Đi tìm công bằng cho tê tê - Câu chuyện đầy xúc động của Nhà bảo tồn đầu tiên tại Việt Nam giành giải thưởng môi trường danh giá nhất thế giới
Chiều 15/6, giải thưởng môi trường danh giá nhất thế giới - The Goldman Environmental Prize 2021 đã vinh danh 6 nhà hoạt động môi trường cấp cơ sở đến từ Peru, Hoa Kỳ, Bosnia và Herzegovina, Nhật Bản, Việt Nam và Malawi.
Giải thưởng môi trường Goldman ra đời năm 1989 được ví như "Nobel xanh", trao tặng hàng năm cho các "anh hùng" môi trường thế giới, nhằm ghi nhận đóng góp quan trọng trong bảo vệ thiên nhiên.
Anh Nguyễn Văn Thái, 39 tuổi, nhà bảo tồn đầu tiên tại Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng. Anh là người sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành của Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife, viết tắt SVW).
Trong lịch sử hơn 30 năm của giải thưởng, đến nay, Việt Nam mới có hai người duy nhất được nhận giải. Trước đó, năm 2018, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Green ID) được xướng tên nhờ thành tựu phát triển năng lượng bền vững.
Anh Nguyễn Văn Thái, 39 tuổi, nhà bảo tồn đầu tiên tại Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng The Goldman Environmental Prize 2021.
Anh Thái sinh ra và lớn lên tại xã Văn Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Nhà anh cách Vườn Quốc gia Cúc Phương không xa. Giống như bao đứa trẻ nông thôn khác, anh lớn lên từ những buổi chăn thả trâu, bò ở những cánh đồng gần bìa rừng. Tuổi thơ gắn bó với rừng và có nhiều trải nghiệm.
Đầu những năm 90, khi lớn dần lên, anh bắt đầu nhìn thấy sự mất mát của rừng già. Mỗi ngày, cậu bé 15 tuổi chứng kiến hàng trăm, hàng nghìn chuyến xe chở gỗ, chở củi đi ra từ phía rừng. Thậm chí, ngay cạnh nhà, trước mắt anh đầy rẫy cảnh săn bắt động vật hoang dã. Anh từng nhìn thấy người ta đào những con tê tê lên, bóc vảy và giết chúng.
"Tôi muốn trở thành một cán bộ bảo vệ rừng và các loài động vật hoang dã!".
Anh quyết định thi vào chuyên ngành Quản lý tài nguyên Rừng và Môi trường, Đại học Lâm Nghiệp Việt Nam. Những năm sau, anh du học tại Mỹ, Anh và Úc, chuyên sâu lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã, quản lý môi trường và quản lý tổ chức phi lợi nhuận.
Về nước, tháng 7/2014, anh bắt tay thực hiện hóa giấc mơ, thành lập Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW). Sau một hành trình từ Bắc vào Nam, anh tin rằng một tổ chức tại Việt Nam nơi người Việt thể hiện được vai trò lãnh đạo, sẽ mang lại những giải pháp bền vững và lâu dài cho công tác bảo tồn.
Mỗi người đều có quan điểm riêng, sự lựa chọn riêng. Rất nhiều người chọn cuộc sống dễ dàng, nhưng anh chưa bao giờ nghĩ vậy.
"Tôi luôn đau đáu phải làm thế nào để biến Việt Nam thành một nơi tốt hơn và đáng sống hơn", anh nói.
Chúng tôi hẹn gặp anh Nguyễn Văn Thái tại Trung tâm Giáo dục Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê đầu tiên ở Việt Nam, trong khuôn viên Vườn Quốc gia Cúc Phương. Người đàn ông gần 40 điềm đạm và mộc mạc. Anh dẫn chúng tôi tham quan nơi đang chăm sóc tê tê và các loài động vật hoang dã khác.
