Tòa thành rộng lớn được xây dựng với hình xoắn ốc ở ngoại thành của thủ đô Hà Nội chính là một trong những điểm đến hấp dẫn mang giá trị về văn hóa, lịch sử. Đây là một trong những dấu tích cổ xưa còn được gìn giữ cho đến tận ngày nay.
Tọa lạc ở địa phận 3 xã Cổ Loa, Dục Tú và Việt Hùng của huyện Đông Anh, cách trung tâm thành phố Hà Nội 17km về phía Bắc, thành Cổ Loa là điểm đến hấp dẫn cho du khách thập phương. Công trình này là minh chứng cho sự sáng tạo, trình độ kỹ thuật của người Việt Cổ. Khám phá thành Cổ Loa là hành trình đặc biệt đưa du khách đến với một không gian văn hóa, lịch sử đặc biệt nơi gắn liền với những truyền thuyết cổ của người Việt và hình ảnh của một làng quê Bắc Bộ bình yên.
Thành Cổ Loa là điểm đến văn hóa, lịch sử nổi bật ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: gramho.com
Thành Cổ Loa và những truyền thuyết
Thành Cổ Loa có diện tích khoảng 500ha và được chính thức xây dựng dưới thời vua An Dương Vương trong thế kỷ thứ III trước Công Nguyên. Đây là nơi vua An Dương Vương chọn để dựng kinh đô nước Âu Lạc cổ đại và được thần Kim Quy bày cho các xây thành lũy kiên cố. Thành Cổ Loa cũng là nơi gắn liền với câu chuyện về chiếc nỏ thần Kim Quy bắn một phát hạ hàng trăm tên giặc hay truyền thuyết về mối tình đẹp nhưng bi thương của nàng Mị Châu của Trọng Thủy. Theo thời gian truyền thuyết về thành Cổ Loa đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt bao thế hệ.
Nơi này gắn liền với những truyền thuyết huyền bí về thời kỳ Âu Lạc sơ khai. Ảnh: donganh.hanoi.vn
Tương truyền, thành Cổ Loa có đến 9 vòng hình xoắn dạng trôn ốc nên người Việt cổ còn gọi nơi này là thành Ốc. Trong lúc xây dựng thành, khu đắp đến đâu người ta xây lũy đến đó, tất cả các vòng đều được bao quanh bởi những con hào. Có năm con ngòi đưa nước vào các khu vực thành Trung, thành Nội tạo thành những vòng khép kín rất thuận lợi để bộ binh và thủy binh lập căn cứ. Với chiều cao đến 12 mét, chân thành rộng đến 30 mét, quy mô của thành Cổ Loa là cực kỳ kiên cố ở thời kỳ Âu Lạc vì vũ khí thời đó chỉ là cung tên, gươm, giáo sơ khai. Không chỉ là kinh đô thời Âu Lạc mà đến thời Ngô Quyền vào thế kỉ thứ X thì thành Cổ Loa lại tiếp tục là kinh đô của nước Việt Cổ.
Kiến trúc và quy mô của Cổ Loa Thành rất đặc biệt. Ảnh: @popolulu.vietnam
Ghé Cổ Loa Thành khám phá những điểm đến hấp dẫn
Thăm thành Cổ Loa Đông Anh Hà Nội, du khách sẽ được bước vào hành trình khám phá hấp dẫn với màu sắc văn hóa, lịch sử ấn tượng. Du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp độc đáo của cảnh quan, thiên nhiên, hình ảnh làng quê Việt với những hào nước, gò đống và chiêm ngưỡng những di tích lịch sử ấn tượng.
Thành Cổ Loa có nhiều điểm đến độc đáo. Ảnh: @goitoila_datog
Đền An Dương Vương
Nơi này còn được gọi là đền Thượng tọa lạc trên một quả đồi. Đền thờ An Dương Vương với kiến trúc đặc trưng mái ngói cong vút. Cửa đền có một cặp rồng đá được chạm trổ rất sinh động. Đền An Dương Vương có nhiều cửa đi vào, khi chính là điện để thờ vua, bên trong có điện thờ hoàng hậu và thờ mẫu. Phía sau đên là cây cối xanh tốt có một nhà bia nhỏ với vòm mái cong nằm ẩn mình dưới tán đa.
Đền An Dương Vương với khuôn viên rộng rãi. Ảnh: @jiaxing136
Hồ Bán Nguyệt - Giếng Ngọc
Nằm ở phía trước đền An Dương Vương là một chiếc hồ hình bán nguyệt, giữa hồ chính là giếng Ngọc, theo truyền thuyết đây chính là nơi mà Trọng Thủy và Mị Châu thường gặp gỡ. cũng là nơi kết thúc mối tình bị thương khi Trọng Thủy nhảy xuống giếng tự tử vì nhớ hình bóng Mị Châu. Tương truyền nước của giếng Ngọc mà đem rửa ngọc trai thì sáng bóng vô cùng. Ngày nay, khi đến Cổ Loa, du khách có thể ngắm giếng ngọc từ xa, nơi nổi bật giữa màu xanh mướt của hồ bán nguyệt.
