Thiền Viện Trúc Lâm Hậu Giang là cụm công trình kiến trúc tôn giáo có quy mô lớn, giữ vai trò quan trọng trong sinh hoạt tín ngưỡng của người dân trong tỉnh nói riêng và khách du lịch miền Tây nói chung.
Giới thiệu về Thiền Viện Trúc Lâm Hậu Giang
Thiền Viện Trúc Lâm tỉnh Hậu Giang cùng với nhiều Thiền Viện lớn khác trên khắp cả nước là nơi tu theo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đây là một dòng thiền do vua Trần Nhân Tông - vị vua thứ ba triều đại Nhà Trần khai mở và phát triển, mang đậm dấu ấn, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Tương truyền sau khi lãnh đạo cả nước chống quân Nguyên Mông và xây dựng đất nước yên bình, thịnh trị, Vua đã nhường ngôi lại cho con và lên núi Yên Tử xuất gia tu hành. Trải qua thời gian dài tu tập và đắc đạo, từ ba dòng Thiền trước đó, ngài đã dung hợp và sáng lập thành Thiền phái Trúc lâm Yên Tử.
Điểm tựa tâm linh cho tăng ni, phật tử và người dân trong vùng. Ảnh: Hội SV Đại Học Võ Trường Toản
Cùng với Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam (Cần Thơ), An Giang, và Tiền Giang, Thiền viện Trúc Lâm Hậu Giang được xem là điểm tựa tâm linh vững chắc cho tăng ni, phật tử và người dân ở Hậu Giang, Trà Vinh và các vùng lân cận. Đây cũng là điểm hành hương và du lịch tôn giáo nổi tiếng của miền Tây sông nước. Công trình được khánh thành vào năm 2018 với tổng thời gian xây dựng kéo dài 3 năm trên diện tích rộng hơn 4ha.
Điểm nhấn du lịch văn hóa tôn giáo của mảnh đất Hậu Giang. Ảnh: vntrip
Về quy mô, công trình có tổng mức đầu tư xây dựng lên đến 300 tỉ đồng, chủ yếu từ nguồn vận động xã hội hóa. Thiền viện Trúc Lâm tỉnh Hậu Giang là công trình tâm linh có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của Phật giáo. Đây đồng thời là địa điểm du lịch Hậu Giang nối tiếng mang vai trò kết nối cùng những di tích lịch sử, văn hóa truyền thống khác của địa phương.
Cụm công trình rất quy mô. Ảnh: FB Hội SV Đại Học Võ Trường Toản
Cung đường về Thiền Viện Trúc Lâm Hậu Giang
Thiền viện Trúc Lâm của tỉnh Hậu Giang có vị trí thuận lợi và khá dễ tìm, tọa lạc ở ngã ba Vĩnh Tường, thuộc phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
Nếu xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể đi đến Thiền Viện bằng nhiều phương tiện như xe máy, ô tô tự lái, thuê hoặc xe khách:
- Chọn phương tiện xe máy, bạn đi theo hướng dẫn sau: Bắt đầu đi từ nội thành đi ra đến Bình Chánh, rồi đi thẳng vào Quốc lộ 1A đến đoạn qua Mỹ Yên, đi tới cầu Bến Lức. Sau đó tiếp tục di chuyển tới thành phố Tân An, tỉnh Long An, vào địa phận thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, qua cầu Mỹ Thuận tới địa phận tỉnh Vĩnh Long rồi đi tiếp tới cầu Cần Thơ. Đến đây, du khách chỉ cần qua quốc lộ 1A là tới được trung tâm Hậu Giang - thành phố Vị Thanh. Đoạn đường từ đây đến thị xã Long Mỹ dài khoảng 21,8km nữa. Cung đường cụ thể như sau: đi theo hướng về Cần Thơ theo Quốc lộ 61 cũ. Du khách tiếp tục di chuyển qua Cái Tắc, đi thẳng đến ngã ba Vĩnh Tường thuộc khu vực Bình Tân, phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Ngay lúc này, bạn sẽ nhìn thấy trước mắt một cụm công trình kiến trúc tôn giáo hoành tráng trên một khuôn viên rộng lớn. Đó chính là Thiền Viện Trúc Lâm ở Hậu Giang.