Ngắm nhìn chú tê tê 2 tháng tuổi húp sồn soạt cốc sữa bột, anh nhẹ nhàng vuốt ve nó. Anh bày tỏ tình yêu đặc biệt với loài vật này trong suốt buổi trò chuyện kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ.
Tại SVW, chúng tôi bảo tồn động vật hoang dã một cách toàn diện. Đầu tiên, gìn giữ những gì mà hệ động vật hoang dã tại Việt Nam đang có, thông qua các biện pháp cứu hộ. Mỗi năm, chúng tôi cứu hộ từ 400 - 500 cá thể, chăm sóc và chữa trị, rồi tái thả về tự nhiên.
7 năm qua, tính đến tháng 5/2021, SVW trực tiếp cứu hộ khoảng 2.000 cá thể động vật hoang dã, thuộc 40 loài khác nhau. Phần lớn trong số đó là tê tê, gần 1.540 con - nhiều nhất trên thế giới. 60% số cá thể này được tái thả về tự nhiên an toàn. Một số cá thể quá yếu, bị thương tật rồi chết đi. Cũng có những con do mất khả năng sinh sống ngoài tự nhiên, được giữ lại các khu giáo dục hoặc chuyển đến nơi khác phù hợp hơn.
Khi tái thả động vật hoang dã về tự nhiên, chúng tôi đã kết hợp với Ban quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát (tỉnh Nghệ An) thành lập "Đội đặc nhiệm bảo vệ rừng" đầu tiên tại Việt Nam, tên tiếng Anh là Anti - poaching. Đội đặc nhiệm có nhiệm vụ bảo vệ những khu vực trọng điểm nơi chúng tôi tái thả động vật hoang dã.
179.660 là số km SVW cứu hộ và tái thả động vật. Trung tâm còn xây mới 74 chuồng động vật, 2 bệnh viện thú y và một khu bán hoang dã, đồng thời sửa chữa 1.125 m2 chuồng.
Song song cứu hộ, bảo vệ rừng, chúng tôi xây dựng các chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức cho trẻ em và cộng đồng địa phương. Chúng tôi hy vọng người dân yêu thiên nhiên, quý trọng động vật hoang dã và sau này không cần phải đi vào trong rừng để kiếm kế mưu sinh.
Xung quanh Vườn Quốc gia Cúc Phương, chúng tôi mang đến cho 15.000 học sinh ở khu vực vùng đệm cơ hội trải nghiệm thiên nhiên. 90% học sinh quyết định không sử dụng động vật hoang dã. Đồng thời vận động và thuyết phục 1.119 người dân vùng đệm ký cam kết không ăn, không sử dụng, không săn bắt và buôn bán động vật hoang dã.
Hiện nay, trong Vườn Quốc gia Pù Mát, chúng tôi thành lập những câu lạc bộ yêu thiên nhiên, yêu động vật hoang dã và cho các bạn trẻ cơ hội khám phá, trải nghiệm. Chúng tôi cung cấp kiến thức cho các câu lạc bộ “nòng cốt”, để họ tiếp tục truyền cảm hứng tới những học sinh khác. Và đặc biệt, các em học sinh sẽ mang tâm tư, nguyện vọng ấy truyền đạt cho bố mẹ, thay đổi thói quen vào rừng săn bắt của họ.
SVW cũng thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu. Chúng tôi gắn các thiết bị lên động vật khi chúng được tái thả, đặt các bẫy ảnh (máy ảnh) trong rừng để quan sát khả năng sống sót của chúng. Từ đó, đánh giá sự thay đổi, tăng trưởng của quần thể ngoài tự nhiên. Những nghiên cứu này sẽ giúp trung tâm đưa ra các giải pháp bảo tồn tốt hơn.
Từ ý nghĩa và hành động trực tiếp, SVW đề xuất với cơ quan nhà nước sửa đổi văn bản pháp luật phù hợp với thực tiễn, mang lại ý nghĩa trong công tác bảo tồn.