Giếng Ngọc nằm giữa hồ Bán Nguyệt. Ảnh: Zing
Am Mị Châu
Am Mị Châu chính là một trong những điểm thăm quan nổi bật nhất ở thành Cổ Loa. Đây là một am nhỏ nằm dưới một gốc đa với vẻ ngoài u tịch gợi nhớ về nàng Mị Châu với câu chuyện tình ngang trái. Trong am có bức tượng công chúa Mỵ Châu là một hòn đá tự nhiên không có đầu được mang áo gấm, khăn hoa gợi lên trong lòng du khách sự thương cảm. Theo truyền thuyết khi Mỵ Châu hóa thành hòn đá to đã trôi về bãi Đường Cấm ở phía đông Cổ Loa Thành, người dân đã mang võng cáng về đến gốc đa thì đứt, hòn đá rơi xuống nên đã lập am thờ tại đây.
Tượng đá nàng Mỵ Châu mất đầu trong am. Ảnh: Zing
Du khách khi đến đây thường quan niệm khi chạm vào phiến đá tượng Mỵ Châu có thể mang lại may mắn và sức khỏe. Từ am Mỵ Châu, du khách đi sâu vào bên trong sẽ bắt gặp chùa Bảo Sơn, nơi có không gian thanh tịnh và rất nhiều tượng Phật với nhiều tư thế và biểu cảm độc đáo.
Khu trưng bày hiện vật khảo cổ
Khu vực này chính là nơi trưng bày những hiện vật đã được khai quật tại thành Cổ Loa. Nỏ thần, bản đồ cổ loa xưa và các hiện vật khác được trưng bày trang trọng góp phần giúp du khách hiểu hơn về lịch sử cũng như nền văn minh thờ Âu Lạc tại nơi này.
Khu trưng bày rất thu hút du khách. Ảnh: @blissbio_offical
Kinh nghiệm check-in thành Cổ Loa tín đồ xê dịch nên biết
Để chiêm ngưỡng thành Cổ Loa với vẻ đẹp hoàn hảo nhất cũng như có thể tham gia các hoạt động đặc sắc được tổ chức tại đây thì thời điểm check-in là điều bạn nên lưu ý. Thời điểm hoàn hảo nhất để đến Cổ Loa là mùa xuân, khi không khí lễ hội ngập tràn và cảnh sắc nơi đây cũng đẹp nhất. Đặc biệt, nếu có thể hãy đến Cổ Loa và các ngày 4,5,6 tháng giêng âm lịch để tham gia lễ hội Cổ Loa với rất nhiều hoạt động đặc sắc. Ngoài ra, tại thành Cổ Loa vào các ngày mùng 1, 6, 11, 16, 21, 26 âm lịch của mỗi tháng sẽ có hoạt động “Phiên chợ Xa” nơi người ta tụ họp và bày bán các mặt hàng rất độc đáo.
Nên đến Cổ Loa vào mùa xuân để chiêm ngưỡng cảnh sắc đẹp nhất. Ảnh:wecheckinvn
Lễ hội ở Cổ Loa diễn ra vào tháng Giêng. Ảnh: Vnexpress
Từ trung tâm Hà Nội, muốn đến thành Cổ Loa bạn có thể tự di chuyển bằng xe máy, ô tô hoặc đi bus. Nếu đi bus thì hãy chọn xe số 46 lộ trình từ Mỹ Đình đến Đông Anh với giá 8,000đ/ lượt. Ngoài ra các chuyến số 15, 17, 43, 59, 65 cũng đều dừng ở ngã 3 Cổ Loa, xuống xe bạn có thể đi bộ hoặc bắt xe ôm vào khu du lịch Cổ Loa với khoảng cách 1km.
Bạn có thể đến Cổ Loa bằng bus, xe máy hoặc ô tô. Ảnh: @vickyhuong1102
Đến Cổ Loa ngoài thăm quan, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử thì bạn cũng đừng quên trải nghiệm ẩm thực. Ở Cổ Loa có đặc sản bún Mạch Tràng rất nổi tiếng hay món cháo Trai cà muối thần thánh. Ngoài ra các quán ốc hay hay các hàng ăn vặt quanh Cổ Loa cũng rất sầm uất đủ để bạn làm một food tour no bụng sau khi khám phá thành cổ.
Bún Mạch Tràng nức tiếng ở thành Cổ Loa. Ảnh: Kênh 14
Thành Cổ Loa chính là một di sản văn hóa là bằng chứng về sự sáng tạo của người Việt xưa và cũng là điểm đến tâm linh quan trong trong đời sống và sinh hoạt của người dân địa phương. Nếu có cơ hội hãy đến với Cổ Loa để đắm chìm trong những thanh âm lịch sử và cảm nhận rõ hơn về vẽ đẹp độc đáo của khu thành cổ nổi tiếng này nhé.
Ảnh: Internet
Nhận xét
Đăng nhận xét