Miền Trung không chỉ nổi tiếng với các địa điểm du lịch tuyệt đẹp mà còn hấp dẫn du khách gần xa bởi nền ẩm thực phong phú, đặc sắc. Ngoài những món ngon làm nên thương hiệu như bánh tráng Đà Nẵng, bún bò Huế, mì Quảng,... còn có một đặc sản "trứ danh" khác không thể không nhắc đến. Đó là món tré - thức quà dân dã của miền Trung, đặc biệt là ở đất võ Bình Định.
Theo người dân địa phương, không ai biết tên gọi đặc biệt của món ăn có từ đâu, chỉ biết rằng nghề làm tré đã xuất hiện vào khoảng đầu thế kỉ 19. Lâu dần, tré trở thành món ngon gia truyền góp mặt trong mâm cỗ mọi nhà mỗi dịp Tết đến xuân về.
Tùy theo khẩu vị, thói quen, phong tục ở từng địa phương mà tré lại có cách làm khác nhau. Chẳng hạn, tré Bình Định được làm từ phần thịt đầu heo đã luộc chín rồi thái nhỏ và phần thịt ba chỉ được chiên lên, kết hợp trộn đều với các gia vị như hạt tiêu, riềng, hạt mè, bột nêm, muối, thính, tỏi. Còn ở Huế, người ta thường làm tré với chút thịt bò được rim mắm đường và gừng cho tăng hương vị.
Dù mỗi nơi có một bí quyết riêng nhưng nhìn chung, nguyên liệu chính để làm nên món tré "trứ danh" đều gồm thịt ba chỉ, thịt mông, thịt nạc vai, tai, bì (da) lợn và các gia vị đi kèm như riềng, hạt mè rang chín.
Để làm tré đạt chất lượng nhất, người dân địa phương phải chọn loại thịt heo tươi, sạch. Thịt và da được cạo bỏ hết lông, rửa sạch rồi hấp chín trong một giờ. Riêng phần thịt nạc được chiên cho tới khi vàng đều. Sau đó, tai heo, thịt ba chỉ, thịt mông được cắt thành miếng vuông rồi thái nhuyễn còn thịt nạc được thái thành lát mỏng. Bì heo cũng được cán mỏng và thái sợi.
Đem các nguyên liệu đã chế biến chín trộn đều với các gia vị như mì chính, đường, nước mắm, muối, hạt mè, tỏi,... theo tỉ lệ thích hợp. Đặc biệt công đoạn này không thể thiếu riềng, thứ nguyên liệu góp phần tạo nên hương vị đặc trưng cho món ăn. Cần chọn riềng không quá già hoặc quá non, sau đó đem cạo vỏ, loại bỏ đất cát rồi rửa sạch, thái sợi chỉ.
Chờ hỗn hợp thịt ngấm gia vị, người ta bắt đầu gói tré trong lá chuối hoặc lá ổi già vừa tới để món ăn có mùi thơm, hương vị đặc trưng, đồng thời giảm bớt độ ngấy của thịt heo khi thưởng thức.
Bên cạnh đó, một điều làm nên nét khác biệt cho món ăn này chính là tré được bao bọc bên ngoài bằng rơm khô. Người ta sử dụng rơm khô lấy từ thân lúa, được tuyển chọn kĩ, chỉ giữ lại những sợi suôn óng.
Khâu gói tré được coi là công đoạn quan trọng, đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo của người làm. Tré Bình Định phải được gói trong lá ổi, bọc thêm lớp nilon. Sau đó lấy một nắm rơm, cột chặt một đầu, để rơm xòe đều rồi đặt gói tré vào giữa sao cho các sợi rơm phủ đều bên ngoài.
Cuộn rơm lại, cột dây bên ngoài bằng lạt tre hay dây nhựa rồi túm chặt buộc đầu còn lại. Dùng kéo cắt rơm thừa sao cho 2 đầu tré dài bằng nhau, tăng tính thẩm mỹ của món ăn.
Người địa phương thường kết nhiều cây tré lại thành chùm để treo trên gian bếp. Tré được lên men tự nhiên, sau 2-3 ngày thì chín, bắt đầu có vị chua nhè nhẹ, dậy mùi thơm nồng của riềng, tỏi là ăn được.
Khi ăn, người ta sẽ lột lớp vỏ rơm và nilon bọc bên ngoài, dùng đũa đánh tơi tré rồi bày ra đĩa. Để tăng thêm hương vị hấp dẫn, tré thường được ăn kèm với bánh đa, cuốn cùng các loại rau sống (rau thơm, dưa leo, đu đủ bào mỏng, chuối chát…) rồi chấm mắm chua ngọt hoặc tương ớt.
Từ món ăn dân dã, tré ngày càng trở nên phổ biến và được ưa chuộng. Tré thường xuất hiện trong mâm cơm của các gia đình miền Trung, đặc biệt khi có cỗ tiệc hoặc vào dịp lễ, Tết để chiêu đãi khách quý.
Đối với người dân Bình Định, tré là món ăn gói gọn tất cả "hương đồng gió nội" vì được chế biến từ các nguyên liệu thân thuộc của quê hương. So với các món "nem công chả phượng" hay những đặc sản nổi tiếng khác, tré không hề "lép vế" mà còn thu hút mạnh mẽ du khách thập phương bởi hương vị "có một không hai".
Nhận xét
Đăng nhận xét