Đội đặc nhiệm bảo vệ rừng là mô hình đồng quản lý giữa một tổ chức phi lợi nhuận (SVW) và một cơ quan nhà nước (Vườn Quốc gia Pù Mát). Đây là sự phối hợp nhuần nhuyễn, tạo ra một kết quả lớn, góp phần thay đổi đối với công tác bảo vệ rừng tại Pù Mát.
Đội đặc nhiệm sau khi được tuyển chọn, trải qua quá trình tập huấn rất chi tiết. Họ được trang bị thông tin về động vật hoang dã, kiến thức bảo tồn, nhận dạng động vật và các văn bản pháp luật. Chúng tôi mời chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, mời cán bộ công an dạy võ để đội có thể xử lý các tình huống nguy hiểm.
Đội đặc nhiệm bảo vệ rừng sử dụng phần mềm, công nghệ hiện đại, thiết bị smartphone có chương trình Báo cáo và Giám sát không gian trong quá trình tuần tra bảo vệ Vườn Quốc gia Pù Mát. Họ đi đến đâu, toàn bộ đường đi, dữ liệu bẫy thú, người vi phạm,… đều được lưu lại. Đây chính là cơ sở và bằng chứng minh bạch thông tin đối với họ và cán bộ kiểm lâm.
Qua 3 năm làm việc tại Vườn Quốc gia Pù Mát, Đội đặc nhiệm bảo vệ rừng đã tịch thu hơn 10.000 cái bẫy, gần 80 khẩu súng, bắt giữ hơn 600 người vi phạm và phá huỷ gần 700 - 800 lán trại bất hợp pháp. Rất nhiều động vật hoang dã được giải cứu, giảm đến hơn 80% hoạt động săn bắt thú rừng trái phép.
Thành viên Đội đặc nhiệm bảo vệ rừng còn rất trẻ. Họ trải qua 7 - 10 ngày cho mỗi chuyến đi rừng. Mỗi chuyến đi là một câu chuyện nhất định.
Một lần, Đội phát hiện một con khỉ gần như đã kiệt sức, không còn sức sống. Họ gỡ bẫy, cố lay người nó và cung cấp nước, hy vọng cứu sống. Tuy nhiên, cá thể khỉ đã rất yếu, không qua khỏi.
Đoạn clip ghi lại cảnh những bạn trẻ cố gắng tìm kiếm sự sống cho sinh vật bé nhỏ, được quay lại và đăng tải lên mạng xã hội, thu về 2 triệu lượt xem. Các bạn ấy, không chỉ làm công việc của mình, còn là nguồn cảm hứng, xây dựng niềm tin đến những người xung quanh.
Nguy cơ luôn luôn có, nhưng chúng tôi cố gắng giảm ở mức tối thiểu nhất có thể.
Khi tái thả động vật về tự nhiên, Đội đặc nhiệm bảo vệ rừng sẽ ngày đêm tuần tra. Đặc biệt, trên cơ thể động vật tái thả sẽ được gắn microchip (chíp siêu nhỏ) để theo dõi. Rất may mắn trong 7 năm qua, chúng tôi chưa cứu hộ cá thể nào mà trước đây được tái thả. Đó là một sự may mắn!
Trái lại, ở những khu vực tái thả, quần thể đang tốt dần lên, là những tín hiệu vui cho công tác bảo tồn.
Từ thành công của mô hình tuần tra bảo vệ rừng tại Vườn Quốc gia Pù Mát, SVW đã ký thỏa thuận hợp tác với 5 Vườn Quốc gia khác, gồm VQG Cúc Phương, Cát Tiên, U Minh Thượng và U Minh Hạ, và hướng tới thúc đẩy công tác bảo vệ rừng ở tất cả VQG, khu bảo tồn tại Việt Nam.