Thiền viện nằm ở vị trí đắc địa. Ảnh: Vntrip
- Đi bằng ô tô: Với phương tiện này, du khách cũng bắt đầu đi từ hướng Bình Chánh nhưng rẽ vào cao tốc Hồ Chí Minh – Trung Lương đi hết 50km đường cao tốc để rút ngắn thời gian hơn. Sau khi ra khỏi cao tốc thì rẽ vào quốc lộ 1A rồi đi tiếp bạn sẽ đến được Tiền Giang. Từ đây, bạn di chuyển theo cung đường giống như hành trình xe máy là sẽ tới nơi nhé.
- Nếu chọn phương tiện xe xe khách thì bạn chỉ cần ra bến xe miền Tây và mua vé đi đến bến xe Hậu Giang. Hiện tại có khá nhiều nhà xe chất lượng tốt như Mai Linh, Tân Hồng Phước, Phương Trang khởi hành từ TP. Hồ Chí Minh đến thành phố Vị Thanh của Hậu Giang. Từ đây, bạn có thể đi xe ôm hay taxi vào thị xã Long Mỹ nhé.
Thiền Viện bao gồm nhiều hạng mục. Ảnh: Fb Thích Ăn Uống Cần Thơ
|
Tìm hiểu kiến trúc Thiền Viện Trúc Lâm Hậu Giang
Thiền viện Trúc Lâm tỉnh Hậu Giang là nơi tu hành theo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Công trình được khánh thành vào ngày 17/6, sau hơn 3 năm thi công và xây dựng. Thiền viện có tất cả 16 hạng mục lớn nhỏ, được xây dựng trong khuôn viên rộng hơn 4 ha tạo thành một quần thể công trình tôn giáo mang đậm kiến trúc văn hóa tâm linh.
Thiền Viện được xây dựng dựa trên kiến trúc chùa chiền Việt Nam. Ảnh: Vntrip
Nhìn tổng quát, ngôi Thiền viện được xây dựng dựa trên kiến trúc cơ bản của chùa chiền phong kiến Việt Nam mà cụ thể là phong cách mỹ thuật Phật giáo thời Lý, Trần. Những hạng mục chính gồm Cổng tam quan, chánh điện, nhà Tổ, tôn tượng Quan Âm lộ thiên, miếu thờ Mẹ Âu Cơ, lầu chuông. Ngoài ra còn có lầu trống, nhà nghỉ chân, giảng đường, trai đường cùng nhà trụ trì, nhà khách, thư viện, Tăng xá, Ni xá,...
Hành lang. Ảnh: haugiang.tintuc
Khu vực chánh điện được lát bằng gạch đỏ. Những cột gỗ được đặt trên các tấm đá xám trang trí vân mây, chạm hoa sen cách điệu.
Chánh điện Thiền Viện. Ảnh: thamhiemmekong
Là công trình tôn giáo mới được xây dựng thời gian gần đây nên phần lớn nội thất của Thiền Viện Trúc Lâm Hậu Giang còn khá mới mẻ, đơn giản nhưng vẫn thể hiện được sự trang trọng.
Những tấm tán bằng đá xám vân mây, chạm trổ hình hoa sen cách điệu. Ảnh: FB Thích Ăn Uống Cần Thơ
Khung cảnh thanh bình và tĩnh lặng
Không gian Thiền Viện rất rộng rãi và thoáng mát, sạch sẽ với nhiều loại cây cảnh được bày trí, cắt tỉa cẩn thận. Nhiều dãy ghế đá được bố trí hợp lý để Phật Tử và du khách có chỗ nghỉ ngơi, ngắm cảnh.
