiên, đã có những đêm phải làm liên tục, mỗi ca khoảng 30-35 người, chia làm nhiều bộ phận.
Học viện Quân y có điều kiện trang thiết bị rất đầy đủ cho sinh viên thực hành song đây là lần đầu tiên phải áp dụng những kỹ năng chiến đấu thực tế, với số lượng lớn nên cũng phải mất 2-3 ngày làm quen công việc, năng suất mới tăng lên nhiều và ổn định.
"Chúng mình ý thức được việc làm của bản thân có tầm ảnh hưởng, và quan trọng với đất nước ra sao, Do đó, mỗi người đều đặt mình vào tinh thần tập trung cao độ nhất, tránh để xảy ra sai sót. Nói như vậy không có nghĩa là không thể có sai sót, để khắc phục tối đa, cả nhóm sẽ sẽ bố trí người làm và người giám sát, càng những khâu đầu tiên càng quan trọng. Thực tế thì từ lúc làm đến bây giờ sai sót rất ít thôi", Cường nói.
"Nhìn đồng đội kiệt sức khi đang làm nhiệm vụ tự nhiên nước mắt ứa ra, chỉ mong sớm hết dịch... chúng ta đã vất vả rồi!"
Tranh thủ nghỉ ngơi, khi bộ phận lấy mẫu chưa kịp gửi mẫu về, các bạn sinh viên thường xuống sân đá bóng, đá cầu, đàn hát, giao lưu với người dân quanh khu vực CDC Bắc Giang cơ sở 2. "Các bác, các cô, các chú quý bọn mình lắm, cũng rất ít khi được tiếp xúc với bên ngoài nên mình cảm thấy ngỡ ngàng về tình cảm của người dân. Đúng là sức mạnh của nhân dân thật sự rất to lớn".
"Ngoài ra, chuyện khiến mình rất đau lòng là thấy người đồng đội bộ phận lấy mẫu ở Bắc Ninh kiệt sức khi đang làm nhiệm vụ, tự nhiên nước mắt cứ ứa ra. Lúc đầu đi thì rất hào hứng tò mò, chưa biết sợ là gì nhưng khi trải qua mấy ngày rồi, thì ai cũng nhớ nhà, mong hết dịch sớm, chúng ta đã vất vả rồi.
Từ Tết đến giờ, tụi mình chưa được về nhà, đi vội vã nên cũng không giải thích gì nhiều, chỉ bảo là có lệnh, con đi chống dịch và ở nhà động viên cố lên thôi. Được lên tuyến đầu chống dịch, bố mẹ mình tự hào lắm. Tuy nhiên gần như ngày nào mình trực ca đêm, không gọi về thì mẹ cũng rất lo lắng, mất ăn mất ngủ, điều đó làm mình cảm thấy áy náy".
Một ca trực kéo dài khoảng 8 -10 tiếng, nếu có việc phát sinh sẽ muộn hơn 30 phút tới 1 tiếng. Đêm thức, ngày ngủ, ăn sáng khi thì 0h đêm, khi thì 9h sáng,... Nhưng dần dần mọi thứ trở nên quen thuộc, mọi người cũng cảm thấy hết sức bình thường. Về cơ bản cuộc sống theo chia sẻ của Cường chẳng khác nhiều so với môi trường quân đội trước đây, ngoại trừ các kíp làm đêm, ăn ngủ đảo lộn nhịp sinh học.
"Tham gia chống dịch, trường mình chỉ đạo 100% nam giới, nhưng vì đó là mệnh lệnh quân đội, chứ nếu không thì mình nghĩ các bạn nữ lớp mình sẽ xung phong đi chẳng ngần ngại. Đến phái mạnh còn thấy vất vả, thì phái nữ đúng là phải có lòng yêu nước và nghị lực quyết tâm phi thường hơn nữa. Như thế mới thấy tinh thần của những chiến sĩ áo trắng, áo xanh, của tuổi trẻ Việt Nam vô cùng mạnh liệt, không ngại khó khăn gian khổ, cộng thêm tấm lòng thương yêu của người dân Bắc Giang nói riêng và sức mạnh nhân dân cả đất nước Việt Nam ta nói chung. Không chỉ có mỗi tinh thần, chúng ta còn có cả trí tuệ, áp dụng tiến bộ khoa học mới nhất dưới sự chỉ huy đúng đắn, sáng suốt của các cấp lãnh đạo. Chắc chắn, đợt dịch nào chúng ta cũng vượt qua thôi, cùng đoàn kết đồng lòng chung sức, Việt Nam nhất định chiến thắng đại dịch", nam sinh gửi gắm.
Bữa cơm thường ngày của sinh viên Học viện Quân y
00:00:11
Bữa cơm thường ngày của sinh viên Học viện Quân y
Làm việc ở phòng thí nghiệm, xử lý hàng nghìn mẫu bệnh phẩm, sinh viên Học viện Quân y vẫn vui vẻ kể chuyện với chất giọng thấy rõ sự lạc quan
Ảnh, Clip: NVCC
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Nhận xét
Đăng nhận xét