Những chuyến đi rừng luôn luôn có nhiều nguy hiểm. Trong một lần tái thả 54 cá thể tê tê, chúng tôi băng rừng khoảng 4- 5km, lên núi xuống suối, có khi nước ngập đến cổ. Chuyến đi thực sự vất vả. Sau mỗi lần thả một con tê tê, chúng tôi lại ngược đường, về bãi đậu xe, bế một con tê tê khác đến khu vực tái thả mới, tránh việc cạnh tranh sinh thái.
Công việc cứ thế quần quật từ 5h chiều đến 3h sáng hôm sau mới kết thúc, không kịp ăn uống. Tuy vất vả, nhưng việc tái thả động vật hoang dã luôn mang đến một niềm vui cực lớn. Cả quá trình giải cứu và chăm sóc chúng, khoảnh khắc đáng mong chờ nhất, chính là khi từng con vật bước ra khỏi chiếc hộp và trở về với thiên nhiên.
Nhìn 54 khuôn mặt tê tê lần lượt bước ra, chúng tôi quên đi nỗi mệt nhọc và vất vả.
Tê tê nhìn bên ngoài gồ ghề, xù xì, cơ thể bao phủ một lớp vảy mà nhiều em học sinh so sánh "giống như những chú khủng long". Trên thực tế, chúng rất hiền và sợ sệt, chỉ cuộn tròn như quả bóng để tự bảo vệ khỏi tất cả mối đe dọa ngoài tự nhiên.
Tê tê không có răng, nên không thể cắn hay tấn công con người. Tuy nhiên, con người lại đang dần tận diệt loài động vật này, đẩy chúng đến bờ vực tuyệt chủng. Chính sự hiền lành, nhút nhát, vô hại của tê tê, đã thôi thúc tôi hành động và bảo vệ nó.
Tôi đã thành lập Trung tâm phục hồi chức năng cho Tê tê Châu Á đầu tiên của Việt Nam, nhằm tập trung vào việc phục hồi chức năng cho những cá thể tê tê trong điều kiện nuôi nhốt. Khi được cứu hộ, chúng thường trong tình trạng nguy kịch do ảnh hưởng của quá trình săn bắt, buôn bán và vận chuyển.
Kết quả thực tế nhìn thấy được 80% trong số những cá thể tê tê bị thương nặng và nhiễm trùng đã được cứu chữa và phục hồi. Đồng thời các phòng khám cũng đóng vai trò là cơ sở nghiên cứu quan trọng, nhằm nâng cao và cải thiện công tác chăm sóc y tế cho tê tê.
Qua nghiên cứu thực tế, đã xác định được 12 loài ký sinh trùng ở tê tê và phác đồ được các kế hoạch điều trị tương ứng.
Chúng tôi từng phỏng vấn 9.000 người dân tại 15 tỉnh/thành, để tìm hiểu lý do vì sao họ tin tưởng sử dụng tê tê.
Tôi nhận thấy rằng mỗi người một quan điểm khác nhau. Hầu hết họ đều nghe "truyền miệng" dân gian, không chứng minh được giá trị về mặt y học và khoa học. Họ nói tê tê là thần dược, giúp tăng cường sức khỏe, giải độc, tiêu sưng, lợi sữa,... Những câu chuyện họ đưa ra tuy hay ho, nhưng không có căn cứ khoa học nào.
Tôi rất buồn khi nhiều người Việt Nam nghe cái gì hiếm là đồng nghĩa với quý, mà đã quý thì muốn sỡ hữu, vô tình tạo thành một chuỗi sử dụng và tiêu thụ động vật hoang dã. Khi tê tê hay bất cứ động vật hoang dã nào lọt vào tầm ngắm, chúng đều trở thành đối tượng bị săn lùng.
Đây là sự vô trách nhiệm của nhiều người. Tôi hy vọng rằng họ sẽ thay đổi được quan điểm cổ hủ đó, để các loài động vật hoang dã nói chung và tê tê nói riêng được bảo vệ và thực sự an toàn.