Khuôn viên nơi tu tập rộng rãi, thoáng mát. Ảnh: vntrip
Nếu có dịp du lịch Hậu Giang và viếng Thiền Viện Trúc Lâm Hậu Giang bạn sẽ cảm nhận được không khí trong lành, vẻ tĩnh lặng của khung cảnh nơi đây. Ngay khi đặt chân qua cổng chính, bước vào bên trong, du khách đã bắt gặp hình ảnh đầu tiên là một khoảng ao rộng đầy sen khiến ai cũng như tịnh tâm và tạm quên đi những phiền muộn hay bận rộn thường ngày. Khung cảnh thơ mộng và yên tĩnh tại Thiền Viện cũng là nơi giúp bạn chụp được nhiều bức ảnh đẹp và độc đáo nữa đấy nên đừng bỏ lỡ những khoảnh khắc ấn tượng ở chốn Thiền Tu nhé.
Cổng tam quan Thiền viện. Ảnh: thamhiemmekong
Lưu ý khi vào Thiền viện Trúc Lâm tỉnh Hậu Giang
Thiền viện nói riêng và các công trình tôn giáo nói chung là nơi thanh tịnh, trang nghiêm, chốn tu đạo nên khi đến đây bạn nhớ đi nhẹ, nói khẽ, ăn mặc kín đáo và tuân theo nội quy. Một điểm cần ghi nhớ nữa là khi đi vào khu vực chánh điện các bạn hãy bỏ giày dép bên ngoài, để khi vào hành hương, bái phật, cầu an với sự thành tâm và tôn trọng nhất nhé.
Tượng Phật Quan Âm trong Thiền Viện. Ảnh: Metrip
Lưu trú ở đâu khi đến tham quan Thiền Viện Trúc Lâm Hậu Giang?
Nếu có kế hoạch du lịch miền Tây, cụ thể là ở lại Hậu Giang nhiều ngày sau khi viếng Thiền Viện thì bạn có thể tham khảo các khách sạn, nhà nghỉ sau khi du lịch Thiền Viện:
- Khách sạn Phúc Lâm: nằm ở số 01 Nguyễn Quốc Thanh thuộc thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
- Khách sạn Hoa Mai: nằm ở tỉnh lộ 930, thị xã Long Mỹ, thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
- Khách sạn Phương Huyền: nằm ở đường Bình Thạnh B, phường Bình Thạnh, thuộc thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
- Nhà nghỉ Anh Đào có địa chỉ là số 54 đường 30/4, thị xã Long Mỹ, thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
- Nhà nghỉ Phương Huyền ở đường Phạm Văn Nhờ, ấp Bình Thạnh B, phường Bình Thạnh, thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
Nhiều công trình có màu gạch đỏ rực. Ảnh: haugiang.tintuc
Sau chuyến tham quan khu du lịch tâm linh là Thiền Viện Trúc Lâm, tùy vào lịch trình và thời gian du lịch mà du khách có thể chọn đi thêm các địa danh nổi tiếng khác như chợ nổi Ngã Bảy Hậu Giang, khu sinh thái Rừng Tràm Chim Vị Thủy, khu du lịch sinh thái Tây Đô, khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng... nhé.
Chốn tu tập tôn nghiêm. Ảnh: Fb Thích Ăn Uống Cần Thơ
Thiền Viện Trúc Lâm Hậu Giang là công trình tôn giáo mang dấu ấn tâm linh quan trọng của tỉnh nói riêng và khu vực miền Tây nói chung. Người ta đến đây để hành hương, tu tập, để bày tỏ lòng thành kính, hướng Phật cũng như tìm lại sự bình yên trong tâm hồn giữa cuộc sống bận rộn nhiều lo âu. Đây cũng là một điểm du lịch nổi bật, thu hút nhiều du khách ghé thăm. Trong những lưu ý khi đi du lịch miền Tây, bạn nhớ dành thời gian check in điểm đến này nhé.
Ảnh: Internet
Nhận xét
Đăng nhận xét