Chúng tôi tốn nhiều công sức và cả nước mắt khi mới bắt đầu chăm sóc tê tê. Trong 3 tháng liền, chúng tôi thức 24/24 giờ, quan sát và nghiên cứu tập tính, sinh thái của chúng, từ đó hiểu biết thêm về loài động vật này.
SVW là đơn vị đầu tiên trên thế giới triển khai giám sát tê tê tái thả bằng công nghệ máy bay không người lái thu tín hiệu sóng radio từ các thiết bị gắn lên cơ thể nó. Hiện, 24 cá thể tê tê đã và đang được theo dõi.
Việt Nam có 2 loài tê tê là tê tê java và tê tê vàng. Nếu như tê tê java cho thấy sự phát triển tốt hơn ngoài tự nhiên, thì "người anh em" còn lại bị suy giảm nghiêm trọng. Năm 2016, SVW phối hợp với Đại học Washington (Mỹ) đưa chó nghiệp vụ về Việt Nam tìm kiếm tê tê vàng.
Chúng được huấn luyện ngửi mẫu phân và mùi của tê tê. Nhưng trong 2 tháng, chúng không tìm thấy bất cứ con tê tê vàng nào.
16 năm làm công tác bảo tồn tê tê, bản thân tôi và các nhà khoa học ở Việt Nam, không ai nhìn thấy hay chụp được bức ảnh nào của tê tê vàng ngoài tự nhiên. Đâu đó nghe qua, một vài người thợ săn bắt được nhỏ lẻ một vài cá thể. Điều này có nghĩa là nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên của loài này rất cao.
Chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm tê tê vàng, phát triển chương trình sinh sản bảo tồn, hy vọng sớm đưa chúng trở lại tự nhiên.
Thú thực là chưa.
Năm 2016, tôi tham gia nhiều chuỗi hội nghị, vận động đưa cả 8 loài tê tê từ Phụ lục II lên Phụ lục I thuộc Công ước về buôn bán Quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Convention on International Trade in Endangered Species, CITES). Với việc lên Phụ lục I, giữa các quốc gia sẽ bị cấm buôn bán động vật hoang dã.
Sau quá trình vận động rất lâu, đến cuối năm 2016, cả 8 loài tê tê đã được đưa vào Phụ lục I. Đây là kết quả nỗ lực chung mà hơn 60 con người của SVW đã ngày đêm thực hiện.
Chúng tôi đã có những thành công ban đầu, nhưng chỉ khi nào tê tê thực sự an toàn, Việt Nam không còn người tiêu thụ và săn bắt nó nữa, thì công bằng lúc đó mới được trả lại.
Để hiểu rõ hoạt động buôn bán động vật hoang dã, những đường dây và các đối tượng, chúng tôi quyết định thâm nhập vào "sào huyệt" của chúng. Đây là một hoạt động nguy hiểm, cần nhiều kỹ năng. Kể cả được bảo hộ kĩ càng, thì nguy cơ vẫn luôn rình rập.
Năm 2016, trong một lần lén quay phim hoạt động mua bán động vật hoang dã tại Huế, bất ngờ nhiều người lao đến bủa vây tôi. Họ hô to "phóng viên, phóng viên đấy", rồi yêu cầu tôi xóa ngay các hình ảnh.
Rất may mắn, một đồng nghiệp khác ngồi trên xe máy chờ sẵn bên ngoài. Tôi chạy thật nhanh, cả 2 cùng phóng xe rời khỏi hiện trường.
Ngoài ra, chúng tôi cũng làm việc với các cơ quan báo chí, cùng họ điều tra các tụ điểm. Nếu phát hiện những hành vi vi phạm, chúng tôi ghi hình lại, rồi đưa dữ liệu cho cơ quan chức năng, từ đó làm cơ sở triệt phá nhà hàng, tụ điểm, bắt giữ nhiều đối tượng.
Điều tôi tiếc nuối nhất là việc nhiều người Việt Nam chưa thực sự quan tâm và bảo tồn động vật hoang dã. Rất nhiều người trong số chúng ta đã sử dụng và tiêu thụ động vật hoang dã trái phép, hoặc không bao giờ đấu tranh, lên án đối với hành vi đó.
Tôi nghĩ chúng ta cần phải thay đổi và yêu thiên nhiên hơn. Mỗi con vật là mỗi sự sống, cũng có giá trị và ý nghĩa của nó.
Một cá nhân, một tổ chức, hay chỉ những người làm bảo tồn như chúng tôi, không thể giải quyết được cả vấn đề. Quan trọng nhất trong công tác bảo vệ môi trường và bảo tồn động vật hoang dã, chính là việc chúng ta phải cùng nhau đứng lên và nhìn về một hướng.
Tôi thực sự rất buồn. 7 năm qua, chúng tôi đối diện với nhiều câu chuyện, hình ảnh thương tâm.
Có lần, tôi chứng kiến một cá thể tê tê bị mắc bẫy, đứt ngang cổ, lưỡi của nó bị cắt một nửa. Tê tê phải có chiếc lưỡi thật dài mới có thể ăn mối, ăn kiến và uống nước. Đối với “cô” tê tê đó, lưỡi nó không đủ dài, nhưng vẫn cố gắng giãy giụa hết sức để sống.
Tê tê thò chiếc lưỡi ngắn từ vết thương trên cổ và uống nước. Cũng trong thời điểm ấy, nó chuyển dạ, nhưng rất tiếc bé tê tê con đã qua đời trước khi được sinh ra. Đối diện với hình ảnh tê tê mẹ quằn quại trong đau đớn chỉ mong được sống, chúng tôi bất lực vì sau cùng không thể mang lại cuộc sống cho nó.
Hình ảnh đó luôn luôn tồn đọng mãi, khiến chúng tôi quyết tâm hơn nữa, rằng sẽ cùng làm, cùng nỗ lực, để mang lại nhiều cuộc sống cho những động vật có hoàn cảnh tương tự và mang chúng về lại ngôi nhà ngoài tự nhiên.
Lần khác, chúng tôi nhận thông tin có 115 cá thể tê tê còn sống vừa được cứu hộ. Sau 3 giờ đồng hồ chạy xe hơn 100km đến khu vực, mở cốp xe ô tô bị bắt giữ, thì than ôi, hầu hết tê tê đã chết vì sốc nhiệt.
Chúng tôi luôn cố gắng cứu chữa, hy vọng mang lại cuộc sống cho động vật hoang dã, nhưng 90 cuộc đời kia chết ngay trước mắt mình. Chúng tôi cực kỳ đau đớn. Nhiều người đã khóc.
Đó là chuyến cứu hộ ám ảnh nhất cuộc đời, không chỉ với tôi, mà còn với tất cả nhân viên của SVW.
Tôi rất bất ngờ và tự hào khi biết mình giành giải thưởng môi trường Goldman 2021. Tôi không tự ứng cử, quá trình đề cử đến xét duyệt giải thưởng đều bí mật. Ban tổ chức chủ động quan sát và đánh giá các ứng viên.
Tôi không nghĩ giải thưởng này được trao cho riêng cá nhân mình. Đó là sự ghi nhận không chỉ tại Việt Nam mà cả cộng đồng quốc tế, đối với một tập thể 60 con người tại SVW, tiếp thêm niềm tin cho những ai đang làm về công tác bảo tồn tại Việt Nam.
Giải thưởng này sẽ là động lực, cảm hứng, để chúng ta cùng nhau hành động và gìn giữ thiên nhiên.
Tôi rất vui vì Việt Nam đã có 2 đại diện nhận giải thưởng này. Điều đó chứng tỏ người Việt Nam đã có sự quan tâm, đóng góp nhất định đối với công tác bảo vệ môi trường, được thế giới đánh giá cao và công nhận thành quả đó.
100% số tiền thưởng sẽ được dành cho công tác bảo tồn động vật hoang dã.
Chúng tôi tiếp tục nâng cao năng lực, đào tạo kiến thức cho các nhân viên của SVW. Hiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nguồn tài trợ bị suy giảm. Số tiền thưởng này sẽ giúp chúng tôi tiếp tục cứu trợ động vật bị buôn bán trái phép, hỗ trợ Đội đặc nhiệm bảo vệ rừng.
Xét toàn diện, các bạn trẻ hiện nay tiếp cận đa nguồn thông tin, trang bị nhiều kiến thức. Họ yêu và quan tâm thiên nhiên, sẵn sàng tình nguyện đóng góp công sức đối với hoạt động môi trường, bảo vệ động vật hoang dã. Đây là điều tích cực mà tôi nhận thấy, khác biệt so với thời điểm tôi mới bắt đầu công tác bảo tồn.
Dù vậy, một bộ phận rất nhỏ thể hiện tình yêu động vật hoang dã một cách mù quáng. Vì quá yêu, nên họ muốn sở hữu, nuôi chúng thành thú cưng giữ trong nhà.
Các bạn ấy có quan điểm sai lầm, rằng "Khi nuôi, nghĩa là mình đang cứu cuộc đời 1 con vật". Nhưng lại không hiểu được rằng, những hành động đó đã vô tình đẩy các loài động vật hoang dã đến cuộc sống bất hạnh. Nuôi trong nhà, sao bằng cuộc sống trong rừng, bên bố mẹ và gia đình của chúng.
Chính hành động đó vô tình thúc đẩy hoạt động buôn bán, săn bắt động vật hoang dã. Tôi mong rằng, họ sẽ thay đổi suy nghĩ. Yêu thì nên để chúng về với thiên nhiên, thay vì sở hữu cá nhân.
Tôi mong các bạn trẻ không ăn, không sử dụng động vật hoang dã và lên án những hoạt động mua bán, săn bắt tiêu thụ trái phép. Nếu có thời gian, các bạn hãy trải nghiệm vào rừng, đến gần hơn với thiên nhiên.
Tôi rất tiếc khi rừng ở Việt Nam đẹp, có nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm, nhưng công tác khai thác du lịch sinh thái chưa nhiều.
Chúng tôi tiếp tục đi thực tế, cứu hộ, chăm sóc và tái thả động vật hoang dã về tự nhiên, đồng thời mở rộng hoạt động trung tâm không chỉ tại rừng Cúc Phương và Pù Mát.
Tôi hy vọng có thể thành lập Hội cứu hộ động vật hoang dã Việt Nam, nơi mọi người cùng làm việc với nhau và đưa ra những biện pháp bảo tồn động vật hoang dã.
SVW vẫn sẽ cố gắng thúc đẩy thay đổi chính sách pháp luật, đặc biệt chính sách sử dụng động vật hoang dã, bởi vì chừng nào còn có cầu, thì vẫn sẽ có cung. Có người ăn, luôn luôn thúc đẩy quá trình tàng trữ, buôn bán và vận chuyển. Nếu chúng ta triệt tiêu ăn và sử dụng, thì sẽ cắt được chuỗi cung ứng trước đó.
Tôi mong những điều SVW và tôi làm, sẽ truyền cảm hứng và "lôi kéo" nhiều người Việt Nam, nhất là các bạn trẻ trong công tác bảo tồn.
Ai cũng có thể trở thành người hùng bảo vệ động vật hoang dã, nếu có sự quyết tâm và nhiệt huyết. Hãy hành động, chỉ có hành động mới tạo ra kết quả.
Source: https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/di-tim-cong-bang-cho-te-te-cau-chuyen-day-xuc-dong-cua-nha-bao-ton-dau-tien-tai-viet-nam-gianh-giai-thuong-danh-gia-nobel-xanh-162210507045040550.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét